Người Việt - Sáu tháng sau khi nhậm chức thủ tướng, ý tưởng xây dựng “chính phủ kiến tạo” của ông Nguyễn Xuân Phúc đang đối mặt với nguy cơ tan từ trứng nước với bằng chứng Formosa bị tuyệt đại đa số đất nước quay lưng.
Sai lầm mới nhất của ông Phúc là chính phủ Việt Nam đã ban hành một quyết định đền bù với định mức trả treo chỉ bằng 1-2 ngày ra biển của ngư dân. Và cũng chỉ đền bù sáu tháng.
Những ngư dân đã phải nhận phần gạo “hỗ trợ” mốc xanh của địa phương lập tức gầm lên: Vậy sau sáu tháng ấy chúng tôi sẽ sống bằng gì?
Bây giờ thì đừng nói tới cơ chế “vận động, thuyết phục nhân dân” nữa. Giờ đây, những khối người khổng lồ của ngư dân và giáo dân các vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình kéo đi biểu tình và kéo đến tận nhà máy Formosa là quá đương nhiên, không còn gì phải bàn cãi.
Một khi những người dân dù gần cạn dự trữ trong gia đình nhưng đã thẳng thừng quay lưng với định mức chỉ có ý nghĩa bố thí của chính quyền, toàn bộ lòng tin vào “chính phủ kiến tạo” chỉ còn là tưởng tượng và núi lửa lâu ngày trầm nén bắt đầu phun trào.
Tương lai cho một cuộc “cách mạng cá chết” không còn là viển vông vào lúc khối giáo dân miền Trung đến vài ba chục ngàn người cùng xuống đường, còn Quốc Hội một lần nữa phải quay lại đề án Dự Luật Biểu Tình để “ít ra còn có luật mà quản.”
Ông Phúc: “Làm sao để cá có thể bơi trong nước thải”
Hãy nhìn lại, sau hơn hai tháng từ ngày “công bố nguyên nhân cá chết,” mãi đến cuối Tháng Tám, chính phủ mới bắt đầu “triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Formosa gây ra,” trong khi đáng ra cái việc cỏn con ấy phải được “chính phủ kiến tạo” làm ngay một tháng sau khi biển bốn tỉnh miền Trung phơi thây cá chết và ngư dân phơi thuyền treo niêu.
Nếu không xảy ra chuyến “kiểm tra công trình” đầy ắp dấu hiệu che chắn của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nếu không tràn lan tin đồn về vụ xả thải Formosa còn liên quan đến trách nhiệm của ít nhất ba ủy viên bộ chính trị khác.
Và nếu không đột biến xảy ra một “sự cố” được người dân ví như “mật ước thành đô:” Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tự thỏa thuận mức bồi thường $500 triệu với Formosa mà cho đến giờ vẫn không trưng ra được bất cứ căn cứ nào của số tiền đó.
Chưa kể việc chỉ từ năm 2014 đến nay, Formosa đã nhận được hơn 16,000 tỷ đồng hoàn thuế của Cục Thuế Hà Tĩnh và Tổng Cục Thuế thuộc Bộ Tài Chính – vượt hơn đến 5,000 tỷ đồng so với con số $500 triệu “tự nguyện bồi thương cho ngư dân.”
Từ Tháng Tư đến nay, có quá nhiều bằng chứng về thái độ giả dối của giới quan chức từ trung ương đến địa phương về việc “sẽ làm sạch biển và ổn định đời sống cho ngư dân.”
Sau sáu tháng kể từ ngày cá chết hàng loạt, nhiều bằng chứng phũ phàng liên tiếp hiện hình. Quá nhiều khuất tất, quá nhiều nghi ngờ để có thể đúc rút quá nhiều sai lầm của một tân chính phủ và tân thủ tướng đã quay lưng với ngư dân miền Trung, bất chấp hai kỳ bầu bán và tuyên thệ liên tục vào Tháng Ba và Tháng Bảy.
Thậm chí ngay cả những đồng tiền đền bù còm cõi – có thể chỉ là một phần nhỏ trong số $500 triệu – cũng bị chính phủ trả treo thời gian đến mức tối đa. Vào Tháng Sáu năm nay, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn sẽ đến bù cho ngư dân trong Tháng Bảy. Nhưng Tháng Bảy đã biệt tăm. Hết Tháng Bảy, giới quan chức bộ ngành lại hứa hẹn sẽ chuyển tiền cho ngư dân vào Tháng Tám. Nhưng đến Tháng Tám vẫn chẳng có bất kỳ một báo cáo thống kê thiệt hại nào được lập từ chính quyền bốn tỉnh miền Trung, trong khi lại quá tập trung vào việc huy động các lực lượng từ cảnh sát cơ động đến quân đội để khống chế và đàn áp các cuộc biểu tình chính đáng của giáo dân, ngư dân.
Việc chính phủ vài ba lần “đồng ý cho UBND bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên-Huế lùi thời hạn gửi Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và Bộ Tài Chính kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn” cũng là một bằng chứng không thể chối cãi về nạn hỗn quân hỗn quan trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện thời. Sau một thời gian đủ dài và không một quan chức nào – từ ông Võ Kim Cự ở Hà Tĩnh đến ông Trần Hồng Hà ở Bộ Tài Nguyên Môi Trường… – “lũ chuột” đã bớt sợ sệt và lại quay về thói ăn bẩn cũ.
Gần đây nhất, Thứ Trưởng Vũ Văn Tám của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn lại lần thứ hai liên tiếp hứa hẹn “sẽ đền bù cho ngư dân vào Tháng Chín,” còn bây giờ đã là Tháng Mười.
Vậy ai có thể tin vào hứa hẹn của Thủ Tướng Phúc “sẽ đền bù hết $500 triệu cho ngư dân?” Hay một phần, và thói thường là một phần lớn trong số đó, sẽ được các bộ ngành, chính quyền địa phương rút lại để từ đó sẽ phát sinh vô số nhũng nhiễu và nạn tham nhũng trên đầu hàng trăm ngàn người dân sắp không còn gì để ăn?
Hoàn cảnh của ngư dân miền Trung đang nhanh chóng thê thảm. Quá nhiều ngư dân không thể ra biển, có đánh bắt cá thì cũng chẳng ai mua. Quá nhiều người phải tính đến chuyện di cư vào Nam hoặc ra Bắc để tìm đường sinh nhai. Rất nhiều gia đình người Công Giáo đã không chấp nhận cho con cái mình đến trường vào ngày khai giảng 5 Tháng Chín như một cách để phản đối chính quyền.
Những chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế chỉ có ý nghĩa như “làm sao để cá có thể bơi trong nước thải” – một tuyên ngôn để đời của ông – khi say sưa với dự án thép Cà Ná của chủ đầu tư dự kiến là tập đoàn Tôn Hoa Sen.
Tương lai nào cho “chính phủ kiến tạo?”
Trong khi lộ ra nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Công Thương “đi đêm” với công ty cổ phần tập đoàn Tôn Hoa Sen và cố ý làm trái để dự án của công ty này được “bế” vào quy hoạch, có dư luận đặt một dấu hỏi lớn về một nhóm lợi ích mới mang tên “Nguyễn Xuân Phúc” – trên cơ sở mối quan hệ hết sức thân tình giữa cấp dưới của ông Phúc là Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh với ông Lê Phước Vũ.
Cung đường chính trị của Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu gập ghềnh xen trắc trở.
Theo cách “truyền thống” từ các đời thủ tướng trước đây là ông Phan Văn Khải và đặc biệt là ông Nguyễn Tấn Dũng, người mới nhậm chức sẽ ồn ào khoảng ba đến sáu tháng đầu tiên. Thủ Tướng Phúc cũng vậy, và cũng được một số tờ báo nhà nước tung hô không khác gì dành cho ông Dũng bị xem là “phá chưa từng thấy” trước đây.
Nhưng sáu tháng kể từ khi thế vào cái ghế của ông Dũng, ông Phúc vẫn hoàn toàn mờ nhạt. Ngoài một số đầu việc vẫn làm từ thời còn là phó cho ông Dũng, “tư tưởng” tầm cỡ nhất của ông Phúc là bỏ các loại giấy phép con để làm thông thoáng môi trường hoạt động cho doanh nghiệp mà được công luận ca ngợi – đã vấp phải lực cản ghê gớm ngay từ Bộ Công Thương – với “chủ quản” cũ là ông Vũ Huy Hoàng và là bộ tập trung nhiều nhóm lợi ích ăn đậm nhất ở Việt Nam. Không thể loại bỏ chỉ một giấy phép con của Bộ Công Thương, ông Phúc chỉ còn biết lui về văn phòng chính phủ và nghe chỉ đạo từ tổng bí thư.
Trong thực tế, ông Phúc đang hành xử như một quan lại “đầu sai.” Nhiều người cho rằng ông chỉ là cái bóng của những mệnh lệnh của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến đi Trung Quốc vào Tháng Chín vừa qua của ông Phúc thậm chí còn mang dáng vẻ giới nha lại Việt đi triều cống trong vô số lần của lịch sử nước nhà.
Nếu có một chút an ủi thì chỉ là vài ba cán bộ lão thành đang cám cảnh cho Thủ Tướng Phúc: Ông đang sống và làm việc như một kẻ chịu nạn – vô số nạn từ đời thủ tướng trước để lại, nạn từ trong ra và từ ngoài vào, nạn từ dưới lên và từ trên xuống.
Ưu điểm lớn nhất của ông Phúc chỉ là không quá ồn ào khoa trương như ông Đinh La Thăng, bí thư TPHCM – một điểm son mà có thể khiến ông Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh Thế Huynh tạm hài lòng. Chính thể Việt Nam luôn cần một thủ tướng biết nghe lời đảng!
Chỉ có điều, vẫn có những nhân vật khác chịu phép nghe lời hơn cả ông Phúc. Hoặc một lúc nào đó, những đối thủ vừa ẩn vừa lộ của ông Phúc sẽ sẵn sàng lôi ra bản thành tích điều hành chính phủ quá thiếu ấn tượng của ông, trong đó có vụ Formosa bê bối và có thể cả những sự việc “riêng tư” khác, để làm đà cho ông Phúc trượt êm khỏi cái ghế thủ tướng vào “đại hội giữa nhiệm kỳ” đầu năm 2018.
Nếu hệ quả đó xảy ra, có lẽ người ta sẽ chứng kiến khuôn mặt thượt dài số phần của ông Phúc. Sẽ chẳng còn ai muốn nhắc đến “chính phủ kiến tạo” nữa.