Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Đằng sau vụ bắt lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng

Nam Nguyên, RFA

Thanh toán quyền lợi nhóm?

Đầu năm 2013, Đại Tín một ngân hàng nhỏ có lịch sử 23 năm, tổng tài sản 28.000 tỷ đồng bị thâu tóm. Các chủ nhân mới nâng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam. Tuy vậy chỉ sau 15 tháng Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Ngân hàng mới tái cơ cấu đã bị bắt và điều tra về hành vi cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra, đây là một vụ án kinh tế đơn thuần dính líu tới sở hữu chéo hay là sự thanh toán quyền lợi nhóm mang màu sắc chính trị.

Các ông Phạm Công Danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Phan Thành Mai Tổng giám đốc Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam về nguyên tắc đã bị miễn nhiệm một ngày trước. Hôm sau ngày 29/7/2014, cùng với một người nữa họ bị bắt để điều tra những vụ việc ở Tập đoàn Thiên Thanh, nơi họ cũng đồng thời là Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị. Thiên Thanh với ban lãnh đạo này cũng chính là các cổ đông nắm cổ phần chi phối ở Ngân hàng Xây dựng.

TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập từ Sài Gòn nhận định rằng, đầu năm 2014 Tập đoàn Thiên Thanh đã tạo nên một cú sốc tương đối lớn với thị trường bất động sản, khi họ đưa ra một gói hỗ trợ rất lớn lên tới 50.000 tỷ đồng cùng với 4 ngân hàng bạn. Gói hỗ trợ này lúc đó được coi là lớn hơn cả gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng sau đó một số ngân hàng đã phản ứng cho là hoàn toàn không biết gì về mối liên kết với Tập đoàn Thiên Thanh như công bố. Vào thời điểm đó chưa xuất hiện cái tên Phan Thành Mai, ông này là Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam và cũng là người thường xuyên lên báo đài trả lời về bất động sản, nói chung là tương đối có uy tín. TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:

“Về vấn đề sở hữu chéo từ 2013 tới 2014 thì tôi đã nghe thông tin Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam là một trong những ngân hàng chồng chéo về sở hữu vốn nhiều nhất. Nhưng mà điều đó chưa có bằng chứng và chỉ khi mà 3 vị quan chức cao nhất của Ngân hàng Xây Dựng bị bắt thì lúc đó có lẽ nhiều người mới té ngửa là có một vấn đề gì đó không bình thường ở ngân hàng này, thành thử người ta mới bắt. Trong thực tế tôi còn nghe có lẽ vụ việc không chỉ dừng ở những vấn đề nội bộ của Ngân hàng Xây Dựng về cố ý làm trái, mà dường như nó có liên quan tới những cấp cao hơn. Dư luận cho rằng Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam là một ngân hàng được đặc cách và đỡ đầu bởi Ngân hàng Nhà nước. Thông tin này chưa được kiểm chứng nhưng mà khá nhiều dư luận cho là như vậy. Tôi có cảm giác rằng vụ việc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam không chỉ bó gọn ở việc cố ý làm trái trong nội bộ ngân hàng này mà còn có thể dẫn tới cấp cao hơn và lồng trong một kế hoạch hoặc một chiến dịch  nào đó có thể kể cả mang tính chính trị.”

Đại Tín mà sau này trở thành Ngân Hàng Xây Dựng Việt Nam từng ở trong diện tái cơ cấu trong cuộc khủng hoảng tín dụng tiền tệ ở Việt Nam. Tập đoàn Thiên Thanh tham gia tái cơ cấu và trở thành nhóm cổ đông kiểm soát Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam. Theo báo điện tử Sài Gòn Times, một tháng trước khi bị bắt, Tổng giám đốc Phan Thành Mai thừa nhận Ngân hàng Xây dựng Việt Nam thuộc nhóm 9 ngân hàng tái cơ cấu và có tỷ lệ nợ xấu cao. Do vậy từ năm 2012 ngân hàng Đại Tín mà sau này là Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam hoạt động dưới sự giám sát của tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Vào giai đoạn khủng hoảng tín dụng bất động sản, năm 2012 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói là sẽ không để cho ngân hàng nào phải sụp đổ. Đại Tín sau này đổi tên là Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam có thể nằm trong số những tổ chức tín dụng được cứu để tránh sụp đổ.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội nhận định:

Chúng ta thấy được hậu quả là có một ngân hàng yếu kém chồng lên ngân hàng yếu kém khác. Những việc làm trái pháp luật trái qui định của ngân hàng lại tiếp diễn, chẳng những thế nó lại làm lộ ra những cái đã làm trước kia chứ không phải chỉ là mới đây. Như thế phương pháp không cho ngân hàng yếu kém giải thể mà cố gắng hợp nhất nó lại thành một đơn vị khác, theo trường hợp này thì rõ ràng nó không có kết quả, rõ ràng là nó có vấn đề. Hiện nay ngân hàng này được sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước hàng ngày. Những việc này tại sao xảy ra như thế , theo thông tin ghi nhận thì nó đã xảy ra trước sáp nhập hợp nhất với nhau. Trước khi hợp nhất, Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra , kiểm tra cái gì mà tại sao bây giờ mới nổ lên. Tất cả những vấn đề này người ta có quyền đặt câu hỏi việc theo dõi hoạt động của những ngân hàng yếu kém đó như thế nào mà trước khi hợp nhất lại với nhau đã có những việc như thế mà vẫn không xử lý, để đến bây giờ bùng nổ lên thì không hay ho gì cả.

Một đại gia có tiếng

Theo báo điện tử Petro Times, có rất nhiều điều đáng nói về sức mạnh của Tập đoàn Thiên Thanh, ngoài việc là cổ đông lớn của Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam, Chủ tịch Phạm Công Danh được mô tả là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn Thiên Thanh sở hữu  hàng loạt dự án bất động sản lớn ở các tỉnh miền Trung và miền Nam như Long Hai Beach Resort ở Bà Rịa Vũng Tàu, khu phức hợp thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng; Khách sạn Thiên Thanh Tam Kỳ ở Quảng Nam; Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ khách sạn Thiên Thanh Quảng Ngãi; Dự án Trung tâm khách sạn dịch vụ  ô tô Thiên Thanh; khu cao ốc khách sạn-văn phòng Green Plaza Đà Nẵng và nhiều dự án khác ở TP.HCM.

Petro Times và một vài trang thông tin điện tử khác qua bài viết cho thấy Tập đoàn Thiên Thanh được hưởng những ưu đãi rất lớn từ Chính quyền Đà Nẵng ngay năm 2010. Thiên Thanh được Thành phố giao toàn bộ Sân Vận động Chi Lăng không thông qua qua đấu giá và với giá chỉ bằng 1/3 thời giá. Sân vận động này sẽ được đập bỏ để Thiên Thanh thực hiện một dự án lớn trị giá 1 tỷ USD mang tên Khu phức hợp thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng. Lúc đó công luận Đà Nẵng phản ứng dữ dội nhưng không lay chuyển quyết định của Chính quyền.

Nhắc lại, chuyện Tập đoàn Thiên Thanh được TP. Đà Nẵng ưu đãi đã xảy ra trong thời gian ông Nguyễn Bá Thanh còn làm Bí thư Thành ủy. Dư luận không quên câu chuyện Thanh tra Chính phủ bới móc các quyết định được cho là trái qui định của Đà Nẵng giữa cuộc tranh chấp quyền lực trong Đảng.

TS Phạm Chí Dũng phân tích:

Nếu mà nói về quyền lợi của các nhóm lợi ích thì có thể nói là, đa số các nhóm lợi ích đều có các dự án ở khắp nhiều nơi và không chỉ một Thiên Thanh mà rất nhiều nhóm lợi ích. Thành thử tập trung về Thiên Thanh đặt ra một dấu hỏi đây là nhóm lợi ích nào và từ nhóm lợi ích đó có thể dẫn tới nhóm chính sách nào. Từ những nhóm lợi ích kinh tế và nhóm chính sách này có thể dẫn tới những chính sách nào, vì vào cuối tháng 7/2014 ba quan chức của Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt thì lần đầu tiên có công bố những số liệu đặc biệt về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Agribank và có thể nói đây là một vấn đề rất lớn. Theo tôi, nếu không cẩn thận Agribank sẽ là tiền đề và những dấu hiệu đầu tiên dẫn tới sự sụp đổ của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Theo lời TS Phạm Chí Dũng, Agribank với tầm tín dụng hoạt động, cũng như huy động của ngân hàng này đối với hệ thống ngân hàng toàn quốc thì có thể dẫn tới hiệu ứng sụp đổ dây chuyền đối với những ngân hàng khác, kể cả những mối quan hệ được mặc định là sở hữu chéo. Ở thời điểm này vấn đề được cho là nhạy cảm nhất chính là hệ thống ngân hàng. Điều đáng ngạc nhiên là cả vụ việc Agribank lẫn vụ án Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam xảy ra cùng thời điểm. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an tiến hành với vụ án Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam và cơ quan kiểm toán Nhà nước thực hiện đối với Agribank.

Chẳng hiểu có phải là sự tình cờ, đúng vào thời điểm ngày 30/7 khi lệnh bắt giữ 3 quan chức Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam được công bố, thì ông Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cũng đã đến thăm cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Trong dịp này, Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã dẫn chứng với Chủ tịch Trương Tấn Sang là rất nhiều vụ án có dấu hiệu “nhóm lợi ích” mà gần đây nhất là vụ Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam và Tập đoàn Thiên Thanh.