Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Sao Đảng bỗng dưng ‘không sợ đối thoại’?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Đối thoại chỉ thực sự đạt được kết quả dân sinh - dân chủ - dân quyền khi đảng bị ép vào chân tường - một “vách đá tài chính” về ngân sách, suy thoái dẫn đến khủng hoảng kinh tế, phản kháng và hỗn loạn xã hội, nội bộ chính trị phân rã cùng trào lưu “tách đảng”, tất cả cùng cộng hưởng.

3 kế hoạch “đối thoại”

Dù nửa đầu năm 2017 vẫn chưa qua, nhưng đã có đến 3 sự kiện “đối thoại” khiến lùm xùm dư luận.

Cuộc “đối thoại” đầu tiên thuộc về chức trách của Hội Nhà văn Việt Nam với kế hoạch “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” và “sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại về nước tham dự”, dự định tổ chức vào tháng 4/2017, nhưng cho tới giờ hoàn toàn bặt vô âm tín. Nghe nói tuyệt đại đa số nhà văn hải ngoại đã cự tuyệt lời mời bị xem là quá sức mị dân từ hội đoàn bị xem là “cánh tay nối dài của đảng”.

Sự kiện đối thoại thứ hai đã diễn ra đúng nghĩa, dù là “nước đến chân mới nhảy”. Tại một địa danh lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới: Đồng Tâm. Lần đầu tiên, một nhân vật đại diện cho thói kiêu ngạo cộng sản của đảng cầm quyền là Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải viết cam kết nhượng bộ trước đám đông nông dân chỉ chực chờ “nổi loạn”.

Và đến ý tưởng “đối thoại” chỉ mới nảy sinh vào tháng 5/2017: hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào sáng 18/5/2017 đã bớt hẳn khí sắc nhàm chán khi Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đột nhiên nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.

Dấu hiệu đáng chú ý là vào năm nay, có vẻ sự việc trở nên “quyết liệt” và gấp gáp hơn. Nếu năm ngoái Võ Văn Thưởng chỉ hé ra ý định “đối thoại” mà không kèm theo kế hoạch nào và cũng chẳng làm gì sau đó, thì lần này ông Thưởng đã nhích thêm một chút (mới chỉ một chút) khi thông tin cho báo giới nhà nước: “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Sau động thái trên của Võ Văn Thưởng, một số ý kiến trong giới phản biện tỏ ra hào hứng và vồn vã đón nhận “chủ trương đối thoại của đảng”. Một số khác trong đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước cho rằng kỳ này đảng có vẻ nghiêm túc hơn trong việc đối thoại, mặc dù vẫn chỉ dùng lối đảo từ theo cách ám chỉ “người khác biệt quan điểm” chứ chưa dám gọi thẳng tên “người bất đồng chính kiến”.

Nhưng tại sao từ nhiều năm qua, đã có không ít lời kêu gọi đối thoại từ giới trí thức phản biện độc lập mà đảng vẫn không chịu có “chủ trương”? Thậm chí ngay cả lời kêu gọi này xuất phát từ nhóm trí thức “phản biện trung thành” cũng không khiến đảng mảy may động lòng?

Vì sao đảng bỗng nhiên muốn “đối thoại”?

Có khá nhiều bằng chứng về thế chủ động đề nghị đối thoại đã từng thuộc về giới phản biện và bất đồng chứ không phải chính quyền.

Từ năm 2015 đến nay, “Nhóm 61” - một tập hợp mới của một số trí thức đảng viên và những người thuộc phong trào học sinh và sinh viên ở Sài Gòn trước năm 1975 - đã vài lần gửi thư yêu cầu cho Bộ Chính Trị về nhu cầu đối thoại và đề nghị “ít nhất một cuộc gặp để góp ý”. Nhưng từ Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống, tất cả nín bặt, không một lời hồi âm.

Còn trước đó, vào năm 2014 khi nổ ra vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều trí thức đã yêu cầu Bộ Chính Trị phải đối thoại để xử lý dứt khoát vấn đề đối sách với Bắc Kinh. Nhưng Bộ Chính Trị đã như thể cấm khẩu.

Vào giữa năm 2016, khi cuộc biểu tình bảo vệ môi trường bùng nổ ở miền Trung và kéo theo các cuộc biểu tình liên tiếp của người dân ở hai đầu cầu Hà Nội và Sài Gòn, Ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng bất chợt tung ra một phát ngôn hàm ý về “đối thoại với dân” như một động tác xoa dịu không khí phẫn nộ trong dân chúng. Nhưng sau đó ông Thưởng đã “biệt tích” trước cảnh công an Việt Nam lộ nguyên hình hài, hùng hổ bắt bớ và đánh hội đồng không thương tiếc hàng trăm người biểu tình.

Có thể giải thích thế nào về cái cách thập thò rất thiếu chính danh như thế của “đảng ta”?

Trên phương diện tâm lý, sĩ diện của đảng là cao vời vợi, dù sắp chết đến nơi vẫn còn vời vợi cao. Tâm lý đầu tiên và luôn có là “ta đường đường là ủy viên Bộ Chính Trị, sao phải hạ mình ngồi ngang hàng và nói chuyện với mấy tay trí thức chỉ là đảng viên thường?”

Còn nếu có diễn ra một cuộc đối thoại trong mơ, cái gì sẽ được nói ra? Chẳng lẽ giới lãnh đạo đầy sĩ diện và ảo tưởng quyền lực lại chịu ngồi im để nghe “đám trí thức nhiều chuyện” răn dạy sự cần kíp phải bỏ ngay Điều 4 Hiến Pháp, chấm dứt ngay sự độc tôn lãnh đạo của đảng cầm quyền, thoát Trung và cả thoát Cộng, chống tham nhũng từ ngay trong nhà mình… Toàn những chuyện quá khó nghe và quá khó nuốt! Toàn những chuyện “bỏ đảng là tự sát!”.

Kết quả là cho đến tận giờ này, khi quá nhiều dư luận sôi sục về hiện tình “đảng nát như tương” và “đất nước nát như cám”, vẫn không có nổi một cuộc đối thoại cho ra hồn giữa một đảng vẫn tuyên xưng là chính danh với những người chẳng cần danh chính nhưng nghiễm nhiên ngôn thuận.

Không ít người trong giới phản biện nói thẳng rằng đừng hy vọng gì về “bản lĩnh đối thoại” của giới lãnh đạo ngày nay. Họ còn đang phải dành đến 99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ nhau trong nội bộ, lấy đâu ra hơi sức để ngồi nói chuyện với mấy ông trí thức. Mà cứ nghe đến trí thức là họ lại lắc đầu quầy quậy.

Rất có thể chỉ sau vụ Đồng Tâm tháng 4/2017, khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải “hạ mình” đến tận thôn Hoành để đối thoại với bà con nông dân quyết tử giữ đất, Bộ Chính trị đảng mới nhận ra là một khi đảng và chính quyền không có được tiếng nói “nhất trí” trong việc đàn áp người dân Đồng Tâm, mà ngay cả có chủ trương dùng bạo lực đàn áp thì chẳng có gì chắc chắn là lực lượng vũ trang sẽ dám ra tay, còn Đồng Tâm sẽ không biến thành một Thái Bình thứ hai để trở thành một cuộc khởi nghĩa bùng nổ dữ dội toàn miền Bắc…, mới dẫn đến phát ngôn “không sợ đối thoại” của Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng…

Đảng muốn gì?

Cũng như giấc mơ cộng sản chủ nghĩa trầy trật quăng quật trong những người bảo thủ nhất của đảng, cuộc gặp giữa số người này với những trí thức chẳng còn mơ màng vào chủ nghĩa xã hội vẫn là một tiến trình vô cùng chậm chạp và xen kẽ không hiếm cơn mộng du.

Trong hiện tình khốn quẫn ở Việt Nam, đối thoại chỉ manh nha thành hình ở những nơi và vào những thời điểm cực chẳng đã đối với chính quyền, ở nhũng cấp địa phương có điểm nóng như Đồng Tâm mà đảng không thể không hạ mình, chứ không phải cấp trung ương. Đối thoại với nông dân, ngư dân, tiểu thương vì bị tước đoạt kế sinh nhai cuối cùng - những người bị coi là sắp “làm loạn”, chứ không phải với những trí thức được chính quyền đánh giá là “chưa nguy hiểm lắm.”

Nhưng vụ Đồng Tâm chỉ là một mồi lửa. Còn nhiều mồi lửa khác trong dân chúng. Trong giới trí thức…

Chỉ đến lúc này, sau khi đã họp mãi và nghĩ mãi nhưng không còn cách nào khác, đảng đành lê tấm thân tàn tạ đến “những người khác biệt về quan điểm”.

Nhưng lúc này mới là bắt đầu, chỉ mới bắt đầu thôi, cho cơ chế “đối thoại”.

Còn bắt đầu từ đâu và tiếp tới như thế nào? Những câu hỏi nát óc.

Bắt đầu từ đâu để giới đối lập không có lý cớ nào cho rằng “đảng ta” sợ đối thoại?

Nhằm những mục đích và kết quả gì cho “đối thoại”?

Thuyết phục, vận động và lôi kéo như mục tiêu truyền thống chăng? Nhưng mục tiêu này liệu có đạt được khi trí thức ngày càng tan vỡ niềm tin với đảng và nguy hiểm hơn cả là ngày càng bất trị và ít sợ hãi hơn, cho dù đảng vẫn dùng công an để răn đe bắt bớ thường xuyên?

Nhiều năm qua, rõ ràng phương pháp “đối thoại trong đồn công an” bằng đủ thứ sách nhiễu, theo dõi, canh nhà, triệu tập, đánh đập và dùi cui đe nẹt của giới “công an nhân dân làm công tác dân vận” đã quá ít tác dụng, phản cảm và còn bị công luận trong và nước cùng quốc tế lên án là phản động.

Hay đảng cần chuyển qua thái độ “lắng nghe” và “chia sẻ”?

Một kiểu cách như “đảng sẽ tiếp thu ý kiến trí thức” có vẻ sẽ tạm ổn trong hoàn cảnh nước sôi lửa cháy này, ít nhất cũng đạt được mục đích mị dân. Đối với dân Việt vẫn thường bị ma mị. Nhất là với những vị trí thức mà chỉ mới nghe một chút hơi hướng “đảng mở rộng dân chủ”, chưa biết thực hư thế nào đã vội rối rít, cuống quýt “xin được đối thoại”.

Nếu chỉ nhằm mục đích xoa dịu tạm thời, không có gì cao tay hơn là đảng cứ tổ chức vài cuộc đối thoại với những trí thức hoặc nhóm trí thức được đảng xếp vào danh sách “phản biện trung thành”. Mọi việc về cơ bản sẽ diễn ra với tính chất “ngoan hiền dễ bảo” như khi đảng nói chuyện hay chỉ đạo các hội đoàn nhà nước. Sẽ chỉ ghi nhận những ý kiến góp ý về điều chỉnh chính sách, còn ý kiến nào phản bác về thể chế chính trị như điều 4 Hiến pháp thì coi như “không nghe, không biết”…

Kết thúc những cuộc đối thoại trên, đảng sẽ cho báo chí nhà nước và đám dư luận viên “tuyên truyền sâu rộng” về chủ trương và kết quả thực hiện đối thoại của đảng. Trí thức sẽ sớm thỏa mãn, theo đúng đặc tính “dễ dao động” của họ. Và biết đâu đấy, những trí thức “phản biện trung thành” lại loan truyền bài học kinh nghiệm về “thành tâm của đảng” cho đám trí thức phản biện độc lập và cả cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Từ đó mới thấy đảng mở rộng vòng tay yêu thương đến thế nào, để kẻ nào còn dám nói là đảng sợ đối thoại?

Hay sâu kín hơn, lại có những nhân vật, thế lực nào đó trong đảng muốn vận dụng cơ chế đối thoại để lợi dụng một ít nhân vật bất đồng và tổ chức xã hội dân sự làm cầu nối với giới chính khách phương Tây và lấy lòng người Việt hải ngoại, tích cực thu xếp cho “hậu sự”…

Nhưng dù gì, những mục tiêu và cách thức trên mới chỉ là não trạng của đảng - một não trạng vốn rất chủ quan duy ý chí và thường sai lệch rất nhiều so với thực tiễn.

Giới bất đồng nên làm gì?

Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm đã trở thành một bài học rất có ý nghĩa dành cho giới trí thức phản biện và giới bất đồng chính kiến: chính quyền chỉ buộc phải ngồi vào bàn đối thoại, mà thực chất là đàm phán các điều kiện dân chủ và nhân quyền với dân chúng, khi các “công bộc của dân” đã hoàn toàn bế tắc về phương pháp luận lẫn phương pháp áp chế dân.

Bởi thế, những trí thức và người đấu tranh nhân quyền muốn có được kết quả đối thoại thật sự có ý nghĩa với đảng, cần chọn đúng thời điểm và bối cảnh bế tắc của đảng. Sớm quá sẽ bị giảm hoặc mất tác dụng. Thậm chí còn bị thói kiêu ngạo của đảng nhìn từ trên xuống và chỉ dừng ở đó.

Sau vụ Đồng Tâm mang tính cục bộ, hiện thời đảng mới chỉ nguy ngập chứ chưa bế tắc toàn diện. Đây là lúc mà giới bất đồng chính kiến không cần vội vã, sốt ruột, cuống quýt, càng không cần “cầu xin đối thoại”… Những cuộc gặp gỡ vào thời gian này, tuy vẫn nên xúc tiến, nhưng chỉ có ý nghĩa “hiểu nhau hơn” mà chưa thể giải quyết những nan giải căn cơ của đất nước và bản chất chế độ.

Đối thoại chỉ thực sự đạt được kết quả dân sinh - dân chủ - dân quyền khi đảng bị ép vào chân tường - một “vách đá tài chính” về ngân sách, suy thoái dẫn đến khủng hoảng kinh tế, phản kháng và hỗn loạn xã hội, nội bộ chính trị phân rã cùng trào lưu “tách đảng”, tất cả cùng cộng hưởng. Bối cảnh chính trị - xã hội càng tiệm cận điểm cộng hưởng này, đảng mà đặc biệt là những bộ phận “muốn thay đổi” hoặc muốn tìm lối thoát trong đảng sẽ càng cần đến đối thoại, càng biến diễn “thành tâm” hơn trong đối thoại, từ đó mới có thể từng bước mở ra dân chủ, nhân quyền và thay đổi bản chất chế độ.

Nếu đã chịu đựng được vài ba chục năm, chẳng lẽ giới bất đồng chính kiến và đấu tranh nhân quyền không thể kiên nhẫn thêm một vài năm nữa?