Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Tổng thống Trump’: Tâm trạng giới lãnh đạo Việt Nam ra sao?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Không hoan hỉ, không thể hoan hỉ - có thể cho đó là là tâm trạng chung của giới lãnh đạo Việt Nam, cho dù vì lẽ Trump thắng và thời gian chuyển tiếp giữa hai tổng thống Hoa Kỳ sẽ khiến công an Việt Nam cho rằng có cơ hội nhiều hơn để tranh thủ đàn áp giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền trong nước.

Không khí im lặng

Những ngày sau hiện tượng “Tổng thống Trump”, một bầu không khí im lặng có vẻ lạ lùng bao trùm lên các tòa nhà của Văn phòng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ Việt Nam. Rất đặc biệt, hai hiện tượng này diễn ra ngay sau khi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh sang Washington trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ với thông điệp sớm “Mời tổng thống mới của Mỹ sang thăm Việt Nam”.

Một hiện tượng khá đặc biệt khác là trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ, một trang mạng dư luận viên ở Việt Nam đã tổ chức theo dõi và tường thuật rất sát sao kết quả bầu cử ở từng bang. Trước đó, chính trang dư luận viên này đã từng đe dọa là nếu Hillary thắng thì giới đấu tranh dân chủ nhân quyền còn chút hy vọng, còn nếu Trump thắng thì hết hẳn hy vọng.

Ban đầu, trang dư luận viên vừa kể tường thuật rất nhanh các chi tiết và số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng càng về cuối khi ứng cử viên Trump thắng thế, mật độ cập nhật và bình luận của trang dư luận viên này yếu dần rồi gần như chấm dứt hẳn. Cho tới nay, trang này cũng chẳng buồn nhắc lại thành tích dự đoán của mình về số phận hẩm hiu dành cho giới đấu tranh dân chủ khi Trump đắc cử.

Tuy chỉ là một trang dư luận viên, nhưng hiện tượng trên có thể phần nào phản ánh tâm trạng của giới lãnh đạo Việt Nam trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Đặc trưng về tâm trạng này cũng có thể được nhận thấy qua cách đưa tin về bầu cử tổng thống Mỹ của một số tờ báo đảng: trước đó hầu hết đều ồn ào cùng sắc thái hy vọng dự đoán thắng lợi của Hillary, sau đó không thèm giấu giếm nỗi thất vọng về sự thất bại của bà, đồng thời tỏ thái độ lạnh nhạt và giữ vẻ xã giao với thắng lợi của Trump.

Ngoài lời chúc mừng thuần túy công thức của Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ Việt Nam gửi Donald Trump, không thấy một quan chức cao cấp nào hé môi. Có lẽ những phản ứng sôi nổi nhất chỉ diễn ra trong các cuộc họp kín của Bộ Chính trị, nhưng không thoát nổi lên mặt báo chí. Dường như tất cả đều bị kiềm chế bởi thói quen phải dè dặt và cảnh giác tối đa trước một biến động đủ lớn có thể sẽ trở thành biến cố.

Thất vọng!

Không thể đoán trước

Lý do đơn giản nhất để giải thích cho tâm lý thất vọng trên cũng là nguyên do chung của cả thế giới: Clinton là người mà cả giới cầm quyền và cả giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam còn có thể dự đoán được chính sách và tình cảm, trong khi với Trump thì không. Thậm chí không một chút nào!

Ít ai cho rằng Clinton không phải là một chính khách chuyên nghiệp. Kể từ thời bà còn là đệ nhất phu nhân nước Mỹ, giới báo chí của đảng Cộng hòa đã không thể tìm ra một bằng chứng đáng kể nào về tính bất nhất trong phát ngôn và hành động của bà. Sau đó trong suốt thời gian làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, Clinton cũng để lại ấn tượng bà là một người không hề bốc đồng, biết cách làm việc và có thể quả quyết lúc cần thiết. Những gì mà Hillary Clinton lên kế hoạch vận động tranh cử tổng thống cho mình cũng chứng tỏ tính logic với những điều mà bà đã phát ngôn và đã làm trong quá khứ. Không chỉ người Mỹ mà cả giới lãnh đạo Việt Nam cũng có thể dễ nhận ra điều đó.

Nhưng Trump thì lại khác. Nội việc thể hiện hai quan điểm gần như trái ngược nhau về vấn đề nhập cư tại Mexico và trong nước Mỹ, hoặc quan điểm có tống người Hồi giáo vào những khu dân cư riêng biệt hay không, đã khiến ông trở thành một trong những ứng cử viên đồng bóng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Hàng loạt tính cách mang bóng dáng của nhân vật “đa nhân cách” này, cùng phong cách và cả não trạng bị xem là thiếu chuyên nghiệp chính trị của Trump đã khiến ông ta trở thành người khó đoán nhất khi thực sự điều hành đất nước.

Nếu ngay cả một số tờ báo Mỹ còn phải cho rằng sau khi Trump trở thành tổng thống, tương lai nước Mỹ sẽ bất định, thậm chí có thể trở thành một bi kịch, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người ta thấy xuất hiện trên mặt báo chí nhà nước nhiều lời thở than của giới chuyên gia và quan chức cấp bộ Việt Nam mà hầu hết đều tỏ ra lo ngại, về thực chất là lo sợ, cho một tương lai TPP chẳng đến đâu.

Chơi vơi phương Tây và bi kịch phương Bắc

Bài trả lời phỏng vấn báo nhà nước của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là một ví dụ điển hình. Viên bộ trưởng chịu trách nhiệm về kinh tế này đã cẩn trọng đến nỗi bất chấp những câu hỏi dồn dập không chịu buông tha của báo giới, ông ta không dám đưa ra một dự đoán nào về chính sách của Tổng thống Trump và những gì có thể liên quan đến Việt Nam. Các câu trả lời đều cực kỳ dè dặt và nước đôi.

Việt Nam đang chơi vơi. Hẳn là thế, rất chơi vơi giữa ngã ba đường, trong quan hệ đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lại càng chông chênh hơn khi thế đu dây ấy bất chợt trở nên mất thăng bằng. Thậm chí có thể cần tính đến chuyện phải đu lại từ đầu.

Không khó cho phái “thân Trung” ở Hà Nội bày mưu tính kế để ngả hơn về Trung Quốc cùng với khuynh hướng thay đổi não trạng “gần Trung” của giới lãnh đạo Philippines và Malaysia. Nhưng còn mù mịt hơn nhiều so với tương lai một nước Mỹ bị cho là “bất định Trump”, lịch sử nước Việt trong quan hệ với quốc gia phương Bắc chưa bao giờ thoát khỏi bi kịch. Bi kịch trong suốt chiều dài quá khứ và có thể cả trong tương lai gần.

Có lẽ cho đến giờ này, một số lãnh đạo Việt Nam mới nhận ra rằng họ đã bỏ phí thời gian và thời cơ để giành được nhiều thứ hơn trong cuộc chơi với đảng Dân chủ của Obama. Họ đã hoài phí đến 8 năm trời để trả treo từng chút về nhân quyền, để thực thi chính sách “đổi nhân quyền lấy kinh tế”, nhưng lại kém thành tâm đến mức chính những người bị coi là cởi mở lẫn nhẹ dạ thái quá như Obama cũng bị khựng lại.

Còn sắp tới, cuộc chơi của chế độ Việt Nam với người Mỹ sẽ không còn là với đảng Dân chủ dễ đoán và có vẻ mềm mỏng thái quá, mà là với một Tổng thống Trump không biết đâu mà lường và một đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện cùng quan điểm cứng rắn truyền thống, đặc biệt là cứng rắn về nhân quyền.

Tình hình quan hệ Việt - Mỹ sẽ không còn “hoàng kim” như giai đoạn 2008 - 2016 trong suốt hai nhiệm kỳ của tổng thống phe Dân chủ Obama, mà có thể trở lại thời Bush con của phái Cộng hòa giai đoạn 2004 - 2008. Tình thế sẽ càng khó trở về điểm xuất phát 2007 khi Việt Nam vừa được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp thuận cho trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức đầy ắp lợi nhuận này, vừa được Mỹ nhấc khỏi Danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), vừa ra tay bắt bớ một loại người bất đồng chính kiến sau đó mà không quá lo làm mích lòng người Mỹ.

Hiện thời, tình thế cực kỳ tréo ngoe. Khác hẳn năm 2007, cho tới lúc này Việt Nam vẫn chưa vào được TPP, kinh tế què quặt và luôn kề miệng hố, trong lúc giới lãnh đạo ngày càng lo sợ Trung Quốc sẽ ra tay với các đảo quân sự ở Biển Đông, và chưa bao giờ Hà Nội cần đến hải quân Mỹ nhiều như lúc này.

Giữa ngã ba đường ấy, tất nhiên chính quyền và công an Việt Nam vẫn có thể thoải mái đàn áp giới đấu tranh dân chủ nhân quyền nếu họ muốn và có đủ “quyết tâm chính trị” để làm việc đó.