Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

VN sẽ ‘cùng hợp tác khai thác’ hay chiến tranh dầu khí với TQ?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Câu chuyện mang tên “Cá Rồng Đỏ” và thực tồn trần trụi về việc chóp bu Việt Nam mất ăn ngay trên “biển nhà” của mình còn lâu mới kết thúc tính cổ tích đến mất ngủ của nó.

“Đái ra quần”

Đến tháng Tư năm 2018, tình hình có vẻ tạm an ủi là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc chưa có dấu hiệu nào sẽ “giao lưu quốc phòng” với hải quân Việt Nam ở Đà Nẵng hay Cam Ranh, sau khi Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba và thủy thủ đoàn Mỹ còn đồng ca bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Một số nguồn tin cho biết trong vài năm qua, phía Trung Quốc đã liên tục gợi ý với Việt Nam để tàu sân bay Trung Quốc, cụ thể là hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, được chào đón ở Việt Nam. Cũng có tin cho biết Hà Nội đã cân nhắc cơ chế đón tiếp cả hai hàng không mẫu hạm của Trung Quốc và Hoa Kỳ theo truyền thống “Trung trước, Mỹ sau”. Tuy nhiên sau vụ hải quân Trung Quốc gây sức ép ở quần đảo Trường Sa và Bãi Tư Chính khiến Việt Nam phải muối mặt yêu cầu Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam - câm lặng rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”, Tổng bí thư Trọng cùng Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch và một số ủy viên bộ chính trị có vẻ đã thất vọng sâu sắc trước tham vọng “được đằng chân lân đằng đầu” của Bắc Kinh, mà từ đó đã dẫn tới quyết định cử tướng Lịch cấp tốc sang Mỹ vào tháng Bảy năm 2018 để cầu viện, cùng một chút chuyển đổi tư thế “dựa Mỹ đối Trung” của Việt Nam.

Nhưng tin tức khá xấu xảy đến vào cuối tháng Ba là sự hiện diện của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba đó đã chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc, trong lúc “bản lĩnh Việt Nam” - một lối tuyên giáo không còn giới hạn liêm sỉ nào - đã tiến đến thời kỳ mà bị Trung Quốc dọa nạt một chút về chính trị, kinh tế hoặc quân sự là đã “đái ra quần” - như một cách ví von rất lịch sử ngàn năm Bắc thuộc của dân gian đương đại.

9 tháng sau “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm. Một lần nữa, Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Và đương nhiên vẫn không phải hệ thống chính trị hay báo chí nhà nước Việt Nam, mà lại là từ giới truyền thông quốc tế - vào lần này là cây bút Bill Hayton của đài BBC - đã phát hiện ra vụ “giương cờ trắng” không còn đất mà chui xuống như thế.

“Bản lĩnh Việt Nam” tiếp tục thể hiện bằng cơ chế “tự xử”: nếu ở “nỗi nhục Bãi Tư Chính” lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD - kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba, con số bồi thường nghe nói lên đến 200 triệu USD.

Nhưng vẫn chưa hết, và còn lâu mới hết câu chuyện vừa hài hước vừa cay đắng này.

Tiếp theo màn “giương cờ trắng” lần 2 và thay cho sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, Vương Nghị đã xuất hiện.

Tối hậu thư từ Vương Nghị

Chuyến đi Hà Nội của Vương Nghị diễn ra vào cuối tháng Ba năm 2018, chỉ khoảng một tuần sau “nỗi nhục Bãi tư Chính lần 2”.

Chuyến công du Việt Nam gần nhất của Vương Nghị là vào tháng 11/2017, nhưng không phải để “hai bên không làm phức tạp thêm tình hình” như cách nói của hai kẻ đồng đảng không cùng miếng ăn, mà là để chuẩn bị cho chuyến công du của Tập Cận Bình đến Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng và sau đó có cuộc gặp “trà Trung Quốc ngon hơn trà việt Nam” với Nguyễn Phú Trọng.

Từ năm 2011 khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược cắt cáp của tàu Bình Minh II của Việt Nam cho đến nay, Vương Nghị là một khuôn mặt xuất hiện thường xuyên ở Hà Nội và thường ngay sau các vụ Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” của Bắc Kinh là rất rõ, trong đó vai trò đe dọa và đàm phán của Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn tỏ ra có tác dụng đối với tinh thần bạc nhược của giới chóp bu Việt Nam.

Vào lần này, Vương Nghị đã lần lượt có các cuộc gặp với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và sau đó là Trần Đại Quang - Chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư, với chủ đề chung “kêu gọi kiềm chế trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”.

Nhưng cũng như nhiều lần đối thoại song phương trước đây, giới quan chức Việt Nam vẫn chỉ “đọc bài”: “Chúng tôi đề xuất rằng đôi bên trong thời gian tới nghiêm túc triển khai nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, kiểm soát tốt tranh chấp, không có các hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, tôn trọng quyền và quyền lợi chính đáng của mỗi nước theo luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, Vương Nghị đã nói trắng ra: “Đôi bên không nên tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình và nên củng cố hợp tác hàng hải để xây dựng một môi trường lành mạnh nhằm đạt được một thỏa thuận chung cuộc về giải quyết tranh chấp trên biển”.

Kết hợp với những tin tức trong vòng một năm qua về “hợp tác hàng hải” giữa Việt Nam và Trung Quốc, bản chất của những va chạm giữa hai chế độ “anh em” này chỉ là dầu khí và quyền được khai thác dầu khí.

Vào năm 2017, khoảng gần 2 tháng sau khi nổ ra vụ Bãi Tư Chính lần đầu tiên, một viên tướng Trung Quốc là Phạm Trường Long - Phó chủ tịch Quân ủy trung ương - đã đến Hà Nội. Khi đó, tin tức từ giới truyền thông quốc tế tiết lộ là Phạm Trường Long đã đòi Việt Nam hủy bỏ hoạt động dò tìm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam -Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý). Những lô dầu khí này hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại bị vạch chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vắt chéo qua. Nhưng sau khi bị giới chóp bu Việt Nam phản đối, tướng Phạm Trường Long đã bỏ về thẳng mà không ở lại dự “giao lưu quân đội Việt - Trung”.

Không chỉ Cá Rồng Đỏ mà cả Cá Voi Xanh…

Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi là vài tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt. Nếu Repsol và ExxonMobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.

Riêng mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam mà dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam. Vào tháng Giêng năm 2017, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên Biển Đông với PetroVietnam.

Thế nhưng sau khi nhận được giấy phép khai thác, đã có một sự cố xảy ra: ngày 7/11/2017, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam khi Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên Biển Đông tới năm 2019.

Khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.

Nhưng đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, giả thiết đã biến thành thực tế được xác nghiệm một cách sống sượng: vẫn là “đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam” là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.

Chắc chắn là để đưa ra yêu sách trên, các chuyên gia phân tích tâm lý chính trị ở Bắc Kinh đã nắm rất rõ tinh thần “văn dốt võ nhát” và “chưa đánh đã chạy” của một số quan chức cao cấp Việt Nam.

“Cùng hợp tác khai thác” hay chiến tranh dầu khí?

Phép thử liên tục đối với tinh thần trên đã được Trung Quốc tung ra suốt từ năm 2011 đến nay - chiến thuật huy động số đông tàu cá được bảo vệ bởi tàu hải giám lao vào vùng hải phận Việt Nam; và chiến thuật vừa khiêu khích vừa tấn công, đâm chìm tàu Việt, hành hung và bắn giết ngư dân Việt.

Trong khi đó ở Việt Nam, những thước phim lịch sử “ngư dân bám biển, hải quân bám bờ” vẫn được nhăn nhở chiếu lại. Từ nhiều năm qua, đã không có bất cứ trường hợp ngư dân Việt nào bị tàu Trung Quốc bắn giết được Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố kết quả điều tra, bất chấp cơ quan bộ này hàng năm chi xài đến 5 tỷ USD tiền do dân phải è cổ đóng thuế.

Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.

Phương trình Biển Đông cứ mỗi tháng trôi qua lại sinh sôi thêm nhiều ẩn số. Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của “Hoàng đế Tập Cận Bình”.

Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.

Năm 2018 tiềm ẩn tính kích nổ. Lồng trong khung cảnh Tổng thống Trump đang khởi động cuộc chiến tranh thương mại với nước Nga, Trung Quốc và một phần Tây Âu, tương lai chiến tranh quân sự Việt - Trung về thực chất có thể đã được khởi sự từ cuộc “chiến tranh dầu khí” ở Bãi Tư Chính vào hai năm 2017 và 2018.