Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Tập đoàn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt là 'cận kề'

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Tương lai phá sản của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước là rất cận kề, sau vài động thái mới nhất của Chính phủ và Bộ Tài chính liên quan đến quốc nạn nợ công.

Nợ công 210% GDP!

Trước tết Nguyên đán năm 2017, Bộ Tài chính đã đưa dự thảo của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) ra công luận để lấy ý kiến rộng rãi. Có lẽ nội dung đáng chú ý nhất của bản dự thảo này là Bộ Tài chính - cơ quan chuyên sáng tạo ra các sắc thuế bổ đầu dân để vun vén cho ngân sách - đã không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia. Trong khi đó, loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc.

Nhưng tại sao Luật về nợ công của Việt Nam lại như cố tình không gộp cả phần nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước?

Theo phân tích mới nhất của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.

Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.

Trước đây vào năm 2011, ngay một chuyên gia nhà nước là ông Vũ Đình Ánh đã phải thừa nhận nợ công đã lên đến 98% GDP.

Nhưng cũng vào năm 2011, nợ công quốc gia đã được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng “ấn định” chỉ vào khoảng 55% GDP. Lý do hết sức dễ hiểu là nếu tống nợ vay nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia, nợ công sẽ vọt lên ít nhất 200% GDP ngay tại thời điểm năm 2011 - lúc tỷ lệ lạm phát trên báo cáo đã xấp xỉ 20%, còn Chính phủ bắt buộc phải ban hành nghị quyết về “thắt lưng buộc bụng” sau một thời gian dài “đầu tư liên tục, đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ” như một triết lý cảnh báo của chuyên gia phương Tây đối với trường hợp Trung Quốc và Việt Nam.

Còn từ năm 2011 đến năm 2015 và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).

Vào thời điểm sát Đại hội XII cuối năm 2015, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn cố “khuôn” nợ công quốc gia chỉ khoảng 59% GDP, để từ đó vẫn đưa ra những lời hô hào “còn dư địa để vay nước ngoài”, vẫn tiếp diễn những ca khúc về các dự án khổng lồ “đường sắt cao tốc Bắc Nam” với vốn đầu tư lên đến hơn 50 tỷ USD, “đường bộ cao tốc Bắc Nam” với giá trị ban đầu lên đến 10 tỷ USD, và cả nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với giá trị đầu tư phát sinh tuy chưa làm gì cả đã lên đến 20 tỷ USD…

Chỉ đến sau Đại hội XII, khi ông Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ “ngã ngựa”, không những bị loại khỏi Bộ Chính trị mà còn chẳng trụ nổi trong Ban Chấp hành trung ương đảng, làn sóng “mở miệng” của giới quan chức “còn đảng còn mình” mới thấp thoáng. Theo đó, tỷ lệ nợ công quốc gia dần được “điều chỉnh” nhích lên và gần đây nhất là đã “sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP”.

‘Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần’

Trong thực tế, nợ công quốc gia lớn hơn nhiều so với các báo cáo vừa tô hồng vừa đậm vẻ dối trá.

Vào năm 2016, ông Lê Đăng Doanh, một trong những tiếng nói phản biện hiếm hoi của giới chuyên gia nhà nước, đã phải đưa ra vài phép tính tiểu học để tính toán rằng nợ công quốc gia trong thực tế đã đạt đến hàng trăm phần trăm GDP chứ không thể ít hơn. Cùng lúc, nhiều ý kiến khác đã yêu cầu Chính phủ phải điều chỉnh Luật về Nợ công và phải đưa những khoản vay nợ khổng lồ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào luật này.

Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra một đánh giá chưa từng có tiền lệ: “Nếu tính đủ, nợ công đã vượt trần”.

Tuy thế, làm sao để Bộ Tài chính và chính phủ Việt Nam có đủ can đảm để “tính đủ”? Và cũng bởi làm thế nào để một chính phủ đang bị coi là “đổ vỏ” cho chính phủ trước phải “nai lưng” ra trả nợ cho những khoản nợ vay mà chính phủ trước đã bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước?

Trước đây và đặc biệt dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc Chính phủ bảo lãnh cho tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay vốn của nước ngoài diễn ra tràn lan và vô tội vạ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, có ít nhất 30% số doanh nghiệp nhà nước luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Còn sang thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề bảo lãnh vay nợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước gần như đã bị Chính phủ đóng lại bởi số nợ công tăng vượt mặt. Theo tinh thần mới nhất mà Thủ tướng Phúc họp với ngành tài chính và các ngành khác, nếu doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ vay nước ngoài thì sẽ phải tự phá sản chứ không thể trông đợi vào sự cứu giúp của Chính phủ.

“Phán quyết” mới nhất của Chính phủ là cơ quan này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay nợ nước ngoài chỉ đúng 1 tỷ USD trong năm 2017, giảm mạnh so với mức bảo lãnh 2,5 tỷ USD trong năm 2015 và 1,5 tỷ USD trong năm 2016.

Hẳn nhiên đây là tình thế tất yếu bởi ngân sách quốc gia hiện thời là cực kỳ eo hẹp, thu không đủ chi và hàng năm còn phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ USD.

Nếu phải lo cả “nợ riêng” của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ sẽ rất dễ chết chìm trong biển nợ công.

Đi đôi với thái độ kiên định không đưa nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ Tài chính còn “tố” rằng nợ công đã tăng đến 14,8 lần trong 15 năm qua. Thậm chí vào đầu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã lần đầu tiên phải dùng đến một cụm từ đặc biệt nhạy cảm chính trị mà trước đó không một cấp lãnh đạo nào dám sử dụng: “sụp đổ tài khóa quốc gia”.

Hẳn là thế, bội chi ngân sách phi mã đến 6,6% vào năm 2013 dưới thời Thủ tướng Dũng đã tạo nên dấu mốc kỷ lục cho toàn bộ một triều đại tàn phá đất nước đến suy kiệt. Ngay cả năm điều hành đầu tiên của Thủ tướng Phúc vẫn phải “chấp nhận” bội chi ngân sách ở con số ít nhất là 254 ngàn tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ bội chi 5,5% GDP, trong khi dư luận cho rằng thực tế bội chi còn cao hơn hẳn.

Sẽ phá sản và ‘bắt doanh nghiệp nhà nước’

Bối cảnh ngân sách cạn kiệt, cụ thể là chẳng còn khoản kết dư đáng kể nào, cũng là lúc đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nợ công sắp “vỡ” và Chính phủ không còn khả năng trả nợ thay cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Từ vài năm qua, đã xuất hiện một ít doanh nghiệp nhà nước bị phá sản, tuy chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ khác hẳn. Doanh nghiệp nhà nước sẽ “đồng hành” với tình trạng khốn khó của doanh nghiệp tư nhân.

Không khó để dự đoán rằng một khi Chính phủ gần như phủi tay trước nhiều món nợ vay nước ngoài của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, ngay trong năm 2017 sẽ xuất hiện những cái tên doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải phá sản, thậm chí còn phải đối mặt với vòng lao lý.

Và sẽ ập đến cả một phong trào “bắt doanh nghiệp nhà nước”, đi đôi với chiến dịch “bắt ngân hàng” đã, đang và sẽ gây náo loạn…