Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Cuba cựa mình?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Nhưng có một sự thật hiển nhiên là giới lãnh đạo Cuba đã không đi theo lộ trình “nhân quyền mắm tôm” như giới công an trị ở Việt Nam. Tinh thần bộc trực Mỹ La tinh đã dẫn đến cung cách đối xử với giới bất đồng chính kiến về cơ bản là bắt hay không bắt, chứ không lợi dụng các loại tiểu xảo nhỏ mọn và ti tiện như cho “côn đồ công vụ” ném mắm tôm và chất dơ vào nhà người bất đồng chính kiến, hoặc cho công an mặc thường phục hành hung tàn nhẫn người bất đồng chính kiến ngoài đường phố…

Chưa đầy ba tuần…

Liệu có phải ngẫu nhiên mà chỉ sau khi Fidel Castro qua đời chưa đầy ba tuần, trên Hòn đảo Tự do đã diễn ra hai sự kiện rất lớn: Bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu và Thỏa thuận cho hãng Google cung cấp dịch vụ tại Cuba?

Cả hai sự kiện trên đều diễn ra cùng thời điểm: ngày 12/12/2016.

Năm 2003, Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt đối với Cuba và đình chỉ việc hợp tác vì Cuba mở chiến dịch đàn áp các nhà báo và các nhà hoạt động. Phải đến năm 2008 Cuba mới nối lại các cuộc đàm phán.

Còn giờ đây tại Brussels của nước Bỉ, Liên minh châu Âu và Cuba vừa ký kết một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, vốn đã bị gián đoạn trong nhiều thập kỷ bởi những quan ngại về nhân quyền dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro.

Trước đó, các bộ trưởng Liên minh châu Âu đã đồng ý bãi bỏ một chính sách có từ năm 1996, trong đó yêu cầu Cuba phải cải thiện các tiêu chuẩn nhân quyền trước khi ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

Cũng vào ngày 12/12/2016, Google đã ký thỏa thuận với chính phủ Cuba, theo đó công ty Internet này sẽ được quyền cung cấp dịch vụ truy cập vào kho dữ liệu của Google tại Cuba, cho phép Google cài đặt các máy chủ trên đảo quốc này để lưu trữ những nội dung phổ biến nhất, tạo được một chỗ đứng quan trọng trong lãnh vực mạng điện toán đang bắt đầu phát triển rất nhanh tại Cuba.

Sau quá nhiều năm ngủ vùi, Cuba bắt đầu cựa mình?

Nhìn lại Thein Sein

Sau khi Fidel qua đời, ngay cả một số tờ báo khuynh tả như Libération của Pháp cũng phải cho rằng trước đây Raul Castro đã phải quá khép nép trước cái bóng của người anh trai mình, nhưng có hy vọng rằng chướng ngại lớn nhất và có lẽ là duy nhất để Raul thực hiện cải cách kinh tế sẽ không còn nữa.

Một nhận định có cơ sở khác cũng cho rằng Raul không phải là người quá bảo thủ, và ông có thể muốn mang lại cho đất nước mình một sự đổi thay nào đó, thậm chí là thay đổi lớn, trước khi ông quyết định từ bỏ chức vụ lãnh đạo tối cao tại Cuba vào năm 2018.

Những luồng nhận định trên đang tỏ ra khá chính xác, ít ra cho tới thời điểm này: có lẽ không phải vô tình mà Raul Castro đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu và cho Internet vào Cuba hầu như ngay sau khi người anh trai qua đời.

Liệu có một nét tương đồng nào đó về khung cảnh hiện thời ở Cuba với Myanmar 4 năm về trước?

Sẽ khập khiễng khi so sánh hai quốc gia này về thể chế chính trị - giữa một Myanmar dù sao đã có đảng đối lập “Liên đoàn quốc gia vì dân chủ” của Aung San Suu Kyi với Cuba còn nguyên độc đảng và vẫn chưa có dấu hiệu nào về cải cách chính trị. Nhưng ít ra lại có một điểm chung: cả hai nước này đều bị phương Tây cấm vận kinh tế và đều lâm vào tình trạng khá bi đát về bài toán làm sao không để dân bị đói và do đó không khiến dân nổi loạn.

Cũng có một nét tương đồng khác cần nghiên cứu: trong khi hiện nay Raul kế thừa ngôi vị thống lĩnh từ Fidel, thì trước đây 4 năm, Thein Sein của Myanmar là người thừa kế của nhà độc tài Than Swe.

Tuy nhiên như cả thế giới đều biết, vị tổng thống theo đạo Phật là Thein Sein đã làm nên một cuộc cách mạng kỳ diệu tại Myanmar: không những trả tự do cho Aung San Suu Kyi, ông còn cho ban hành luật biểu tình, lập hội tự do và báo chí tư nhân, đồng thời phóng thích rất nhiều tù nhân chính trị. Cuối cùng, Thein Sein chấp nhận cho đảng đối lập ra tranh cử công khai và công bằng. Cuối cùng, thắng lợi của Aung San Suu Kyi cũng được xem như một thành công của Thein Sein.

Khác hẳn một số cựu lãnh đạo Việt Nam vẫn tìm cách xuất hiện và giành giật ảnh hưởng cá nhân sau khi về hưu, người ta chỉ thấy Thein Sein trong nhà chùa, nơi ông nguyện dành phần cuối đời cho việc tu hành.

Một lãnh đạo có tâm và tầm vóc là người biết rũ áo ra đi đúng lúc. Thein Sein là người như vậy.

Nhanh hơn Việt Nam?

Đang có một tương đồng nào đấy giữa Cuba và Việt Nam: Năm 1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, sau đó 2 năm - 1997 - Internet chính thức vào Việt Nam; còn Cuba đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vào cuối năm 2015, và chỉ một năm sau thì Internet được vào đảo quốc này.

Một luồng nhận định khác lại cho rằng với dòng máu sôi sục Mỹ La tinh, hoặc giới lãnh đạo Cuba vẫn hết sức bảo thủ, hoặc họ sẽ “cách mạng” nhanh chóng và có thể nhanh hơn cả những quốc gia “tư bản cuồng nhiệt” như Việt Nam và Trung Quốc.

Chân trời đang dần dần ló dạng. Dù Liên minh châu Âu không còn đặt điều kiện về nhân quyền trong mối quan hệ bình thường hóa với Cuba, nhưng nếu Havana muốn tiến hành cải cách kinh tế thì lại phải có những nguồn lực mới về tài chính. Cho tới nay, nguồn lực tài chính lớn nhất khả dĩ có thể là tín dụng và viện trợ từ Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Nhưng muốn nhận được những nguồn tín dụng dồi dào để làm cho đời sống người dân bớt khó khăn, giới lãnh đạo Cuba lại cần thỏa mãn một số đòi hỏi của phương Tây về cải thiện nhân quyền.

Trong trường hợp Việt Nam, phải mất đến 6 năm sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, chế độ bảo thủ này mới tiến được đến Hiệp định song phương thương mại Việt - Mỹ, làm tiền đề cực kỳ quan trọng để đến năm 2015 hàng hóa Việt Nam đạt mức xuất siêu đến 25 tỷ USD vào Hoa Kỳ.

Nếu đi theo lộ trình của Việt Nam, Cuba cũng sẽ có được một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ vào những năm tới. Thậm chí nếu thúc đẩy lộ trình bang giao này nhanh hơn, Cuba sẽ được bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế và bắt đầu xuất siêu hàng hóa và Hoa Kỳ ngay trong vài năm nữa.

Nhưng có một sự thật hiển nhiên là giới lãnh đạo Cuba đã không đi theo lộ trình “nhân quyền mắm tôm” như giới công an trị ở Việt Nam. Tinh thần bộc trực Mỹ La tinh đã dẫn đến cung cách đối xử với giới bất đồng chính kiến về cơ bản là bắt hay không bắt, chứ không lợi dụng các loại tiểu xảo nhỏ mọn và ti tiện như cho “côn đồ công vụ” ném mắm tôm và chất dơ vào nhà người bất đồng chính kiến, hoặc cho công an mặc thường phục hành hung tàn nhẫn người bất đồng chính kiến ngoài đường phố…

Trước chuyến công du của Obama đến Havana vào tháng 3/2016, Cuba đã trả tự do cho 7 nhà bất đồng chính kiến. Nhưng trước và cả sau chuyến công du của Barack Obama đến Hà Nội vào tháng 5/2016, giới lãnh đạo Việt Nam đã chẳng thả một tù nhân chính trị nào.

Trong khi Obama đã gặp được những khách mời là các nhà bất đồng chính kiến tại thủ đô của Cuba mà không bị phiền phức gì, thì những khách mời bất đồng quan điểm người Việt của ông đã bị công an Việt Nam cấm ra khỏi nhà để không cho tiếp xúc với tổng thống Mỹ…

Vài so sánh như trên, dù nhỏ nhưng lại cho thấy giới lãnh đạo Cuba, nếu muốn, sẽ có khả năng cải cách thể chế nhanh hơn và thành công hơn Việt Nam.

Hãy chờ xem Raul Castro sẽ làm gì trong những ngày tháng tới…