Tiết trời se lạnh bất thường ở Việt Nam vào những ngày Giáng sinh 2013 như càng làm cho tảng băng nợ xấu đông cứng hơn bao giờ hết trong hệ thống ngân hàng.
Lại một Giáng sinh nữa, nhưng đây là năm thứ hai liên tiếp các ngân hàng không thể phục sinh.
Ngược lại, tai họa đang chờ đón những tác nhân đã góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp suy thoái kinh tế trong suốt 6 năm qua.
Nhanh nhảu hơn thời gian cuối năm 2012, vào lần này những con số lỗ lã đã phát lộ từ chính Ngân hàng nhà nước. Tuy vẫn có hơn 100 đơn vị tín dụng có lãi trong năm 2013, nhưng đến 50% đơn vị có mức lợi nhuận bị giảm một nửa so với năm 2012.
Không thể khác hơn, lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục một năm lao dốc. Có đến 17% tổ chức tín dụng lỗ trong năm 2013, chỉ tính theo báo cáo chính thức.
Một nữ nhân viên ngân hàng than thở là trong suốt năm qua, cô đã không thể một lần đặt chân vào spa. Chỉ với 7 triệu tiền lương hàng tháng, cô luôn phải cố gắng tằn tiện để làm sao “gìn giữ hạnh phúc gia đình”.
Giờ đây, “hạnh phúc” là một khái niệm xa xỉ đối với giới ngân hàng. Nếu vào thời điểm kết thúc năm 2011, những ngân hàng được mệnh danh là “cười trên nỗi đau khổ của người khác” liên tiếp công bố khoản lợi nhuận khủng với thái độ hân hoan không kém phần tự mãn, thì hai năm sau đó, tình thế đảo lộn hoàn toàn.
Vào tháng Chạp năm ngoái và năm nay, thông tin về một số ngân hàng thương mại cắt giảm nhân viên và thưởng Tết đã nhanh chóng trở nên một phong trào rộng khắp. Vào những ngày u ám sắp Tết, người ta đã chẳng khó khăn nhận ra bản chất của ngành ngân hàng trong hai năm qua: không còn “ăn trên ngồi trốc” trước cái chết lâm sàng của ít nhất một phần ba số doanh nghiệp sản xuất, các ngân hàng đã phải ăn vào vốn của mình và nặng nề hơn thế, có khi phải ăn luôn cả vào vốn dự trữ bắt buộc.
Tương lai băng hà của khối ngân hàng thương mại vẫn lừng lững ập đến. Ngoài những ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Eximbank, Vietinbank, nhiều ngân hàng còn lại đã không thể trụ nổi trước cơn cuồng phong của suy thoái kinh tế.
Agribank là một tiêu biểu cho trạng thái tâm thần phân liệt ấy. Cho dù là quán quân về thu hút lượng tiền gửi lớn nhất trong dân và doanh nghiệp, nhưng cũng nổi danh kỷ lục với số vụ quan chức bị đưa vào vòng lao lý do tham nhũng và những hành vi tiêu cực khác, ngân hàng này đã không làm sao tránh thoát nguy cơ tỷ lệ nợ xấu tăng cao, đặc biệt là nợ xấu bất động sản.
Thông tư 02
Vào tháng Chạp năm nay, một đám mây mù mới bất chợt hiện ra trên bầu trời kinh tế đầy u ám và tiềm ẩn sấm sét. Giới ngân hàng và các quan chức nhà nước trở nên xung khắc quyết liệt vì bản thông tư 02.
Bình thường, đây chỉ là một văn bản nghiệp vụ thông thường và chẳng có gì đáng sợ. Song vào thời gian này, mối đe dọa của nó lại là quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng được ban hành đầu năm 2013, với thời điểm áp dụng ban đầu là 1/6/2013. Ngay lập tức, đã xuất hiện “lo ngại” từ phía ngân hàng rằng nếu áp dụng thông tư trên thì sẽ có “đổ vỡ”.
Trước tình trạng “điều kiện sức khỏe của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chưa đủ để đỡ sức nặng tác động của những quy định mới”, Ngân hàng Nhà nước đã xin ý kiến Chính phủ và hoãn áp dụng trong 1 năm, đến 1/6/2014. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cùng lúc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp tục hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm một thời gian, thậm chí đến 2015 và 2016.
Gần như biến mất các khuôn mặt thân quen của giới chuyên gia ngân hàng trong cuộc tranh luận này. Gương mặt phản biện độc lập gần như duy nhất là chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu - người mà vào năm 2012 đã nêu ra dự báo sẽ phải mất tối thiểu 5 năm để xử lý vấn đề nợ xấu, thay vì “quyết tâm” của Ngân hàng nhà nước đến năm 2015.
Vào lần này, ông Hiếu xác nhận tác động của Thông tư 02 là “ghê gớm”. Ông dự tính, nợ xấu tại nhiều ngân hàng theo báo cáo chỉ khoảng 3-4%, nhưng áp Thông tư 02 có thể lên 10%, 20%, thậm chí cao hơn. Khi đó, ngân hàng phải dồn một nguồn dự phòng lớn, có thể thua lỗ và thiếu lực để xử lý nợ xấu, tăng chi phí và gây sức ép đối với lãi suất…
Dấu hiệu cạn kiệt tiền mặt ở nhiều ngân hàng hiện thời là rất rõ.
Giới phân tích cũng cho rằng điều đáng sợ nằm ở quy định trên, khi thực tế có rất nhiều doanh nghiệp cùng lúc có một số khoản vay tại nhiều ngân hàng khác nhau, song chỉ cần một khoản rơi vào diện nợ xấu ở ngân hàng này, tất cả các khoản vay còn lại tại những ngân hàng khác đều trở thành nợ xấu, theo phân loại quy định tại Thông tư 02.
Một số chuyên gia lo ngại, tính chất dây chuyền này có thể đẩy nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên gấp đôi, tín dụng sẽ càng đóng băng, lãi suất và nhiều vấn đề xoay quanh sẽ biến động rộng hơn, nền kinh tế sẽ càng khó phục hồi, nếu không nói là xấu đi.
Hẳn nhiên, tình hình sẽ trở nên xấu tệ nếu ít nhất người ta không thể minh bạch được tỷ lệ về nợ xấu. Cho đến nay, bất chấp hàng loạt vũ điệu công bố của Ngân hàng nhà nước về nợ xấu chỉ vào khoảng 5-6%, con số mà giới quan sát ủng hộ hơn nhiều vẫn cao gấp 6 lần: 35-37% là tỷ lệ nợ xấu mà Ủy ban giám sát tài chính quốc gia công khai vào giữa năm 2013.
Nợ tương lai
Nợ xấu bất động sản - chiếm ít nhất 70% tổng nợ xấu hiện thời - là nguồn cơn kinh hoàng nhấn chìm khối ngân hàng trong cơn đại hồng thủy mà chính ngân hàng là một tác nhân quan yếu gây ra. Cho đến tận giờ này, những con số về nợ xấu bất động sản vẫn nhảy múa không ngớt.
Dù đã bị ém nhẹm trong suốt một thời gian dài, nhưng kể từ tháng 5/2012, những thông tin đầu tiên về nỗi sợ hãi hoàn toàn không vô hình như thế cuối cùng đã phải lộ ra. Khởi đầu là Agribank, sau đó đến Vietinbank, để vào đầu quý 4/2012, các ngân hàng thi nhau tung ra hàng loạt con số nợ xấu như một hành động gây áp lực đối với Chính phủ.
Người đời nói không sai: vào bất cứ lúc nào ngân hàng phải kêu gào cầu cứu thì chính đó là thời điểm nền kinh tế thực sự nguy kịch. Không còn cầm giữ được những uẩn khúc trong bóng tối, các ngân hàng đã bắt buộc phải trưng sự thật ra ánh sáng, dù biết làm như thế họ sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ về uy tín và khả năng huy động tiền gửi, tình trạng tồn ứ vốn vay và triển khai những dự án, chương trình đặc quyền.
Trong tâm thế đặc quyền ấy, dĩ nhiên có cả động tác “tái cơ cấu nợ vay” mà các ngân hàng thương mại cổ phần đã được Ngân hàng nhà nước đặc cách “hướng dẫn” bởi văn bản 780 vào tháng 4/2012. Sau văn bản này, có khoảng 250.000 tỷ đồng đã được “sắp xếp lại”, với cái cách làm sao chưa thể trở thành nợ nguy cơ trực tiếp, giúp cho nhiều ngân hàng và doanh nghiệp con nợ tạm tránh thoát sự đe dọa cận kề.
Nhưng trong con mắt của giới phân tích về ngân hàng, hành động trên chỉ là cách “đẩy nợ cho tương lai”. Về bản chất, nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản vẫn không thay đổi, nếu không muốn nói là còn tăng lên theo thời gian do nhiều con nợ đến hạn phải trả nhưng lại không thanh toán được. Do vậy, phương châm “đẩy nợ cho tương lai” chỉ đắc dụng một khi các con nợ tìm cách tiêu thụ được hàng tồn kho và trả được nợ.
Nhưng như hiện trạng mà tất cả mọi người đều nhìn rõ, trong hai năm qua đã chẳng hề hiện ra bất kỳ tín hiệu nào lạc quan nào đối với thị trường nhà đất, hệ số tiêu thụ gần như bằng 0, đặc biệt bi đát đối với phân khúc căn hộ cao cấp.
Điều không thể đáng buồn hơn là mọi chuyện dường như vẫn không hề thay đổi. Nói cách khác, “thời điểm Minsky” - một khái niệm trong tài chính quốc tế liên quan đến đáo hạn nợ vay - đang đến rất gần, nhưng tình thế vẫn chưa có chút nào khả quan.
Cũng vào cuối năm 2013, đã lần đầu tiên phát lộ kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, với giá trị kỷ lục 320.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Không thể có bất kỳ một nguồn tiền mới nào để làm hồi sinh huyết quản ngân hàng và hồi phục nền kinh tế, Chính phủ chỉ còn cách dùng giấy để mua tiền.
Giai đoạn từ giữa đến cuối năm 2014 lại là thời gian mà các ngân hàng phải tiến hành đáo hạn vô số khoản vay đã được gia hạn đến 2 lần, từ những người đã từng có thời là đại gia bất động sản. Nhưng tỷ lệ sụt giảm lợi nhuận của các ngân hàng lại đang xác nhận cái được gọi là nguy cơ: sẽ có những ngân hàng đầu tiên phải ra đi vào cuối năm 2014 nếu không tự giải quyết được “món nợ xương máu” từ thị trường bất động sản. Hơn thế nữa, sự ra đi có tính dây chuyền của các ngân hàng lại có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế, vốn chỉ còn chân đứng rất mong manh.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN