Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Việt Nam sắp ‘thừa nhận xã hội dân sự’?

VOA - PHẠM CHÍ DŨNG

Tín hiệu mới

Vào tháng 8/2016, một lần nữa trong năm tôi nhận được tín hiệu về khả năng chính quyền Việt Nam có thể chấp nhận sự tồn tại của xã hội dân sự trong tương lai gần. Một quan chức đương chức cao cấp của đảng Cộng sản cho tôi biết: theo quan điểm của ông, cần thừa nhận và tăng cường vai trò của xã hội dân sự.

Thái độ có vẻ khá cởi mở về quan điểm nhân quyền chính trị như thế là khác biệt lớn so với đúng 4 năm trước, vào tháng 8 năm 2012, khi báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam - còn đăng một bài viết hằn học mang tựa đề “‘Xã hội dân sự’ - một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình”.

Thậm chí đến năm 2013, tôi còn nghe kể lại là trong một cuộc họp của Ủy ban nhân dân TP HCM, một phó chủ tịch ủy ban đã giận dữ đập bàn dằn mặt cấp dưới là các lãnh đạo quận huyện và sở ngành: “Ông nào mà còn dám nói tới từ ‘xã hội dân sự’ là tôi kỷ luật liền!”.

Âm thầm chấp nhận

Bất chấp tiêu chí của thế giới về xã hội dân sự chẳng liên quan gì đến chuyện tham gia vào các hoạt động lật đổ chế độ chính trị, trong suốt nhiều năm qua giới quan chức “còn đảng còn mình” ở Việt Nam luôn nhìn xã hội dân sự như kẻ lăm le chiếm ghế của mình. Nhiều “bài học kinh nghiệm” từ Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan cho tới Cách mạng màu ở Đông Âu và Cách mạng Hoa nhài ở Bắc Phi được tâm lý vừa lo sợ vừa chống phương Tây thổi phồng thành nguy cơ ở mức hiểm họa rất cao đối với sự tồn vong của đảng và dân tộc. Nhiều nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam đã bị chính quyền bắt bỏ tù vì cái lẽ chỉ có đảng mới bịt tai nhắm mắt ấy.

Song cái gì cũng có giới hạn của nó. Tất cả những gì quá quắt và vượt xa quá quắt mà đảng cầm quyền đã tạo ra để đối xử với dân tộc đáng thương này đã khiến xã hội tự phát sinh ra xã hội dân sự - một cơ chế tự quyết định lấy quyền dân bất chấp ý chỉ “đã có đảng và nhà nước lo”.

Chỉ trong thời gian khoảng một năm từ giữa 2013 đến giữa 2014, xã hội Việt Nam đã hình thành trong lòng nó hơn hai chục tổ chức xã hội dân sự - tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do văn học, tự do tôn giáo, tự do biểu tình, nhân quyền dân oan đất đai, nhân quyền tù chính trị…

Chuyến đi Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cuộc gặp gỡ giữa ông với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 7/2013 là một mốc quan trọng cho xã hội dân sự ở Việt Nam: với quyết tâm “không gì lay chuyển nổi” phải vào được Hiệp định TPP để cứu vãn nền kinh tế chỉ chực chờ lao xuống vực thẳm, Hà Nội lần đầu tiên phải chấp nhận sự ra đời của hàng loạt tổ chức xã hội dân sự mà không dám bắt bớ và thẳng tay vi phạm nhân quyền như từ năm 2012 về trước.

Tuy nhiên, điều kiện đánh đổi của giới lãnh đạo Việt Nam khi đó mới chỉ là thả một số tù nhân chính trị. Nửa cuối năm 2013 và 10 tháng đầu năm 2014 đã phóng thích số tù nhân lương tâm nhiều chưa từng có kể từ năm 1975 - khoảng 13-14 người - được thả theo từng đợt.

Cũng vào thời gian trên, trên mặt báo đảng thưa dần lối gán ghép giữa xã hội dân sự với “thế lực thù địch”. Thậm chí thi thoảng một tờ báo nhà nước còn bạo phổi đăng nguyên văn từ “xã hội dân sự”, tuy sau đó bị cơ quan tuyên giáo tuýt còi và xóa mất từ ngữ hay ho này. Thái độ của giới quan chức nói chung đối với các tổ chức xã hội dân sự bắt đầu có sự thay đổi: vẻ thù địch và coi thường trước đó chuyển sang “nghiên cứu về xã hội công dân”.

Chẵn hai năm sau cuộc gặp Obama - Sang, một cuộc gặp khác diễn ra giữa người không phải nguyên thủ quốc gia mà là tổng bí thư Việt Nam - ông Nguyễn Phú Trọng - với cùng tổng thống Hoa Kỳ đã mang lại một kết quả làm đà phóng cho ông Trọng giành thắng lợi trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội XII, đồng thời lần đầu tiên chế độ vẫn muốn chỉ một đảng ở Việt Nam âm thầm chấp nhận định chế Công đoàn độc lập của các quốc gia đa đảng.

Cần nhớ rằng trong tâm lý của giới lãnh đạo bảo thủ ở Việt Nam, nếu xã hội dân sự nguy hiểm một thì Công đoàn độc lập nguy hiểm gấp ba lần như thế. Chẳng phải vô cớ mà cứ mỗi khi nói đến Công đoàn độc lập là giới quan chức Việt lại nhắc ngay về Công đoàn Đoàn kết cùng thành tích “lật đổ” của nó.

Sau khi Tổng Bí thư Trọng và Bộ Chính trị chấp nhận sẽ triển khai Công đoàn độc lập như một điều kiện tiên quyết để Việt Nam được vào TPP, màn sương nhân quyền đã bớt xám xịt. Muốn có Công đoàn độc lập thì phải có luật Lập hội, mà đã có luật Lập hội thì lại phải công nhận, hoặc thừa nhận một số hội đoàn phi nhà nước, trong khi chính những hội đoàn phi nhà nước đó đã hình thành xã hội dân sự ở Việt Nam.

Tức việc thừa nhận/công nhận Công đoàn độc lập sẽ đương nhiên dẫn đến việc thừa nhận/công nhận xã hội dân sự, và ngược lại.

Thế còn quan điểm của giới học giả công an về chủ đề cực kỳ nhạy cảm đã diễn biến ra sao vào thời gian này?

Thuyết âm mưu về xã hội dân sự

Một trong những quan điểm mang tính sơ khai của giới học giả công an cho rằng: “Việc hình thành, phát triển xã hội dân sự sẽ tạo môi trường, điều kiện để phát triển các mặt của xã hội, tuy nhiên cần phải đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để xã hội dân sự thực sự hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ của nó”.

Hoặc một cách nhìn khác của học giả - điều tra viên công an được cụ thể hóa hơn: “Nhìn chung, các tổ chức xã hội dân sự này đều mang lại lợi ích, giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong vấn đề hội nhập, tuy nhiên, như đã phân tích do bản chất xã hội dân sự là sự liên kết mềm, nên một số tổ chức khi hoạt động vẫn không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam đã quy định; một số tổ chức bị các thế lực bên ngoài có quan điểm thù địch với Việt Nam lợi dụng nhằm phục vụ cho lợi ích riêng; một số hoạt động không đúng với tiêu chí, mục đích đề ra ban đầu; đặc biệt, một số tổ chức có hoạt động chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ, đi ngược lại lợi ích chính đáng của người dân, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước… Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các xã hội dân sự trá hình do một số tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động tài trợ tiền, kinh phí cho một số đối tượng trong nước hoạt động thành lập các hội, nhóm kiểu xã hội dân sự nhằm hoạt động chống Đảng, gây phương hại đến Nhà nước ta”.

Dĩ nhiên với những quan chức “còn đảng còn mình” thì quan điểm trên là tạm chấp nhận được, và nói chung là có thể chấp nhận cho đến lúc Nhà nước Việt Nam vào được TPP thì sẽ tiến hành “hồi tố” những tổ chức xã hội dân sự bị chính quyền căm ghét nhất. Còn trước mắt, phải làm thế nào để đưa ra một số tổ chức hội đoàn có nguồn gốc nhà nước sang khu vực “xã hội dân sự”, nhưng là xã hội dân sự của nhà nước - như một bằng chứng để chứng minh với quốc tế rằng Việt Nam tôn trọng nhân quyền và đòi hỏi về xã hội dân sự của nhiều nước trên thế giới, nhưng sẽ cố gắng lấn át khối “xã hội dân sự độc lập”.

Có thể từ năm 2017 trở đi, trên mảnh đất Việt Nam hỗn tạp sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh đầy tính đố kỵ lẫn thủ đoạn chơi xấu của “xã hội dân sự quốc doanh” đối với “xã hội dân sự độc lập”.

Ở một khía cạnh khác, sâu xa và ẩn giấu hơn nhiều, những quan chức “còn đảng còn tiền” lại đã từ lâu nhận ra ở các tổ chức xã hội dân sự độc lập một “tài nguyên” hiếm có: nếu biết cách lợi dụng hay ít ra là vận dụng khối tự phát nhưng đang hình thành khối này, đó sẽ là con đường đủ ngắn và đủ nhanh để bảo đảm cho một số quan chức “về với nhân dân” trong bối cảnh một Việt Nam tương lai bể dâu xung đột, hoặc tìm ra lối thoát ở phương Tây một khi nội tình trong nước “có biến”.