Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Bầu cử Quốc hội Việt Nam 22/5: Thay đổi hay là chết!

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Nếu đối chiếu với thời gian năm 2013 là lúc Quốc hội Việt Nam tổ chức “lấy ý kiến nhân dân” về Hiến pháp và sau đó ban hành bản văn “không quan trọng bằng cương lĩnh đảng” này, cho tới giờ cơ quan được xem là “tối cao về quyền dân” vẫn chưa thoát khỏi trạng thái mê ngủ đáng kinh ngạc.

Nhiều đại biểu đã thừa nhận rằng Quốc hội đã phó mặc quá nhiều vai trò soạn thảo luật pháp cho khối hành pháp, để khi dự thảo bên chính phủ chuyển qua thì gần 500 dân biểu chỉ còn biết “gật”.

Tương tự, hoạt động giám sát của Quốc hội là hoàn toàn không xứng đáng với khoản kinh phí khổng lồ mà 90 triệu cử tri phải bỏ ra để nuôi bộ máy có đến hơn 90% là đảng viên và số đại biểu kiêm nhiệm nhiều hơn hẳn chuyên trách này.

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa cũ đã kết thúc vào tháng 4/2016 với những gương mặt mới được dùng cho khóa XIV. Lần đầu tiên chủ tịch Quốc hội là nữ giới và đọc lời tuyên thệ. Nhưng thêm một lần nữa, rất nhiều người dân vẫn mang nặng  mối nghi ngờ: liệu Quốc hội có tránh khỏi bị mang tiếng là “phục vụ cho các nhóm quyền lực và nhóm lợi ích” hay không? Dù đã thay dàn nhân sự lãnh đạo mới, nhưng một cơ quan dân cử vẫn luôn bác bỏ quyền tự ứng cử độc lập của những người dân không phải là đảng viên liệu có đổi được về chất, hay vẫn giữ nguyên não trạng và tư thế bị coi là “bù nhìn”?

Hãy điểm lại những gì mà Quốc hội cũ đã bất lực hoặc buông xuôi, và trách nhiệm của quốc hội mới sẽ ra sao nếu vẫn tái diễn nạn buông thả.

‘Hội đồng Hiến pháp’ và ‘sở hữu đất đai toàn dân’

Năm 2013, Hội đồng Hiến pháp - một cơ chế mới đã được đưa vào Dự thảo hiến pháp 2013 để lấy ý kiến nhân dân. Nhưng khi Hiến pháp 2013 được thông qua thì không còn thấy có bất kỳ khái niệm nào về Hội đồng Hiến pháp nữa. Sự kiện này cho thấy Quốc hội không quan tâm tới Hội đồng Hiến pháp - một hội đồng gắn liền với quyền lợi của Quốc hội và cũng là quyền lợi của nhân dân. Điều đó cũng cho thấy Nhà nước, Chính quyền và  Quốc hội rất vô cảm trong mối quan hệ với nhân dân. Và trên hết là vô tâm.

Sự vô tâm cùng cực đó khiến vấn đề sở hữu đất đai đã không hề được thay đổi. Cho tới nay, Hiến pháp vẫn khẳng định đất đai là “sở hữu toàn dân”, mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đánh giá là sở hữu đất đai toàn dân hoàn toàn không còn phù hợp với cơ chế vận động thị trường hiện thời. Đặc biệt là những hậu quả ghê gớm gây ra bởi vô số các nhóm lợi ích bất động sản kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị trong suốt vài chục năm qua bởi “chế độ sở hữu toàn dân”.

Tính chất “toàn dân” đã giúp chế độ  có thể trưng thu đất đai một cách vô tội vạ với giá đền bù rẻ mạt, có khi thấp bằng 1/10 tới 1/20 giá thị trường, thậm chí chỉ bằng 1/100 giá thị trường, gây bất công xã hội ghê gớm và châm ngòi cho hàng chục ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ hằng năm trong dân chúng, tạo ra một tầng lớp dân oan thảm thương lên đến hàng triệu người trên mảnh đất Việt Nam ngày càng bị bóp vụn.

Trong rất nhiều dự án được gọi là “phát triển kinh tế xã hội”, chủ đầu tư đã cấu kết với chính quyền địa phương đền bù giá rẻ mạt đối với người dân, thu hồi đất một cách tùy tiện, sẵn sàng cưỡng chế và thậm chí gây chết người. Nhưng sau đó chỉ sử dụng khoảng 1/3 diện tích để thực hiện dự án như họ đã mô tả trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, còn lại 2/3 là phân lô bán nền kiếm lời.

Trong khi đó ngay cả ở Trung Quốc, đất nước đã sinh ra hàng trăm ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ của người dân mỗi năm, cũng đã phải thực hiện những cải cách nhất định. Từ đầu năm 2013, chính Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra một văn bản yêu cầu các chính quyền địa phương không được thu hồi đất bất hợp lý đối với người dân, đe dọa thi hành kỷ luật những quan chức ăn chênh lệch giá đền bù.

Ở Việt Nam, đã có rất nhiều ý kiến yêu cầu phải chuyển  sở hữu đất đai sang hình thức đa sở hữu: vừa sở hữu toàn dân, vừa sở hữu tập thể và phải có cả sở hữu tư nhân; không thể thu hồi đất vô tội vạ, không được thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội là loại dự án đã gây ra bất công lớn nhất và tình trạng dân oan kéo đi khiếu kiện nhiều nhất trong những năm vừa rồi.

Đi ngược lại dòng chảy lịch sử

Từ cuối năm 2011 cho đến nay, Quốc hội vẫn không triển khai điều 69 của Hiến pháp năm 1992 về Luật lập hội và Luật Biểu tình. Đó là hai đạo luật cực kỳ quan trọng liên quan tới quyền lợi người dân, phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết vào năm 1982. Đây chính là những điều cốt tử mà các nhóm trí thức cũng như người dân quan tâm và kiến nghị rất nhiều lần, nhưng đã hoàn toàn bị chìm xuồng trong tư thế “ngủ ngày” của Quốc hội.

Về mặt tổ chức nhà nước, Hiến pháp 2013 đã không đề cập chút nào tới một cơ chế đang thịnh hành tại các nước dân chủ phát triển, mang đến sự thịnh vượng cho dân chúng. Đó là cơ chế Nhà nước pháp quyền, kèm theo là cơ chế tam quyền phân lập.

Trong thực tế, tư tưởng Đảng trị vẫn bao trùm trên tất cả các lãnh vực ở Việt Nam,   trong đó có thể gọi Hiến pháp là “nạn nhân”. Đó cũng là hệ quả của não trạng bảo thủ đến mức cực đoan, cho thấy kinh tế quốc doanh vẫn là chủ đạo, bất chấp tình hình có ít nhất phân nửa các tập đoàn kinh tế nhà nước đang bê bết như hiện nay. Nền kinh tế suy thoái, nợ công và nợ xấu tràn ngập, đời sống người dân vô cùng khốn khó. Trong khi đó các tập đoàn lợi ích cũng như các nhóm thân hữu chính trị lũng đoạn vẫn mặc sức tung hoành.

Một khi tình thế đã đến mức nguy khốn như hiện nay nhưng Quốc hội không chịu thay đổi Hiến pháp, thì có nghĩa là Quốc hội và Hiến pháp ấy đã đi ngược lại dòng chảy của lịch sử, phủ nhận sự vận động của những điều kiện khách quan, đang làm chậm tiến trình phát triển kinh tế xã hội ít nhất vài ba chục năm.

Nếu Quốc hội khóa XIV không thay đổi bất kỳ nội dung quan trọng nào của Hiến pháp, sẽ tất yếu làm tăng tình trạng lobby chính sách, làm sai chính sách phổ biến. Các nhóm lợi ích, các nhóm thân hữu chính trị sẽ tiếp tục lợi dụng những chính sách sai lầm để trục lợi. Do đó càng gây ra phản ứng ngày càng mạnh mẽ, ngày càng quyết liệt của người dân, và có thể sinh ra hàng loạt cuộc biểu tình như xã hội đã và đang chứng kiến trên khắp các miền đất nước, đặc biệt ở các vùng nông thôn miền Bắc như Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… và ngay cả tại ngoại thành Hà Nội là Dương Nội.

Thay đổi hay là chết!

Nếu Quốc hội và Chính phủ Việt Nam không cải cách thì với quá nhiều khó khăn cùng tư thế đang sa cả hai chân vào một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc như hiện nay, chính thể Việt Nam sẽ hoàn toàn tự đóng cửa lối ra.

Nếu không cải cách Hiến pháp ngay vào đầu Quốc hội khóa XIV thì sẽ không còn bất kỳ một cơ hội nào nữa.

Vào đầu năm 2016, những tổ chức tài chính thế giới và là những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á đã chính thức ngừng các khoản cho vay ưu đãi. Bà Lagarde, tổng giám đốc của IMF, thậm chí còn yêu cầu chính phủ Việt Nam phải “cải cách lần hai”.

Hãy nói thẳng: Việt Nam sẽ không thể giải quyết tình trạng khốn quẫn về kinh tế và ngân sách bằng thái độ hoàn toàn không thành tâm về chính trị.

Cải cách quyền dân lại liên quan đến chế độ bầu cử trực tiếp đối với Thủ tướng và Chủ tịch nước - một nhu cầu chính đáng của người dân nhưng đã từ rất lâu người dân Việt không còn quyền bầu trực tiếp. Không những người dân không được trực tiếp bầu nhân sự cấp cao, số phận ngư dân và chủ quyền lãnh thổ còn bị Quốc hội hầu như bỏ mặc suốt nhiều năm qua. “Dấu ấn” tệ hại nhất của Quốc hội khóa cũ là vẫn không ra nổi một nghị quyết nào về Biển Đông từ giữa năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, cho đến giờ phút này.

Còn Quốc hội mới sẽ ra sao?

Phải thay đổi!

Thay đổi hay là chết!