Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Sụp đổ tài khóa quốc gia’: Thủ tướng Phúc không muốn phải ‘đổ vỏ’?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Gần một năm sau cuộc chuyển giao quyền lực chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu có những phát ngôn “lạ” về kinh tế ngay vào khoảng thời gian chuyển thời giữa năm 2016 và 2017.

Bắt đầu ‘mở miệng’

“Nợ công sát trần cho phép và nếu tính đủ thì có thể đã vượt trần”, Thủ tướng Phúc đột ngột phát biểu không hẳn là chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào cuối năm 2016.

Đây là lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm đề cập đến thực tế nợ công đã vượt trần, tức vượt ngưỡng nguy hiểm 65% GDP. Trước đó, tất cả các quan chức chính phủ, từ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đều khăng khăng nói rằng nợ công vẫn dưới ngưỡng nguy hiểm. Đây cũng là lần đầu tiên một cấp phó của nguyên Thủ tướng Dũng dám có cách nhìn trái với cựu thủ trưởng của mình.

Sau phát ngôn “lạ” vừa nêu, ông Nguyễn Xuân Phúc càng làm dư luận sửng sốt với nhận xét “Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi” trong hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức chiều ngày 6/1/2017.

Phát ngôn đặc biệt vừa kể đã được chính Thông tấn xã Việt Nam đăng lại với tựa đề “Nợ công tăng nhanh, Thủ tướng cảnh báo ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’”, nhưng sau đó có lẽ bị Ban Tuyên giáo trung ương chỉnh huấn nên lại đổi thành “Thủ tướng đề nghị kiểm soát nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ”.

Có thể cho rằng, đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp của Việt Nam đề cập đến nguy cơ sụp đổ tài khóa quốc gia, đặc biệt đã sử dụng từ “sụp đổ”, vốn là một từ ngữ bị coi là cực kỳ “nhạy cảm chính trị” mà hệ thống đảng và chính quyền từ trước tới nay chưa bao giờ nói đến một cách công khai.

Hãy hồi tưởng, trong suốt những năm làm Phó Thủ tướng, ông Phúc đã chẳng có bất kỳ phát ngôn công khai nào về “nợ công đã vượt trần” hay “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Ngược lại, ông nhẫn nại hòa nhịp với cấp trên trực tiếp của mình.

Nhưng bây giờ thì khác.

Theo Hiến pháp, Nguyễn Xuân Phúc đang là thủ tướng. Có thể hiểu tâm thế của Thủ tướng Phúc ra sao khi ông dám nói thẳng về “nợ công đã vượt trần” trong hiện tại và đặc biệt là “sụp đổ tài khóa quốc gia”, dù chỉ dùng để nói về tương lai?

Đời thủ tướng khó khăn nhất

Một năm sau Đại hội XII, lịch sử của đảng CSVN đã đủ thời gian để cho thấy chưa bao giờ có một đời thủ tướng nào lại phải gánh chịu quá nhiều hậu quả và di họa như Nguyễn Xuân Phúc. Không chỉ nợ công mà còn là đủ thứ di họa khác về nợ xấu, ngân sách, môi trường, tham nhũng…

Chưa kể tình trạng “đồng chí không đồng lòng” ngày càng lan rộng trong nội bộ mà chỉ một chút sơ sẩy là “toi”.

Trong khi các cơ quan trung ương của đảng vẫn cứ theo thói quen chỉ tay năm ngón, chẳng phải chịu trách nhiệm nào về mặt pháp lý nhưng vẫn đều đều nhận ngân sách ưu tiên, thì người đứng đầu nền hành pháp Việt Nam mới là nhân vật cao cấp nhất phải “đưa đầu chịu báng”. Nếu không thể xử lý được một phần nào đó trong vô số hậu quả do vị thủ tướng tiền nhiệm để lại, đặc biệt là vấn đề nợ công và ngân sách, ông Phúc rất dễ bị “đòn dưới thắt lưng” của một số nhân vật chẳng ưa thích gì ông, và hậu quả là tương lai chính trị của ông Phúc cũng chẳng hề được bảo đảm.

Khác với những nhận định lạc quan thường bị một số người chế nhạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các chỉ số kinh tế quốc gia, những phát biểu về kinh tế của Nguyễn Xuân Phúc có độ khả tín cao hơn do được dựa trên một số cơ sở nhất định.

Trong những năm làm phó thủ tướng dưới quyền ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc được phân công theo dõi khối văn phòng chính phủ và là quan chức tiếp cận với nhiều báo cáo, đề án kinh tế…, nói chung là một người làm cụ thể chứ không mắc căn bệnh quan liêu chỉ tay năm ngón của Thủ tướng Dũng. Chính vì thế, có thể xem ông Phúc là “tay hòm chìa khóa” và am hiểu về tình hình thực chất của nợ công và túi tiền ngân sách.

Khi trở thành thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc càng có điều kiện được Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chi tiết về tiền trong ngân sách còn nhiều hay ít và có lẽ cả triển vọng khi nào ngân sách sẽ cạn kiệt, hoặc khi nào có thể vỡ nợ công. Rất có thể, Thủ tướng Phúc đã biết về một kịch bản cạn kiệt ngân sách và dẫn đến “sụp đổ tài khóa quốc gia”, thậm chí là trong tương lai gần.

Minsky nợ công

Vào cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công mà Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng nêu ra như một thành tích để “tiến tới Đại hội XII” vẫn chỉ dưới 60% GDP. Nhưng sau Đại hội, khi ông Nguyễn Tấn Dũng “rớt đài”, những kỳ họp Quốc hội đã cho thấy giới quan chức Bộ Tài chính bắt đầu dao động. Tỷ lệ nợ công dần được nâng lên đến 60% GDP và gần đây là 62% GDP.

Tuy nhiên, những tỷ lệ báo cáo trên vẫn còn quá thấp so với thực tế.

Trong suốt giai đoạn hai chục năm từ 1994 đến 2014, Việt Nam đã vay mượn đến 80 tỷ USD vốn ODA, nâng nợ công lên đến vài ngàn USD mỗi đầu người.

Vào tháng 5/2016, một chuyên gia kinh tế là Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh cho rằng nếu tính đủ các khoản nợ từ cấp xã đến nợ xây dựng cơ bản của các bộ ngành, địa phương, nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công của Việt Nam có lẽ lên đến 110-120% GDP, khoảng trên 4,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 220 tỷ USD.

Thậm chí có những đánh giá không chính thức cho rằng tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang vào khoảng 150%/GDP, tức lên đến khoảng 300 tỷ USD, hoàn toàn có thể làm cho nền kinh tế Việt Nam bị phá sản trong ít năm tới - không khác mấy với trường hợp Argentina bị vỡ nợ đến hai lần vào năm 2001 và năm 2014.

Vậy “nếu tính đủ” về nợ công có nghĩa là thế nào?

Trong thực tế, Luật Nợ công của Việt Nam đã cố tình bỏ qua một tiêu chí tính nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, trong khi tiêu chí này nằm trong số 5 tiêu chí bắt buộc của cơ quan thống kê của Liên Hiệp Quốc. Theo con số nợ tương đối của các doanh nghiệp nhà nước được công bố từ tận… năm 2011, loại nợ này đã đạt đến khoảng 25-30 tỷ USD, chiếm khoảng 15% GDP. Cho tới nay, không ai biết số nợ này sẽ được trả bằng cách nào.

Sau hai chục năm vay mượn và đầu tư khiến phát sinh hàng núi nợ công và nợ xấu, cuối cùng thì thời điểm Minsky - các khoản nợ đến kỳ đáo hạn nhưng còn lâu mới trả được - đang lồ lộ hơn bao giờ hết.

‘Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ’

Với những phát ngôn “lạ” mới đây về kinh tế, hẳn Thủ tướng Phúc không muốn bị biến thành nhân vật trong tục ngữ “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”.

Một lý do khác khiến Thủ tướng Phúc trở thành nhân vật “kiến tạo” những phát ngôn chưa từng có tiền lệ về “nợ công đã vượt trần” và “sụp đổ tài khóa quốc gia” là nếu không đủ can đảm nói ra một sự thật mà trong cả nước chỉ có đảng là cố bịt tai nhắm mắt, ngay bây giờ hoặc chẳng bao lâu nữa ông Phúc sẽ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả ghê gớm được để lại từ đời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không chỉ bị đảng có thể xếp loại “đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Phúc có thể còn bị những đối thủ chính trị vin vào lý do “điều hành yếu kém” để tìm cách loại ông khỏi chức vụ thủ tướng…

Nhưng tạm gác lại nạn đấu đá triền miên trong nội bộ, chúng ta có thể nhận ra rằng một khi chính Thủ tướng Phúc đã phải xác nhận về nguy hiểm “sụp đổ tài khóa quốc gia”, đây không còn là một giả thiết mà có nhiều khả năng sẽ trở thành sự thật.

Nếu không tìm cách nói thật, ông Phúc sẽ không thể nào thanh minh được với Bộ Chính trị và bàn dân thiên hạ rằng ông “vô can” với một số hậu quả kinh tế và xã hội. Ông chỉ chịu trách nhiệm từ nay trở đi, chẳng hạn nếu Chính phủ phải gồng mình bảo lãnh cho Tập đoàn Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ - người anh em cọc chèo với Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh - được vay vốn nước ngoài để bảo đảm 10 tỷ USD đầu tư vào Dự án Thép Cà Ná - Ninh Thuận, một dự án đặc biệt bị dư luận phản đối vì có triển vọng trở thành một “Formosa thứ hai”.

Bởi thế những quan chức khác cũng sẽ dần theo gương Thủ tướng Phúc. Chẳng có gì phải che chắn cho những hậu quả gây ra bởi “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”.

Trớ trêu thay, có khi lúc đó báo chí nhà nước lại có cớ để ngợi ca về một chính phủ “kiến tạo và minh bạch”. Bất chấp nhiều năm trước Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã đòi Việt Nam phải bạch hóa các số liệu kinh tế và tài chính nhưng chẳng quan chức Việt nào thèm để tâm.