Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Vì sao Trung Quốc phải cải cách kinh tế?

PHẠM CHÍ DŨNG
VOA - Khi được hỏi về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, một nhà kinh doanh người Đức thốt lên: “Thật là ngu ngốc nếu nghĩ rằng Hội nghị trung ương 3 sẽ dọn đường cho sự phát triển kinh tế bền vững hơn thông qua các cải cách sâu rộng chưa từng có!”.

“Cải cách chưa từng có” là một tuyên bố chưa từng có của giới lãnh đạo Bắc Kinh trong hai chục năm qua, kể từ cuộc cải cách năm 1993.

Nhưng thay cho lối tuyên truyền “chủ nghĩa xã hội đặc sắc” của hệ thống tuyên giáo Bắc Kinh, giới quan sát lại nhận ra nhiều mầm mống bất ổn đang tích tụ ngày càng ồn ã trong hệ thống đảng cầm quyền và ruột thịt nền kinh tế.

Chỉ trước Hội nghị trung ương 3 vài ngày, một số người ủng hộ Bạc Hy Lai đã quyết định thành lập một đảng mới có tên là Chí Hiến - mang hàm ý hiến pháp là thượng tôn. Nếu chính đảng này “được phép” hoạt động, đó sẽ là tổ chức chính trị thứ 9 tồn tại ngoài hệ thống đảng cầm quyền.

Đa nguyên đã trở thành thực tồn trong xã hội Trung Quốc, dù rằng chưa bao giờ được chính thức thừa nhận. Còn bây giờ, một số người đang nói đến đa đảng.

Cuộc tháo chạy tán loạn

Còn nhiều thứ khác đang vượt khỏi vùng kiểm soát của nhà nước Trung Hoa. Nợ và nợ xấu - bất ổn tương tự như Việt Nam - đang gia tăng nhanh chóng và có nguy cơ khiến hệ thống ngân hàng Trung Quốc tụt áp trong khủng hoảng.

Vào giữa năm 2013, một quan chức thống kê cao cấp nhưng đã về hưu của Trung Quốc đã lần đầu tiên tiết lộ khoản nợ của các chính quyền địa phương lên tới 3.300 tỷ USD, gấp đôi so với con số công bố của Ngân hàng trung ương - chỉ khoảng 1.550 tỷ USD. Đáng chú ý, con số tiết lộ trên lại có mối giao lưu tâm đắc với số liệu mà các tổ chức xếp hạng độc lập Fitch Ratings hay Credit Suisse truyền bá từ năm 2011.

Sai số thống kê vẫn là một lỗi lầm chết người ở Trung Quốc, tương tự với căn bệnh giả dối mà hệ thống đảng đã nhồi nhét vào đầu dân chúng suốt từ thời Cách mạng văn hóa đến nay. Vấn nạn này cũng cho thấy tình cảnh nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới có thể trở nên nan giải đến mức tiệm cận đáy mặt bằng kinh tế thế giới:  nếu không giải quyết được nợ xấu và khối hàng tồn kho bất động sản đang tích tụ như núi tại các địa phương, nhiều khả năng nhiều tỉnh và thành phố sẽ vỡ nợ và kéo theo cảnh tượng bùng nổ dây chuyền đối với ngành ngân hàng.

Sau khi đã diễn ra hiện tượng thoái vốn từ ba ngân hàng lớn của nước ngoài đối với các ngân hàng Trung Quốc vào đầu năm nay, người ta đang chờ đợi đến khi nào ở quốc gia thuộc loại cường ngôn nhất thế giới này sẽ diễn biến một cuộc tháo chạy tán loạn như đã từng xảy ra với ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ vào tháng 10/2007.

Trong khi đó và tất nhiên, các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đóng góp một phần rất hiển vinh vào cơ chế sụp đổ trong tương lai không xa, nếu chính nhân tố này không được cải cách triệt để.

Tính độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã trở thành kiếp nạn đối với toàn bộ nền kinh tế. Không chỉ độc quyền về chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp nhà nước còn sở hữu một khối tài sản khổng lồ và luôn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng. Nhưng cũng gần giống như Việt Nam, chỉ số tạo ra lợi nhuận trên một đồng vốn của khối doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc là khá thấp nếu so sánh với khối doanh nghiệp tư nhân. Sự bất cập quá lớn này đang khiến cho Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải nhìn lại sức khoẻ của một thân thể không thể gọi là cường tráng, nếu muốn thực thi chính sách “đập ruồi đánh hổ” dù chỉ với động cơ thanh trừng nội bộ.

Cũng bởi, sự liên kết giữa các doanh nghiệp độc quyền quốc doanh, nhiều tập đoàn kinh tế tư bản tư nhân với khối ngân hàng đã từ lâu làm nên một hệ trục bền vững và quay quắt đến mức đó sẽ là thách thức vô cùng lớn lao đối với Tập Cận Bình.

Tất cả những móc xích nhà đá như thế đã có tác dụng ghê gớm làm cho hố phân cách thu nhập và bất bình đẳng xã hội ở Trung Quốc ngoác rộng một cách khó tưởng tượng. Vẫn theo con số thống kê chính thức, hệ số bất bình đẳng Gini của Trung Quốc chỉ chưa đầy 0,4, hoàn toàn tương đồng với cảnh sắc tô hồng ở Việt Nam. Song trong thực tế, ai cũng thừa biết rằng Trung Quốc là đất nước có số tỷ phú đô la thuộc hàng cao nhất thế giới, với ít nhất 300 người sở hữu từ 1 tỷ USD trở lên; còn Việt Nam cũng đang có một đoàn người ít nhất 200 nhân mạng với tài sản ít nhất 100 triệu USD theo đầu nhân mạng ấy.

Đáng giễu cợt hơn nữa, Quốc hội Trung Quốc cũng là địa chỉ chứa đựng nhiều đại biểu dân bầu giàu có nhất so với mặt bằng thu nhập bình quân của giới dân biểu ở nhiều nước phát triển.

Nước giàu dân nghèo

“Nước giàu dân nghèo” là một cụm từ đặc trưng mà giới phân tích kinh tế phương Tây dành riêng cho Trung Quốc.

Bất bình đẳng xã hội đã lớn đến mức các tập đoàn được xem là “tư sản đỏ” cùng giai cấp “thái tử đỏ” đã vượt qua vô số giới hạn lũng đoạn để thành công trong trạng thái chủ nghĩa tư bản man rợ, kinh doanh và kiếm lời bất chấp mọi giá trị đạo lý.

Tâm lý thù ghét người giàu cũng vì thế phát sinh đậm đặc trong não trạng giai tầng nghèo khó ở Trung Quốc. Một con số tiết lộ đã cho biết chỉ trong mấy năm qua đã có hàng chục ngàn quan tham Trung Quốc tẩu tán tài sản ra nước ngoài với số tiền lên đến hàng trăm tỷ USD. Nhưng xem ra, con số này mới chỉ là một góc rất nhỏ của tảng băng chìm. Trong thực tế, giới nhà giàu Trung Quốc đã và đang làm nên những cuộc cách mạng bất động sản cao cấp ở Canada, Mỹ và Anh.

Không chỉ người Hán phải chịu cảnh phân hóa gay gắt với các tầng lớp giàu có, những giai tầng nghèo túng hơn ở Tây Tạng, Nội Mông và Tân Cương đương nhiên phải nằm dưới đáy xã hội. Chính sách hỗ trợ hạ tầng cơ sở của nhà nước trung ương trong những năm qua cho những khu vực được xem là sắc tộc thiểu số này vẫn chưa đem lại hiệu quả mà Bắc Kinh mong muốn. Những cuộc nổi dậy liên tiếp cùng hàng ngàn người chết ở Tân Cương, hơn 120 vụ tự thiêu ở Tây Tạng và làn sóng bạo động chực chờ ở Nội Mông luôn cho thấy các sắc tộc thiểu số muốn làm ngược lại với ý chỉ của Bắc Kinh.

“Voi cưỡi xe đạp” cũng là hình ảnh mà một chuyên gia dành tặng cho nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Sự sụp đổ của một đế chế có đến 3.400 tỷ USD dự trữ ngoại tệ là có thể xảy ra, nếu nó không tự thân cải cách, và hơn nữa còn phải cải cách một cách quyết liệt.

Lần đầu tiên, Trung Quốc có thể phải chấp nhận hình thức sở hữu đất đai tập thể cho các hợp tác xã ở nông thôn. Điều đó cho thấy người nông dân bắt đầu có được quyền sở hữu đất đai, thay vì chỉ là quyền sử dụng như trước đây. Và quy định mới này cũng có thể tái lập một chân lý: không phải các chính quyền địa phương muốn làm càn tùy ý như trước đây, mà từ nay về sau, những cuộc càn quét trưng thu đất đai vô lối và đầy rẫy bất công sẽ có thể được hạn chế hơn.

Làn sóng khiếu kiện đông người về đất đai ở Trung Quốc cũng vì thế có triển vọng được kềm chế. Vào những năm trước, đây là một vấn đề cực nóng ở quốc gia này, mà tiêu điểm là cuộc biểu tình của 13.000 người dân ở làng Ô Khảm ở Quảng Đông - hiển hiện như một cuộc khởi nghĩa nhỏ của nông dân.

Bắt đầu nguy biến

Ở một góc nhìn khác, người ta lại nhận ra hai năm 2012 và 2013 diễn ra quá nhiều các vụ bắt bớ những người bất đồng chính kiến. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, đã có hàng trăm người bị bắt giữ, đa số liên quan đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Thậm chí, chính quyền trung ương còn tung ra chính sách sử dụng đến 2 triệu kiểm soát viên và dư luận viên để theo dõi và siết chặt các trang mạng xã hội đang nở rộ trên mạng Internet.
Kinh tế bất ổn, mâu thuẫn xã hội đang có nguy cơ biến thành xung đột, xung đột sắc tộc cũng ngày càng lộ diện  theo cách mà Bắc Kinh cho là “khủng bố”, tình trạng trấn áp người bất đồng chính kiến tăng vọt… - đó là cái gì, nếu không phải là một nguy cơ rất tiềm tàng đang đe dọa trực tiếp đến quyền lực của một chính thể đang bị coi là ruỗng mục từ trên xuống dưới?

Không đơn giản là các cuộc cải cách ở Trung Quốc tuân theo tính chu kỳ của nó, sau các sự kiện thay đổi lớn vào năm 1978 và 1993. Hai câu hỏi lớn nhất mà thế giới đang nhìn vào quốc gia này là: Liệu trong vài ba năm tới, Trung Quốc có thể trở thành một tác nhân gây khủng hoảng cho hệ thống kinh tế thế giới? Và thiết thực hơn nữa, quyền lực của Trung Nam Hải liệu có kéo dài được chẵn một thập niên nữa?

Chính những câu hỏi nguy biến như thế đã khiến cho giới lãnh đạo mới như Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường phải tiến hành một “cuộc cải cách chưa từng có”. Thành công hay không từ cuộc cải cách này đương nhiên sẽ quyết định số phận của đảng Cộng sản Trung Quốc .

Tất nhiên, còn lâu mới có việc đảng cầm quyền thừa nhận về cải cách chính trị ở đất nước này. Chỉ có điều, cải cách kinh tế lại thường là tiền thân cho cải cách chính trị. Nếu cải cách kinh tế thất bại hoặc không đạt kết quả mong muốn, nguy cơ nền chính trị “tự diễn biến” sẽ càng lớn hơn.

Còn nếu kinh tế kết tụ những dấu hiệu khủng hoảng, môi trường chính trị ở đất nước này sẽ lập tức xuất hiện xu hướng ly khai - một hiện tượng rất biện chứng nếu so sánh với vô số minh họa trong lịch sử Trung Hoa.

“Môi hở răng lạnh” - triết lý này cũng rất có thể ứng nghiệm với tấm quốc kỳ thêu 16 chữ vàng với Trung Quốc: đất nước hình chữ S và chan chứa bởi dĩ vãng “ngàn năm Bắc thuộc”.

Nguồn: VOA