Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Giấc mơ hiệu ứng đám đông dân chúng

PHẠM CHÍ DŨNG
Lời hứa

Trong một hành động hy hữu tính từ cuộc “nổi dậy” của nông dân Thái Bình vào năm 1997, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thỏa mãn gần như toàn bộ yêu sách của ngư dân huyện Tư Nghĩa thuộc địa phương này.

Một quan chức huyện Tư Nghĩa đã chính thức thông báo sẽ hỗ trợ 125 tàu cá của ngư dân xã Nghĩa An và Nghĩa Phú bị ảnh hưởng với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Riêng 583 ngư dân đi trên các tàu cá không ra khơi được vì luồng lạch bị bồi lấp, mỗi ngư dân được hỗ trợ 2 triệu đồng.

Đáng ngạc nhiên là giữ lời hứa của mình, chỉ sau 4 ngày từ thời điểm cuộc biểu tình của ngư dân nổ ra, chính quyền địa phương bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ cho các chủ tàu cá và ngư dân.

Chiếc tàu đánh cá đầu tiên trong tổng số trên 200 tàu ngư dân bị mắc kẹt cũng đã ra tới biển sau nhiều ngày bị ngáng đường do nạn bồi lấp cửa sông - hậu quả của việc nạo vét, tận thu cát nhiễm mặn của hai doanh nghiệp khai thác cát tại đây.

Có thể ghi nhận, đây là lần hiếm hoi một chính quyền địa phương ở Việt Nam không nuốt lời.

Từ chức

Một bài tường thuật của báo Thanh Niên cho biết “vụ Quảng Ngãi” bắt đầu từ chuyện hút cát để khai thông cửa biển và tận thu số cát nhiễm mặn tại sông Trà Khúc.

Theo giấy phép mà tỉnh Quảng Ngãi cấp cho hai doanh nghiệp khai thác cát tại cửa sông này, sẽ có khoảng 40 triệu mét khối cát được “tận thu” để xuất khẩu. Cửa sông Trà Khúc cũng sẽ được khơi thông, tạo điều kiện để tàu bè của ngư dân ra vào dễ dàng.

Thế nhưng, mới khai thác khoảng 3 triệu mét khối, mối an nguy của làng chài nơi cuối sông Trà bắt đầu xuất hiện. Hàng chục ao tôm của nông dân bị sóng đánh sập, cuốn luôn ra biển. Sóng cũng đã lan đến làng chài Nghĩa An, những cây dương giữ làng có tuổi đời 30-40 năm bắt đầu bật gốc. Hàng trăm tàu thuyền không những không được ra vào thông suốt như lời hứa của doanh nghiệp mà còn bị mắc kẹt do cửa sông Trà Khúc đã bị bít hẳn.

Dân đã phản ảnh với tỉnh về thực trạng nguy hại này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra thực tế và ra quyết định tạm đình chỉ việc khai thác cát từ giữa tháng 9/2013, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục sự cố.

Sự việc cứ tưởng như thế là đã ổn thì đùng một cái, nơi cửa biển cuối sông Trà lại xuất hiện những chiếc sà lan cùng con tàu vận tải đầy khả nghi. Một mất mười ngờ, dân Nghĩa An cho rằng các doanh nghiệp đã bội tín, tiếp tục hút cát. Họ tập hợp nhau kéo lên huyện Tư Nghĩa để phản đối, gây tắc nghẽn quốc lộ 1A trong nhiều giờ liền. Đích thân bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi là Võ Văn Thưởng đã phải cấp tốc đến hiện trường để giải thích, thuyết phục đám đông.

Cuộc đối thoại của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với hàng ngàn người dân Nghĩa An ngay sáng hôm sau ngày xảy ra sự cố đã dẫn tới những cam kết của chính quyền với dân. Theo đó, sau 4 ngày, cửa sông Trà sẽ được khơi thông; tiến hành đền bù thiệt hại cho ngư dân do tàu không ra khơi được; yêu cầu doanh nghiệp phải khẩn trương xây bờ kè để chống tái sạt lở; và điều cuối cùng, tỉnh sẽ chấm dứt “tận thu cát nhiễm mặn” nếu như việc nạo vét cửa sông tiếp tục đe dọa làng chài…

Thậm chí, chủ tịch tỉnh này còn cam kết “sẽ từ chức” nếu không thực hiện đúng lời hứa.Thanh Niên cũng là tờ báo thường dành thiện cảm đặc biệt cho ông Võ Văn Thưởng. Cả tờ báo này và ông Thưởng đều có liên quan rất thân thuộc đến hệ thống trung ương Đoàn - vốn được xem là “cánh tay mặt của Đảng”.

Một ngàn!

So với quá nhiều hứa hẹn của giới quan chức chính phủ, các bộ ngành được trình diễn trong các kỳ họp quốc hội, họp tổng kết ngành hay họp báo, hiển nhiên tỉnh ủy và chính quyền Quảng Ngãi đã tạo ra một nét dị biệt bằng vào chức trách “đày tớ” mới đây. Lời hứa của họ còn được người dân cho rằng có thể “nghiệm thu” được, lồng trong bối cảnh nhiễu nhương quan trường và mị dân quan chức quá phổ cập như hiện nay.

Câu hỏi còn lại là liệu sự thành tâm của nhà chức trách Quảng Ngãi đã đủ chín để dẫn tới kết quả được xem là khả quan cho bà con ngư dân? Hay còn nguyên do nào khác?Tất nhiên, không thể phủ nhận vài cố gắng của Bí thư Võ Văn Thưởng trong nhiệm vụ “an dân”, sau quá nhiều ví dụ xa dân của chính quyền tỉnh này.

Là một tỉnh thuộc diện nghèo của quốc gia, Quảng Ngãi cho đến nay vẫn chưa tự nhấc mình khỏi danh sách nguy hiểm về mặt bằng thu nhập và mặt bằng dân trí. Địa phương này cũng là nơi mà những nguồn tài nguyên còn sót lại vẫn tiếp tục bị khai thác ồ ạt đến mức cạn kiệt, là một trong những địa phương mà giới quan sát bình luận “ăn cả thịt của mình”.

Đời sống ngày càng khốn khó, hố phân cách thu nhập ngày càng làm cho người dân khó kế sinh nhai và phát sinh bất mãn. Bất mãn sinh ra phản ứng, phản ứng lại bột phát biểu tình. Vụ biểu tình của ngư dân huyện Tư Nghĩa khá giống với những cuộc biểu tình do quá bức bối trong các năm 2010, 2011, 2012 và 2013 của nông dân mất đất ở Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Dương Nội…

Tuy nhiên, dấu ấn nổi bật của đám đông Tư Nghĩa là số lượng người biểu tình. Nếu các cuộc tuần hành của nông dân mất đất thông thường chỉ tập hợp được vài ba trăm đến nửa ngàn người, thì con sóng làm tắc nghẽn quốc lộ 1A ở Quảng Ngãi vừa qua đã lên đến hàng ngàn.

Rõ ràng, cuộc biểu tình mang tính quy nạp đó còn vượt hơn nhiều so với điều thường bị xem là “tụ tập đông người” ở Việt Nam. Thậm chí người dân còn bắt giữ 3 công nhân.

Nhưng vì sao đã không xảy ra hành động trấn áp, cô lập hoặc đàn áp của lực lượng cảnh sát Quảng Ngãi - một hiện tượng rất thường thấy ở đất nước của vô số điều luật 258?

Có một mối liên hệ không thể bỏ qua giữa đám đông ở Quảng Ngãi với đám đông biểu tình đòi trả tự do của giáo dân tại Hà Nội vào đầu tháng 10/2013, bên phiên tòa xử án luật sư Lê Quốc Quân. Cuộc biểu tình rất quy củ, ôn hòa nhưng không thiếu quyết tâm của người công giáo đã làm cho chính quyền và công an Hà Nội bất lực. Thay cho hành động cô lập, cách ly và bắt bớ như đối với những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoặc với dân oan mất đất, cảnh sát Hà Nội đã im lặng giữ trật tự không kém thua không khí nghiêm túc của giáo đoàn.

Tuy nhiên, đến phiên tòa xử án Đinh Nhật Uy ở Long An vào cuối tháng 10/2013, tình thế đã khác hẳn. Chỉ vài chục biểu tình viên - một con số không đủ lớn để một lực lượng công an cùng dân phòng gấp vài chục lần có thể dễ dàng trấn áp. Và trấn áp đã thực sự xảy ra. Dù chỉ câu lưu những người bị bắt giữ trong ít tiếng đồng hồ, song hành động tay chân và dùi cui của giới thi hành công vụ lại trở nên nổi tiếng nhất.

Cú ra tay dễ dãi của chính quyền Long An cho phép người biểu tình rút ra một bài học thấm thía: bất cứ cuộc biểu dương nào dưới một trăm người cũng đều có thể bị giải tỏa một cách dễ dàng.

Những tiền lệ tiếp nối

Dù từ năm 1992 đến nay, hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa bao giờ được làm rõ nghĩa hơn bởi Luật biểu tình, và đến giờ cũng chưa một cơ quan nào thành tâm nhận ra cần cung cấp thứ quyền tối thiểu đó cho người dân, song suy thoái kinh tế cùng các nhóm lợi ích lộng hành bất chấp vẫn là chất xúc tác mạnh mẽ nhất tạo ra nhiều cuộc biểu tình không theo công thức.

Xã hội Việt Nam đang ở vào giai đoạn mà sức mạnh đám đông được khởi nguồn từ con số, dù chỉ là con số mang tính ô hợp. Khi số người biểu tình chạm mốc một ngàn người hoặc hơn, chính quyền buộc phải e ngại. Những phương án phòng chống biểu tình, bạo động được thiết kế và tập dượt kỹ lưỡng trước đó sẽ khó có tác dụng, cũng chẳng mấy ai đủ can đảm để đưa chế độ cưỡng bức vào thực thi.

Trước đám đông và đặc biệt là một đám đông có yêu sách chính đáng và có sức chịu đựng bền vững, ý chí trấn áp của chính quyền trở nên mệt mỏi hơn.

Hiệu ứng đám đông cũng đã bắt đầu lan tỏa, từ nông thôn miền Bắc vào miền Trung và bắt đầu có tác dụng đối với bà con ngư dân Quảng Ngãi.

Tiền lệ lại tạo ra tiền lệ. Không thể cho rằng những cuộc tuần hành và biểu tình của nông dân và giáo dân ở các vùng nông thôn miền Bắc, đặc biệt là cuộc biểu dương lực lượng của giáo dân Mỹ Yên ở Nghệ An vào tháng 9/2013, đã không có tác động gì đến nhận thức và phương pháp hành động của đám đông biểu tình ở Quảng Ngãi.

Trong tình thế quá khó xử như thế, điều dễ hiểu là chính quyền một số địa phương không muốn để xảy ra xung đột và đổ máu, đặc biệt trong bối cảnh xã hội đang tiềm ẩn nhiều ngòi nổ luôn có thể bùng phát, còn hoàn cảnh đối ngoại cũng không cho phép các chính quyền địa phương dùng luật rừng để qua mặt Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Nhưng trên tất cả các chính quyền địa phương, giới lãnh đạo trung ương không muốn dính dáng vào bất cứ trách nhiệm nào đối với các cuộc biểu tình đông người, nhất là khi chuyện biểu tình sẽ làm xấu hình ảnh của Nhà nước Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế, trong đó giấc mơ một cái ghế của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc vẫn chưa hoàn toàn tan biến.

Có lẽ đó là một trong những lý do chính để với tư cách là một nhân sự cấp cao của trung ương được “biệt phái về cơ sở”, Bí thư Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã lần đầu tiên thể hiện một hành động chỉ đạo có ý nghĩa rất tình cảm cho dân chúng và có thể cho cả chính ông.

Riêng với những nhân tố được xem là sáng giá như ông Thưởng, thời gian về cơ sở thường chỉ 2-3 năm. Chỉ vài năm nữa là đến đại hội 12 của Đảng. Vụ Quảng Ngãi chính là cơ hội sáng giá không kém để những người như ông thể hiện sự cống hiến cho nhân dân - nếu quả có cái tâm, hoặc tạo nên tiếng vang trong lòng cấp trên để tiếp tục chinh phục vị thế chính trị cao hơn. Hoặc cả hai…

Sự đan xen phức hợp về tâm lý trong não trạng từ chính thể trung ương xuống các cấp chính quyền địa phương như thế, vô hình trung, sẽ khiến cho tiền lệ về những đám đông biểu tình trở nên dày đặc hơn và còn có thể hiệu quả trong thời gian tới.

Nguồn: VOA