Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

'Kiểm tra tài sản cán bộ': TBT Trọng sẽ ‘đả hổ’ hay chỉ ‘diệt ruồi’?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Nhiều dấu hiệu cho thấy người lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng đang buộc phải tung ra con bài cuối cùng trong một chiến dịch chống tham nhũng chưa biết sẽ đi về đâu - Ủy ban Kiểm tra Trung ương - thay cho Ban Nội chính Trung ương của cố trưởng ban Nguyễn Bá Thanh như một dự tính thất bại trước đây.

Con bài thứ hai - nhân tố Trần Quốc Vượng

Tháng Bảy năm 2016, sáu tháng sau khi kết thúc Đại hội XII với kết quả “Trọng ở, Dũng về” không thể có hậu hơn cho tổng bí thư “kéo” thêm một nhiệm kỳ, Hội nghị Trung ương 3 của đảng cầm quyền tại Việt Nam đã kết thúc với một kết luận rất đáng chú ý: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có quyền kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là điểm mới trong Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII”.

Có thể ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Bộ Chính trị giao cho quyền hạn “kiểm tra tài sản cán bộ” - một thẩm quyền mà ngay cả Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Trọng hiện là trưởng ban cũng chưa hẳn với tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện nay là ông Trần Quốc Vượng - người trước đây là Chánh văn phòng Trung ương đảng. Tuy chỉ giữ vai trò “điếu đóm” cho Tổng Bí thư Trọng vào thời gian đó, nhưng tại Hội nghị Trung ương 14 trước Đại hội XII, ông Trần Quốc Vượng bất ngờ được Tổng Bí thư Trọng “bổ nhiệm” vào Bộ Chính trị và dự kiến chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sau sự ra đi của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã làm mất đi cánh tay mặt đắc lực của Tổng Bí thư Trọng trong cuộc chiến quyền lực với thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng, con bài thứ hai mà ông Trọng đang muốn nện xuống mặt chiếu là Trần Quốc Vượng.

Giấc mơ ‘dưới một người, trên tỷ người’

Ngay trước mắt, cựu chánh văn phòng trung ương đã không phụ lòng tổng bí thư đảng.

Chỉ ít ngày sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 3 tháng 7/2016 mà trong đó được giao thẩm quyền “kiểm tra tài sản cán bộ”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tung ra một bản kết luận có nét khởi sắc hơn khá nhiều so với thói quen lặng tăm của cơ quan này vào những năm trước.

Đầu tiên là kết luận về việc thực hiện chỉ đạo “việc cần làm ngay” của ông Nguyễn Phú Trọng đối với vụ việc xe hơi Lexus 5,7 tỷ đồng cùng nhiều sai phạm của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh - vụ việc được kiểm tra rất nhanh chỉ trong một tháng kể từ sau chỉ đạo của Tổng Bí thư Trọng. Sau đó là kết luận về sai phạm của nguyên Bí thư thành ủy Hải Phòng Dương Anh Điền.

Nếu vào những năm trước, Hải Phòng được dư luận hiểu là “đất” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì nhiều khả năng thẩm quyền “kiểm tra tài sản cán bộ” của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là một bước đi đón đầu để “đánh lên” những cán bộ đã về hưu nhưng chưa “thoát” và còn thuộc Bộ Chính trị quản lý, như nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng - một nhân tố bị một số dư luận cho là “có yếu tố Trung Quốc”, kể cả khả năng nhắm đến những cán bộ cao cấp còn tại chức.

Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Tổng Bí thư Trọng cho “phát huy sức mạnh tổng lực”, đây là sẽ là hình ảnh lặp lại của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc được coi là cơ quan quyền lực ghê gớm kể từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình từ năm 2012. Người phụ trách Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc là Vương Kỳ Sơn - được xem là “dưới một người nhưng trên tỷ người”.

Từ năm 2012 đến nay, Vương Kỳ Sơn đã tổ chức rất nhiều cuộc kiểm tra nhắm vào tài sản của của giới quan chức cao cấp như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ tài Hậu… mà kết quả đã làm cho đảng thu được một khối tài sản hàng chục tỷ USD từ tham nhũng.

Cũng cho tới nay, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc đã phát huy tác dụng tốt đến nỗi đã khiến trên 70 quan chức trung cao phải tự tử bằng nhiều hình thức.

Nhưng trong cùng thời gian Tập Cận Bình phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” ở Trung Quốc, đã không có một quan chức Việt Nam nào phải bế tắc đến mức quyên sinh, ngoài hàng trăm cảnh “tự chết” của người dân trong đồn công an. Thậm chí vào năm 2015, tổng thanh tra chính phủ khi đó là ông Huỳnh Phong Tranh còn bật ra một đúc kết để đời “Tham nhũng vẫn ổn định”.

‘Chống tham nhũng’ nhằm những mục tiêu gì?

Có một khả năng là với tuyên bố không chính thức về “việc cần làm ngay”, Tổng Bí thư Trọng muốn thể hiện một dấu ấn ở đoạn cuối sự nghiệp chính trị của ông - tương tự trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với chủ trương “Đổi mới” cùng “Những việc cần làm ngay” cách đây chẵn ba chục năm - 1986.

Một luồng dư luận cũng cho rằng một chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng cùng ê kíp của ông trong Bộ Chính trị đảng không ngoài mục đích muốn “thu hồi tài sản tham nhũng” để “bù đắp khó khăn ngân sách”.

Quả thật, ngân sách Việt Nam chưa bao giờ lộn ngược như hiện thời, bất chấp Đại hội XII được mô tả với những tính từ ca ngợi bất hủ. Nợ công, nợ xấu, trả nợ nước ngoài… đang là những câu chuyện rùng rợn mà thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc phải tiếp nhận cho cái bị xem là “đống xà bần” mà thủ tướng cũ không biết sẽ hạ cánh an toàn hay không là Nguyễn Tấn Dũng “thải” ra.

Thậm chí trong thời gian gần đây, còn có vài đồn đoán cho rằng đảng cầm quyền đã phải sử dụng đến “quỹ đen” - một hình thức quỹ dự phòng chẳng bao giờ công bố. Nếu đồn đoán này có cơ sở, tức phía chính phủ đã không thể cung ứng đủ tiền mặt cho đảng để chi tiêu.

Nhưng ít nhất cũng có một chỉ dấu rõ rệt về nạn cạn kiệt tiền mặt trong ngân sách. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2016 của Chính phủ đã thừa nhận phải dùng đến 40% tổng chi ngân sách để trả nợ nước ngoài (trước đây chỉ khoảng 20-25%), trong lúc khoản chi thường xuyên cho công chức - viên chức hành chính và lực lượng vũ trang đã sụt rất mạnh từ 65-70% tổng chi ngân sách vào những năm trước xuống còn hơn 40% hiện nay.

Nếu có thể thu hồi một phần tài sản tham nhũng, đảng sẽ lấy lại ít ra vài tỷ đô la chứ không đến nỗi phải đôn đáo phát hàng “trái phiếu đặc biệt” mà chẳng đối tác quốc tế nào muốn mua.

Vẫn chưa phải hết, dư luận còn không quên đề cập đến một mục tiêu có thể là tối quan trọng của phía đảng: những gì còn lại của cựu Thủ tướng Dũng sẽ phải chấm hết.

Nếu trong thời hoàng kim của mình, ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là đã bố trí người trên một phạm vi kinh hoàng của lãnh thổ, thì nhiệm vụ của ông Nguyễn Phú Trọng không gì khác hơn là co lại đến mức có thể cái khoảng phân hóa quyền lực quá dễ làm tan đảng ấy.

“Chống tham nhũng” cũng có thể nhằm xóa tan khoảng mờ trách nhiệm chính phủ của vụ nhiễm mặn nơi đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho hàng triệu nông dân điêu đứng, hay cánh đồng tối Formosa - địa chỉ mà Tổng Bí thư Trọng đã “thăm và làm việc” ngay sau vụ cá chết trắng 4 tỉnh miền Trung, một vụ đến nay vẫn để lại quá nhiều nghi ngờ.

Song muốn là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác.

Sẽ rón rén ‘diệt ruồi’?

Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng ở Việt Nam là người thế nào? Liệu ông Vượng có thể trở thành một Vương Kỳ Sơn giúp cho Tập Cận Bình “đả hổ” và tập quyền đến mức chưa từng thấy hay không?

Thành tích của ông Trần Quốc Vượng cho tới nay chưa có gì nổi bật, khác hẳn với quá khứ sắc nét hơn nhiều của Vương Kỳ Sơn trước khi ông này được đưa vào vị trí “dưới một người”. Nếu cái tên Vương Kỳ Sơn đã gắn liền với những “con hổ” Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và sắp tới có thể cả Giang Trạch Dân, lại thật khó để dự đoán rằng Trần Quốc Vượng sẽ trở thành cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng để tung ra một chiến dịch “đả hổ” đúng nghĩa.

Dư luận cho rằng ngay trước mắt, có lẽ hai ông Trọng và Vượng chỉ rón rén tìm cách “diệt ruồi”.

Và may lắm thì cũng chỉ diệt được một ít “ruồi” ngớ ngẩn nào đó - loại như Trịnh Xuân Thanh.

Còn những “con hổ” theo đúng nghĩa đen, nhiều khả năng sẽ không nằm im chờ bị siết cổ. Cuộc xung đột quyền lực mới ở Việt Nam cũng bởi thế có thể được “nâng lên một tầm cao mới”, nhưng chủ yếu vẫn diễn ra ở cấp “hạ tầng cơ sở”.