Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Làm thế nào để ông Trọng ‘chinh phục truyền thông quốc tế’?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Tất cả những gì mà ông Trọng đề cập về truyền thông chỉ là “báo chí cách mạng” cùng hơn 800 tờ báo lớn nhỏ trong hệ thống quốc doanh. Quá hiếm hoi để nhận ra một bài trả lời phỏng vấn, dù theo “khuôn đúc sẵn”, của Tổng bí thư Trọng trên một tờ báo quốc tế nào đó.

Làm thế nào để ông Trọng ‘chinh phục truyền thông quốc tế’?

Nguyễn Phú Trọng có phải là một nhà bảo thủ thuần túy mà không hề quan tâm đến “báo chí tư bản”?

Vụ tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tự quảng cáo bài viết của mình trên tờ Le Monde nhân chuyến công du Pháp vào tháng Ba năm 2018 là một dấu chỉ hài hước và phát lộ hiếm hoi, cho thấy ông Trọng đang đặc biệt quan tâm và tìm cách triển khai một chiến thuật mới về “chủ động thông tin đối ngoại” để không chỉ “nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế” mà cả “hình ảnh và uy tín cá nhân lãnh tụ”: chuyển dần quan điểm khai thác hiệu ứng truyền thông từ khối báo chí quốc doanh sang báo chí quốc tế nhằm “kiến tạo” dư luận xã hội.

Từ “không đọc mạng xã hội” đến tự tạo hình ảnh

Từ giữa năm 2017 trở về trước, có nhiều dư luận cho rằng thậm chí ông Trọng còn không đọc mạng xã hội - nhu cầu đang chiếm đến hơn 70% dân số Việt Nam. Mà đã không quan tâm đến mạng xã hội thì cũng gần như chẳng ngó ngàng đến “báo chí tư bản”.

Tất cả những gì mà ông Trọng đề cập về truyền thông chỉ là “báo chí cách mạng” cùng hơn 800 tờ báo lớn nhỏ trong hệ thống quốc doanh. Quá hiếm hoi để nhận ra một bài trả lời phỏng vấn, dù theo “khuôn đúc sẵn”, của Tổng bí thư Trọng trên một tờ báo quốc tế nào đó.

Nhưng sau khi vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” xảy ra ngay trong lòng thủ đô Berlin giữa châu Âu vào tháng Bảy năm 2017, có những dấu hiệu cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “phản ứng nhanh” đối với những tin tức lan tràn về câu chuyện mật vụ Việt Nam đã sang tận Đức để bắt cóc Thanh về nước. Đội ngũ tuyên giáo của ông Trọng cùng một số tờ báo đảng theo dõi rất sát các bài viết trên báo chí nước ngoài và mạng xã hội để kịp thời “phản bác những luận điệu sai trái”, bám sát quan điểm “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú”, bất chấp một thực tế tư pháp không thể hiểu nổi là người “tự nguyện đầu thú” này đã phải nhận đến hai án chung thân vào đầu năm 2018.

Cũng từ giữa năm 2017 đến nay, “chủ động thông tin đối ngoại” không còn là một nhiệm vụ chỉ được nêu ra cho có trong báo cáo của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam, mà còn được chính Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Rốt cuộc là vào tháng Ba năm 2018 và trùng với chuyến công du Pháp, ông Trọng thậm chí còn không ngại tung 4 hoặc 5 tỷ đồng tiền è cổ đóng thuế của dân Việt để tự quảng bá chuyến đi của mình nhân danh “45 năm quan hệ Việt - Pháp” trên một trang quảng cáo của Le Monde - một trong những tờ báo lớn nhất ở nước Pháp và thuộc loại uy tín trên thế giới.

Quyền lực không tự đến thì phải biết tự giành lấy quyền lực.

Hình ảnh không tự đến thì cũng phải biết tự tạo ra hình ảnh.

Dù chỉ là hình ảnh trên một trang quảng cáo mà còn lâu mới được xem là trang chính thống.

“Kinh nghiệm” Nguyễn Tấn Dũng

Vụ tự quảng cáo trên Le Monde của ông Trọng có thể khiến nhiều người nhớ lại vào những năm 2014 và 2015, trong khung cảnh “toàn đảng, toàn dân và toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 12”, thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã được một tờ báo ở Hàn Quốc ca ngợi không tiếc lời như một “thủ tướng ngôi sao” ở Việt Nam và cả trên bình diện châu Á.

Song nhiều người lại nhận ra đó chỉ là một tờ báo nhỏ chuyên viết về thương mại ở Hàn Quốc, và cũng như nhiều báo ở Việt Nam, có hẳn mục “tin tài trợ” để nhận “viết thuê”.

Cũng có nhiều tin cho biết chính nhóm cận thần của Thủ tướng Dũng đã tổ chức một đội ngũ “dư luận viên” để đánh bóng tên tuổi ông Dũng nhằm vượt qua đối thủ chính trị Nguyễn Phú Trọng - vào khoảng thời gian mà trong lúc ông Trọng có vẻ chẳng biết facebook là gì thì Thủ tướng Dũng đã tán thán trong một cuộc họp “không thể cấm được mạng xã hội đâu các đồng chí à!”.

Mà nhóm của ông Dũng lại được người đời xem là “tiền như núi” và hành sự theo quan niệm “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”.

Có lẽ không thể dồi dào tiền bạc như nhóm ông Dũng, nhưng nhóm ông Trọng cũng biết cách xuất ngân sách để tự quảng cáo trên Le Monde, thay vì bỏ tiền túi của mình.

Điều an ủi còn lại dành cho nhiều triệu người dân Việt đóng thuế là 4 - 5 tỷ đồng mà ông Trọng dùng để quảng cáo chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 25 triệu USD mà cũng ông Trọng đã lấy từ ngân sách để tặng quốc hội “nước bạn” Campuchia khi ông Trọng đến Phnômpênh vào giữa năm 2017. Cho dù chỉ sau đó ít lâu, món quà ấy trở nên vô nghĩa khi Bộ Nội vụ Campuchia bất thần tuyên bố sẽ trục xuất 70.000 người Việt tại Campuchia về Việt Nam.

Nếu giữa năm 2016 bắt đầu phát xuất dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ một cách nghiêm túc việc tổ chức một chiến dịch truyền thông trong nước nhằm “đánh” Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, để hành động tương tự được tái hiện ở mức độ cao hơn vào giữa năm 2017 đối với ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, đồng thời phục vụ đắc lực cho chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của ông Trọng, thì đến đầu năm 2018, ông Trọng có vẻ manh nha “tiến ra biển lớn” - một cụm từ mang màu sắc tuyên giáo - hướng đến giới truyền thông quốc tế.

Làm thế nào “chinh phục truyền thông quốc tế”?

Thật ra, mọi việc đều có logic của nó. Vào những năm 2016 và 2017, một biểu hiện khá bất thường là một số cơ quan báo đảng như Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản đã âm thầm cử đoàn sang Anh để “giao lưu” với đài BBC, bất chấp ít năm trước đó BBC vẫn bị hệ thống tuyên giáo và công an Việt Nam xem là “thế lực phản động”.

Điều được hệ thống tuyên giáo và báo đảng ca ngợi là “thành công ngoài mong đợi” của Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế APEC được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017, và được một số tờ báo và hãng tin lớn trên thế giới đưa tin - nhấn mạnh thành công “Việt Nam không có khủng bố”, có thể càng khiến giới chóp bu Việt Nam nói chung và Tổng bí thư Trọng nói riêng choáng ngợp và thèm muốn “tiếng hót” của báo chí quốc tế.

Nhiệm vụ “chủ động thông tin đối ngoại” cùng với chủ nghĩa duy ý chí “vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế” cũng đang khiến lấp ló kế hoạch của Nguyễn Phú Trọng chinh phục giới truyền thông quốc tế, bắt đầu từ những tờ báo nhỏ ở khu vực Đông Nam Á. Một vài cái tên của trí thức mang quan điểm “phản biện trung thành” đã xuất hiện với những bài viết trung dung trên một vài tờ báo như thế.

Còn với báo lớn hơn - chẳng hạn như Le Monde - trước mắt đành chấp nhận “tự quảng cáo có trả phí”.

Tuy nhiên, mục tiêu chinh phục truyền thông quốc tế lại muôn vàn khó khăn so với hệ thống báo quốc doanh đã bị “vòng kim cô”. Ai, quan chức nào sẽ thay mặt Nguyễn Phú Trọng để thực hiện một cuộc chinh phục báo chí nước ngoài, đặc biệt đối với những tờ báo không thể “mua” được?

Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương chăng?

Nhưng chỉ nội phát ngôn lấp lửng “sẽ tổ chức đối thoại với những cá nhân khác biệt quan điểm” từ tháng Năm năm 2017 nhưng bất chợt lặng tăm mất biệt từ đó đến nay, Võ Văn Thưởng hay những quan chức tương tự của đảng phỏng sẽ làm được gì để “thu phục nhân tâm giới truyền thông thế giới”?

Có lẽ đến lúc này, ông Trọng mới nhận ra đảng của ông đang thực sự rơi vào một cơn khủng hoảng nhân sự đối ngoại.