Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Sài Gòn: Thử thách quá tầm dành cho Đinh La Thăng

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - ‘Quá giỏi về mặt tổ chức’?

Rõ ràng Đinh La Thăng là cái tên thường tạo dư luận và gây tranh cãi nhất trong số những vị trí được Bộ Chính trị bổ nhiệm sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, tính đến thời điểm này.

Một vị trí khác cũng khiến dư luận bất ngờ là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại Hội nghị Trung ương 10 vào đầu năm 2015, ông Phúc còn được cho là xếp khá thấp trong thứ hạng lấy tín nhiệm trong Bộ Chính trị. Cùng thời điểm đó, bắt đầu xuất hiện một số dư luận về chủ đề tài sản cộm cán và thiếu minh bạch của nhân vật này. Tuy nhiên từ khoảng giữa năm 2015, Nguyễn Xuân Phúc bất chợt nổi lên như một ứng cử viên sáng giá cho chức vụ thủ tướng. Tên ông được tôn vinh trong danh sách “tứ trụ” tương lai, để giấc mơ ấy biến thành hiện thực khi bài diễn văn bế mạc Đại hội XII chấm dứt.

Nhưng Đinh La Thăng có một điểm khác biệt cơ bản với Nguyễn Xuân Phúc. Từ khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngành giao thông vận tải cho đến nay, trên mặt công luận hầu như vắng tiếng xì xầm về tình hình tài sản của ông Thăng. Nói cách khác, có vẻ Đinh La Thăng là người khá “sạch” - một điểm son đáng kể và đáng nể, điều mà phần nào đó có thể so sánh với hai tiền bối Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang trong thời buổi tham nhũng tận mạt này.

Ngay sau Đại hội XII và ngay trước khi vào Sài Gòn nhậm chức bí thư thành ủy, tân ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã có một hành động ấn tượng khi bất ngờ cách chức tổng giám đốc một công ty đường sắt do chỉ mới đề xuất mua những toa tàu cũ của Trung Quốc.

Trước đây khi mới nhậm chức bộ trưởng giao thông vận tải, Đinh La Thăng đã từng “trảm” một quan chức của ngành hàng không Đà Nẵng do thi công chậm tiến độ. Tuy nhiên, lần cách chức đó không liên quan đến yếu tố Trung Quốc.

Tất nhiên những người không thích Đinh La Thăng hoặc dư luận theo thuyết “hoài nghi đảng” có quyền cho rằng động tác cách chức tổng giám đốc công ty đường sắt chỉ là mị dân, dọn đường cho bước tiến vào TP HCM.

Tuy vậy, cũng có dư luận tính toán rằng trong dàn bộ trưởng đương nhiệm, Đinh La Thăng thuộc vào số hiếm, cực hiếm dám “trảm tướng”. Cần nhớ lại, ngay cả Nguyễn Tấn Dũng dù đường đường là thủ tướng nhưng cũng từng thừa nhận “chưa từng cách chức ai” trong suốt vài nhiệm kỳ đương chức.

Bởi thế, không quá lạ khi xuất hiện phản ứng từ một số cán bộ và trí thức nhà nước cho rằng việc điều động Đinh La Thăng vào TP HCM thay cựu bí thư Lê Thanh Hải là một bước “đột phá”.

Cùng với Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, có lẽ Đinh La Thăng là người được giới báo chí nhà nước ca tụng nhiều hơn cả với những lời lẽ có cánh. Hiện tượng này là sự tái hiện hiện tượng Nguyễn Bá Thanh trong dĩ vãng.

Thậm chí còn xuất hiện một luồng dư luận so sánh Đinh La Thăng của ngành giao thông với Nguyễn Bá Thanh Đà Nẵng.

Một số trí thức và cán bộ đương chức cũng cho rằng quyết định của Bộ Chính trị  điều động ông Đinh La Thăng vào Sài Gòn là “quá giỏi về mặt tổ chức”. Một số trí thức khác tỏ ra hy vọng ông Thăng có thể trở thành một nhà kỹ trị để giúp thành phố giàu nhất nước “cất cánh”.

Chống cát cứ?

Tuy nhiên, một luồng dư luận khác - có vẻ khách quan và tỉnh táo hơn - nhận định rằng ông Thăng là một con cờ của Bộ Chính trị nhằm “trấn” ở Sài Gòn và qua đó khuôn giữ một phần lớn các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, không để xu hướng tản quyền xảy ra ngoài vòng kiểm soát của Hà Nội.

Càng về sau này, giới chính trị đầu não ở thủ đô càng có vẻ lo ngại về xu hướng cát cứ hóa ở Sài Gòn. Ngay vào đầu năm 2016 và trước Hội nghị Trung ương 14, tờ Công An Nhân Dân - tiếng nói của Bộ Công an - đã đề cập đến nguy cơ cát cứ địa phương. Thậm chí nguy cơ này còn được đặt ở hàng đầu, cao hơn cả nguy cơ tham nhũng và nguy cơ “diễn biến hòa bình”.

Lẽ dĩ nhiên chưa từng có tiền lệ tồn tại cùng lúc hai ủy viên Bộ Chính trị trong cùng một địa phương. Phó bí thư thường trực thành ủy Sài Gòn Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi nhất đã được cựu bí thư Lê Thanh Hải “khóc tiễn”  - đã phải phục tùng nguyên tắc tổ chức để ra Hà Nội làm Trưởng ban tuyên giáo trung ương, mặc dù trước đó nhiều tin tức cho biết ông Thưởng rất mong được ở Sài Gòn làm bí thư thành ủy.

Một khi ghế bí thư thành ủy TP HCM không còn thuộc về người Nam Bộ, mà điều này xảy ra lần đầu tiên từ năm 1975 đến nay, có thể hiểu Bộ Chính trị mới, hay nói cách khác là Bộ Chính trị của tổng bí thư ở thêm vài năm Nguyễn Phú Trọng, đã quyết định chơi một ván bài khá mới mẻ và có tính phiêu lưu về mặt tổ chức.

Nếu ông Đinh La Thăng cai trị được Sài Gòn như ông đã từng quản trị ở Bộ Giao thông Vận tải, kết quả này sẽ làm cho các ông Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh yên tâm hơn. Và  nếu ông Thăng quản trị được Sài Gòn một cách tương đối hiệu quả không chỉ về tổ chức mà còn khiến thành phố này phục hồi đôi chút về kinh tế, đó sẽ là kết quả tốt đẹp để chứng minh rằng việc Bộ Chính trị cho ông Thăng “Nam chinh” là “hợp ý trời”.

Nhưng nếu ông Thăng “không hoàn thành nhiệm vụ” ở Sài Gòn, thậm chí tệ hơn kết quả mà ông từng điều hành Bộ Giao thông Vận tải, hệ quả xảy ra là sự phản ứng đương nhiên của nhiều quan chức Nam bộ hoặc là quan chức gốc Bắc nhưng đã Nam bộ hóa. Khi đó sẽ xuất hiện dư luận sôi nổi về việc Bộ Chính trị đã bổ nhiệm sai người, và đòi hỏi để ông Võ Văn Thưởng trở lại Sài Gòn làm bí thư thành ủy.

Có một cơ sở cho triển vọng hồi hương của ông Thưởng. “Câu chuyện bò sữa” mà tân bí thư Đinh La Thăng vừa xới lên ở huyện Củ Chi sau Tết nguyên đán 2016, cùng nội dung đối đáp giữa ông và bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, đã không mang lại tiếng vang mong đợi theo kiểu “phải làm đường ngay lập tức cho Mẹ Việt Nam anh hùng”. Cung cách làm việc và chỉ đạo của Đinh La Thăng đã khiến vài cán bộ lão thành nghi ngờ: họ đã nhìn thấy cách thức này ở đâu trong những cán bộ trước đây - vụn vặt, hình thức, xốc nổi và thiếu tầm?

Chống tham nhũng?

Nhưng thử thách ngay trước mắt mà ông Đinh La Thăng phải đối mặt là “cánh hẩu” của cựu Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải. Được gầy dựng từ 15 năm qua, kể từ ngày ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch ủy ban nhân dân TP HCM, đội ngũ chân rết của ông Hải đã mọc rễ khắp các quận huyện và sở ngành, đặc biệt những sở ngành chính về nhân sự và kinh tế như Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các quận 5, 2 và 7. Chưa kể Lực lượng thanh niên xung phong vốn là cái nôi xuất xứ của ông Hải…

Nồi cơm của các nhóm lợi ích ở Sài Gòn không dễ bị đụng chạm. Là một thành phố giàu nhất nước và cũng có số nhóm lợi ích, đại gia nhiều nhất nước, Sài Gòn cũng là một ổ tham nhũng ghê gớm từ nhiều năm qua. Bởi thế, chiến dịch chống tham nhũng để lấy lại lòng dân của ông Nguyễn Phú Trọng, nếu có, sẽ phải giải quyết một trong những trọng điểm là thành phố này.

Ông Thăng không thể thoái thác trách nhiệm lớn lao đó. Dù muốn hay không, ông Thăng cũng phải làm một ít động tác chống tham nhũng để lấy lòng ông Trọng.

Song sự đời không phải cứ hô hào chống tham nhũng là có thể chống được, mà lại cần những cánh tay thừa hành diệt tham nhũng. Nếu chỉ là một ủy viên Bộ Chính trị thân cô dù thế không cô, Đinh La Thăng rất có thể chẳng làm nên sự tích gì. Năm ngoái và trước đại hội đảng bộ TP HCM, một phó văn phóng chính phủ là Nguyễn Khắc Định đã được Bộ Chính trị điều động vào TP HCM làm phó bí thư thành ủy. Nhưng chỉ mới hơn 2 tháng, ông Định đã phải âm thầm rút khỏi vị trí này, nhường chỗ cho Võ Văn Thưởng. Nghe đâu, “anh Hai” (tên gọi dân gian của bí thư thành ủy lúc đó là Lê Thanh Hải) đã “phủ quyết” Nguyễn Khắc Định.

‘Vì dân và hành động’?

Không còn cách nào khác, trước khi tìm cách giương cao ngọn cờ kỹ trị, Đinh La Thăng bắt buộc phải học cách để làm một nhà tổ chức, dù nhiệm vụ này có thể phức tạp và gay go hơn nhiều chuyên ngành kỹ thuật - kinh tế của ông ở Bộ Giao thông Vận tải.

Cũng rất khác với Bộ Giao thông Vận tải, Sài Gòn là một thành phố hội tụ rất nhiều luồng tư tưởng chính trị khác biệt, trong đó phong trào dân chủ và lực lượng bất đồng chính kiến được coi là chỉ thua Hà Nội. Trong bề dày được coi là “thành tích” của mình, Công an TP HCM lại quá mang tai tiếng về đàn áp nhân quyền.

Điều có thể xem là một kỷ niệm khó quên là chỉ ít ngày sau khi nhậm chức bí thư thành ủy TP HCM, ông Đinh La Thăng đã bị người dân và trí thức réo tên phản đối. Ngay vào ngày tưởng niệm thiêng liêng cuộc chiến tranh vệ quốc chống Trung Quốc xâm lược 17/2/2016, trong khi Công an Hà Nội có thái độ khá ôn hòa với Xã hội dân sự, công an ở Sài Gòn lại quen thói tái diễn màn ngăn chặn, đánh đập những người tưởng niệm và còn xé nát cả vòng hoa thiêng liêng dành cho các liệt sĩ.

Nhân quyền, vào thời Nhà nước Việt Nam đã nằm trong khuôn phép Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc được hơn 2 năm, còn bí thư thành ủy và chủ tịch hành chính Hà Nội vừa thi nhau “người cầy kẻ cấy” ngay sau Tết nguyên đán 2016 - đương nhiên là một bài toán đu dây cho những ủy viên Bộ Chính trị đang cố giương cao băng rôn “Vì dân và hành động” như ông Đinh La Thăng.

Nhưng vì dân không phải chỉ là xuống ruộng. Những người so sánh Đinh La Thăng với Nguyễn Bá Thanh đã phiến diện ít nhất trên phương diện Đà Nẵng đã từng được xem là thành phố “ba không” - không đĩ điếm, không trộm cướp, không ăn xin, còn được coi là “nơi đáng sống nhất Việt Nam”. Hầu như ngược lại, TP HCM là tụ điểm của tất cả những gì không nên và không được có, trở thành một trong những thành phố chán sống nhất quốc gia.

Đinh La Thăng cần lên bờ. Lên bờ để có thể làm được như Nguyễn Bá Thanh: nếu sau 3 tháng mà (tỷ lệ) tội phạm ở Sài Gòn không giảm, Trung tướng giám đốc công an TP HCM sẽ “tự xử” ra sao?

“Tự xử” lại chưa từng có tiền lệ ở Sài Gòn. Làm thế nào để Đinh La Thăng khiến một nền đạo lý quan chức quá suy đồi dưới 15 năm triều đại Lê Thanh Hải được bằng vai phải lứa dù chỉ đến gót chân của Đà Nẵng thời Nguyễn Bá Thanh?

Và làm thế nào để Đinh La Thăng không tái hiện ở Sài Gòn cái dĩ vãng mà ông từng thăng hoa ở Bộ Giao thông Vận tải: dù mang công tích “trảm tướng”, ông vẫn là một trong những tác giả nhiệt thành của kế hoạch bán đường, bán cảng, bán sân bay, tăng phí giao thông và tai tiếng nhất là trút nợ công lên đầu người dân Việt Nam bằng các dự án vay vốn ODA ít nhất 70 tỷ USD cho Sân bay Long Thành và Đường sắt cao tốc Bắc - Nam?