Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Quy chụp chính trị Luật Biểu tình: Quan chức nào Bộ Quốc phòng?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Bộ Quốc phòng Việt Nam - lực lượng tiền phương bảo vệ biên cương bờ cõi dân tộc - khốn khổ thay, luôn khiến người dân phải nghi ngờ về lòng trung thành với tổ quốc.

Thực chất quan điểm của Bộ Quốc phòng trước hiểm họa Trung Quốc và Luật Biểu tình ra sao?

Rụt cổ

Tháng 5/2015, khi Bộ trưởng còn là ủy viên Bộ Chính trị Phùng Quang Thanh trang nghiêm nhận lĩnh chiếc bình gốm đầy ẩn ý từ tay Tướng Thường Vạn Toàn - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, những người Việt còn mơ màng mới chợt nhận ra ý tứ về một “đại cục” muốn được khống chế nguyên vẹn từ di sản tỉnh lỵ hóa của Hội nghị Thành Đô 1990.

Sau đó cuối 2015, Tập Cận Bình đọc diễn văn trước Quốc hội Việt Nam và chính thức lên lớp về “đại cục”. 

“Đại cục” nói lên tất cả. Đó là nguồn cơn vì sao Tướng Phùng Quang Thanh cùng dàn tướng lĩnh bị coi là “thân Tàu” đã chỉ có thể thốt ra “chuyện trong nhà” nhưng hầu như không động đậy chân tay trước chuỗi gây hấn và khiêu khích liên tiếp, bắt giữ, đánh đập và rất có thể gây ra những cái chết thảm khốc đối với ngư dân Việt của đội tàu Trung Quốc từ năm 2011 đến nay.

Giàn khoan Hải Dương 981 giữa năm 2014 là phép thử cho một thứ ý chí đã bị lung  lạc đến tận xương tủy. Bất chấp Biển Đông gầm sóng, dư luận xã hội  phẫn nộ, báo chí hai lề phẫn uất lên án và hàng chục ngàn người dân Sài Gòn đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc, hình ảnh của Phùng Quang Thanh vẫn là một sự cách điệu tuyệt vời cho tư thế rụt cổ của Hải quân Việt Nam.

‘Đổi mới chính trị’?

Phép thử mới nhất đã và đang diễn ra: Luật Biểu tình.

Đã từ lâu, dư luận xã hội chờ đợi phản ứng của Bộ Quốc phòng Việt Nam, hay chính xác là của giới lãnh đạo bộ này trước một thứ quyền dân đã được hiến định từ năm 1946 nhưng đã bị treo suốt gần một phần tư thế kỷ qua, kể từ Hiến pháp 1992.                         

Nếu không được tiết lộ trên mặt báo chí bởi Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, bản chất quan điểm của Bộ Quốc phòng về Luật Biểu tình vẫn còn là một bóng đen, sau khi hai ẩn số “làm luật” khác là Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã được lôi ra ánh sáng.

“Thứ nhất, Bộ Quốc phòng cho rằng đây là đổi mới về chính trị. Chúng tôi cho rằng nhận thức như vậy là không đúng. Đây là đảm bảo về quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là đổi mới chính trị.

Thứ hai, Bộ Quốc phòng cho rằng chờ bao giờ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới làm. Chúng ta đang làm cái này để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, chứ không phải là chờ ổn định rồi làm.

Thứ ba, Bộ Quốc phòng đề nghị xây dựng Nghị định trước, tổng kết Nghị định rồi mới xây dựng luật. Chúng tôi thấy rằng, Nghị định 38 bây giờ đã trái với Hiến pháp. Chúng ta mà làm Nghị định thì càng trái với Hiến pháp, không phù hợp với Hiến pháp, trong đó rất nhiều nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân” - phản biện của ông Nguyễn Kim Thoa.

Hoàn toàn minh xác về não trạng của Bộ Quốc phòng.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp của Quốc hội tỏ thái độ mỉa mai và gay gắt đến thế đối với Bộ Quốc phòng. Tất cả những lý do mà bộ này nêu ra hòng “chặn” Luật Biểu tình đều mù mờ và thiếu hẳn tính chân thực - nếu đối chiếu với gốc gác “từ nhân dân mà ra” và sứ mệnh “vì nhân dân quên mình” của cơ quan này.

Nhưng phi chân thực nhất chính là văn bản của Bộ Quốc phòng đã đề cập một ẩn ý nguy hiểm về “đổi mới chính trị”. Những người sống đủ lâu trong nội bộ chế độ biết rõ rằng ngay vào thời “Đổi mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, từ “chính trị” vẫn đặc biệt bị kiêng kỵ.

Kiêng kỵ cho đến tận bây giờ.

Trước và sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, nội bộ đảng cũng chỉ dám đề cập đến “cải cách thể chế” chứ không phải là “cải cách chính trị’. Cũng bởi thế trong nội bộ, nếu ai đó đề cập về “đổi mới chính trị” sẽ có thể bị suy diễn như một tư duy sai lệch với đường lối lãnh đạo chính trị một đảng duy nhất. Cách đây vài ba chục năm, khái niệm này thậm chí còn dễ dàng bị quy chụp cho cái mũ “hữu khuynh” và bị đưa đi cải tạo.

Bộ Quốc phòng - đơn vị quan trọng nhất trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc - lại dường như đang nhắm đến thái độ quy chụp như thế, thay vì ủng hộ nhân dân biểu thị quyền phản đối chính đáng trước một Trung Quốc bạn vàng nanh sói.

Rất có thể trong suốt chiều dài rụt cổ của mình, những tướng lĩnh đáng lẽ phải bị thay thế từ lâu như ông Phùng Quang Thanh đã tìm cách ngăn chặn Luật Biểu tình không chỉ một lần. Thậm chí cơ chế “bao vây và tiêu diệt” Luật Biểu tình còn có thể được thực hiện một cách có hệ thống, uốn lượn hệt như đường vân hoa trên chiếc bình mà Lướng Thanh nhận từ tay Thường Vạn Toàn.

Làm gì để trị ‘nhũn não’?

Bằng chứng rất rõ ràng: vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam đã chứng minh Bộ Quốc phòng là một trong những địa chỉ biểu lộ tính cố thủ nhất và cũng đáng nghi ngờ nhất. Không những không có động tác kiên quyết nào để ngăn chặn tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc xâm nhập, bộ này còn tỏ ra chểnh mảng trong việc bảo vệ an ninh hải phận.

Hoàn toàn trái chiều lương tâm dân tộc, một trong số những đơn vị bảo vệ hải phận là Hải đội 2 - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị còn được lên mặt báo chí bằng động tác tuần tra khống trên biển để rút ruột ngân sách ít nhất hàng tỷ đồng. Dù vụ việc này mau chóng được “rút kinh nghiệm”, nhưng chẳng ai tin nổi chỉ có riêng Quảng Trị mới tuần tra khống như thế.

Tình thế ngàn cân treo sợi tóc, ngư dân bám biển hải quân bám bờ. Dân không chết trên biển mới là lạ.

Nhiều năm qua, rất nhiều vụ ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc tấn công, đánh đập đã cho thấy tư tưởng tắc trách đến mức cúi rúc không thể chấp nhận của Hải quân Việt Nam.

Tháng 10/2015, một ngư dân Việt là ông Trương Đình Bảy đã bị một đám “người lạ” nhảy lên tàu cá của ông và xả súng AK giết chết ông. Dù sau đó chính quyền Đà Nẵng đã xác định đám người này đi trên một tàu có treo cờ Trung Quốc, phía Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn hoàn toàn nín tiếng cho tới nay. Cái chết oan ức của ngư dân Bảy cũng vì thế có nguy cơ rất lớn bị chìm xuồng.

Vào giữa tháng 2/2016, một tàu cá của ngư dân Quảng Bình đã bị “tàu lạ” thả neo làm chìm, khiến 3 ngư dân mất tích. Bộ Quốc phòng cũng im bặt về chuyện này. Tất cả chỉ còn lại màu tang tóc của biển và của những thân phận trong chế độ “hèn với giặc ác với dân”.

Sau vụ việc “đi Pháp chữa bệnh” quá đình đám của viên Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào giữa năm 2015, một lần nữa dư luận bật lên câu hỏi về việc Bộ Quốc phòng Việt Nam đứng về phía nào khi cố ngăn chặn Luật Biểu tình của người dân, trong đó có một hoạt động không thể thiếu là biểu tình chống Trung Quốc xâm lược?

Trong khi đó, quá đáng cúi mặt cho tờ Quân Đội Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng. Gần như một bản sao của thủ trưởng Phùng Quang Thanh, tờ báo này rụt cổ và cấm ngôn trước mọi trò hành hạ dã man của Trung Quốc đối với ngư dân Việt. Nhưng ngược lại, Quân Đội Nhân Dân tỏ ra là tờ báo “anh hung” nhất trên mặt trận đả kích và truy buộc pháp lý những người và trí thức biểu tình chống Bắc Kinh.                                  

Nếu tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam diễn ra vào tháng 2/2016, ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội - lần đầu tiên phải chỉ trích thái độ của Chính phủ và Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc xin lùi Luật Biểu tình là “thiếu nghiêm túc”, sẽ cần từ ngữ gì để phán quyết về hành động tương tự của Bộ Quốc phòng?

Liệu ông Ngô Xuân Lịch - người được phong đại tướng trước Đại hội XII và trở thành ủy viên Bộ Chính trị sau đại hội này lẫn cái ghế bộ trưởng quốc phòng trong tương lai rất gần - sẽ làm được gì để thay đổi một não trạng quá “nhũn não” trước Trung Quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam - di sản kiệt quệ từ thời tướng “chữa bệnh” Phùng Quang Thanh?