Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Cưỡng chế chùa Liên Trì: TP HCM đẩy Bộ Chính trị đảng vào Danh sách CPC

PHẠM CHÍ DŨNG - VOA

Hồ sơ đủ dày

Ngày 8/9/2016, chính quyền TP HCM đã dùng một lực lượng lên tới 400 công an, chưa kể lực lượng an ninh vây chặn nhiều nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại nhà riêng, để dùng vũ lực cưỡng chế ngôi chùa Liên Trì - một địa chỉ hiếm hoi còn sót lại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một cơ sở sinh hoạt của Hội đồng liên tôn (5 tôn giáo ly khai ở Việt Nam) và cũng là một trong những địa chỉ sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, nơi tá túc của dân oan đất đai.

Trụ trì chùa Liên Trì là Hòa thượng Thích Không Tánh đã bị công an áp tải vào bệnh viện. Những nhà sư khác của chùa bị công an đưa lên xe chở về khu vực Cát Lái ở Quận 2, một nơi hẻo lánh, để giam lỏng. Các tượng Phật trong chùa bị “xúc”, toàn bộ ngôi chùa bị san bằng…

Một ngày sau khi chùa Liên Trì bị cưỡng chế, Hòa thượng Thích Không Tánh nằm trong một phòng riêng biệt ở Bệnh viện Quận 2 theo cách “biệt giam”. Xung quanh dày đặc công an, người vào người ra đều bị theo dõi ghi hình lộ liễu và trắng trợn. Thậm chí công an còn vào cả phòng bệnh của thầy Không Tánh để chụp ảnh ông Lê Quang Hiển đến thăm thầy. Một phóng viên đài SBTN đang trên đường đến thăm thầy Không Tánh thì bị cảnh sát giao thông chặn lại với lý do “có người tố gây tai nạn”, sau đó ép phải quay về…

Những bằng chứng về cưỡng chế chùa Liên Trì và vi phạm tự do tôn giáo đã hoàn toàn lộ diện, đủ dày và đủ sâu để lập một hồ sơ quốc tế về vi phạm tôn giáo ở Việt Nam.

Có cơ sở để tin rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong, người xuất thân từ phong trào đoàn “cánh tay phải của đảng”, là quan chức đã “chiều” Quận 2 và lãnh trách nhiệm chỉ đạo tổ chức chiến dịch cưỡng chế giải tỏa chùa Liên Trì.

Dùng đất tôn giáo để trả nợ ngân hàng?

Hiện trạng ngân sách TP HCM bị sụt giảm nặng nề cùng số nợ vay đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm lên đến 29.000 tỷ đồng, số lãi vay đang phát sinh tới 2,9 tỷ đồng mỗi ngày nhưng chưa biết tìm đâu ra tiền để trả nợ cho giới ngân hàng và các doanh nghiệp - những địa chỉ đã cho vay tiền để tiến hành dự án khu đô thị Thủ Thiêm - càng đủ tạo ra những lý cớ để chính quyền thành phố này luôn tìm cách “làm cỏ” cơ sở tôn giáo ương ngạnh là chùa Liên Trì để lấy được “đất sạch”.

Nhưng cũng bởi thế và nói không quá, chính quyền TP HCM đã đẩy Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đến gần hơn với CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) của Hoa Kỳ.

‘Triển vọng’ CPC và Luật Chế tài nhân quyền Việt Nam

Dù là một chùa rất nhỏ ở Sài Gòn, nhưng Liên Trì lại nằm trong danh sách được quan tâm đặc biệt của cơ quan phụ trách nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc và của Quốc hội Mỹ.

Sau 10 năm kể từ khi được người Mỹ nhấc khỏi CPC vào năm 2006 và sau đó còn được tham dự vào bàn tiệc đứng WTO năm 2007, giờ đây chính thể Việt Nam đang đứng trước “triển vọng” được tái hòa nhập CPC.

Nhưng khác hẳn với thời kỳ trước đã không có cơ chế chế tài của CPC liên quan đến lĩnh vực thương mại, định chế CPC đã được phần lớn lưỡng viện Hoa Kỳ thống nhất cài đặt vào Quyền đàm phán nhanh (TPA) từ năm 2014 để tổng thống Mỹ thực thi trong hoạt động quyết định đàm phán Hiệp định TPP. Theo đó, bất cứ quốc gia nào bị xét thấy vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng đều có thể bị loại khỏi danh sách ứng cử viên tham gia TPP.

Việt Nam đang là một trong những ứng cử viên của TPP và thậm chí còn được giới phân tích kinh tế đánh giá là “nước hưởng lợi nhiều nhất”. Thời gian mà Quốc hội Mỹ chính thức bỏ phiếu thông qua TPP có thể ngay trong năm 2017. Nếu không bị “soi” đặc biệt về vấn đề nhân quyền, Việt Nam sẽ có cơ hội được cả chì lẫn chài.

Thế nhưng giờ đây giới quan chức và công an TP HCM đang đưa Bộ Chính trị vào thế khó. Chỉ để lấy được hơn 600 thước vuông của chùa Liên Trì, có thể cả tương lai TPP của chính thể Việt Nam sẽ biến mất.

Thậm chí hậu quả chính trị còn không dừng ở đó. CPC là một khái niệm đặc biệt, mang ý nghĩa chế tài đặc biệt mà rất có thể dẫn đến Luật Chế tài nhân quyền Việt Nam mà một số nghị sĩ Mỹ đang vận động để Thượng viện nước này thông qua. Theo đó, những nhân vật lãnh đạo bị đánh giá vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, với tên tuổi cụ thể, sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời tài khoản ngân hàng, tài sản của họ ở nhiều nước trên thế giới sẽ bị Mỹ phong tỏa. Tiền lệ đã có khá nhiều đối với giới quan chức Miến Điện (thời trước Thein Sein), Nga…

Cũng sẽ biến mất công sức chuyến đi tiền trạm Mỹ của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và chuyến đi Mỹ chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí ngay cả sự thỏa hiệp chưa từng có của Tổng Bí thư Trọng về Công đoàn độc lập cũng có thể xôi hỏng bỏng không bởi lối đàn áp tự do tôn giáo không cần biết trời cao đất dày của giới quan chức Việt.

Trời đất cũng chẳng hứa hẹn một hậu vận hanh thông nào dành cho doanh nghiệp chủ đầu tư quyết liệt lấy đất chùa để kinh doanh tại khu vực Thủ Thiêm, Quận 2.

Hoa sen và khủng hoảng

Rất trớ trêu là vào đúng thời gian ra quyết định cưỡng chế chùa Liên Trì, Ủy ban nhân dân TP HCM đã lộ mặt với một văn bản “kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu phức hợp trung tâm hội nghị triển lãm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhà đầu tư dự kiến được lựa chọn là Liên danh Công ty Intertrade Singapore Pte Ltd và Công ty Saigon Bund Capital Partners - BVI”.

Theo phương án thiết kế thì “công trình được xây dựng theo hình tượng “cánh hoa sen” với điểm nhấn chính là mái vòm của khu trung tâm hội nghị triển lãm được thiết kế đặc biệt, có thể nhìn thấy từ xa, đồng thời tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực trung tâm của khu đô thị mới Thủ Thiêm”.

Cánh hoa sen lại là một đặc trưng của Phật giáo. Để nhái một biểu tượng của Phật giáo, chính quyền vô thần sẵn sàng xóa sổ một ngôi chùa có lịch sử sáu chục năm.

Hậu quả mất mát kinh tế, rủi ro chính trị và cả phù trợ tâm linh là khôn lường, không ai có thể hình dung hết…

Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong và chính quyền Quận 2 vừa đặt công luận trước một sự đã rồi. Bằng chứng đã quá rõ, dù muốn cũng không thể phi tang được. Bộ Chính trị ĐCSVN cũng vừa mất thêm một “lợi thế đối ngoại”.

Nếu năm tới chính thể Việt Nam bị đưa trở lại vào Danh sách CPC, những quan chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ khủng hoảng “nhân quyền trong đảng” này?