Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

‘Ðuổi nhà báo ngay:’ Báo chí nhà nước một năm cay đắng

PHẠM CHÍ DŨNG

Người Việt - Nếu kết nối lời lẽ và thái độ xúc phạm báo chí của ông Nguyễn Minh Mẫn với sự việc hàng loạt báo quốc doanh bị công an đánh đập trong thời gian gần đây ở Ðắc Lắc, Hà Nội,… hẳn nhiều người nhận ra thân phận của “quyền lực thứ tư” mang đậm dấu ấn con sâu cái kiến như thế nào, trong bối cảnh mà các cơ quan quản lý chủ chốt như Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Hội Nhà Báo Việt Nam và tất nhiên một cơ quan mang tính định hướng là Ban Tuyên Giáo Trung Ương hầu như câm lặng trước các vụ nhà báo nhà nước bị công an hành hung.

Sự nín lặng trên còn có thể được hiểu như một động tác che đỡ gián tiếp để lực lượng kiêu binh “còn đảng còn mình” thoải mái đe dọa và tấn công “quyền lực thứ tư.”

“Trả thù bọn nhà báo”

Năm 2016 khép lại đầy cay đắng với báo giới nhà nước, dù có nguồn cơn “bất đồng chính kiến” hay không.

Ðầu Tháng Mười Hai, vụ kỷ luật nhà báo Phùng Hiệu của báo Nhà Báo và Công Luận, không những thế còn đình chỉ công tác một tháng đối với tổng biên tập Nguyễn Ngọc Niên của tờ báo này, cho thấy ông Trương Minh Tuấn đang làm đúng những gì mà ông đã rất sắt son trong loạt bài của ông trên báo Nhân Dân vào Tháng Mười Một về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa.”

Khách quan mà xét, đoạn bình phẩm của nhà báo Phùng Hiệu về ông Fidel Castro và thực trạng kinh tế xã hội Cuba là quá “hiền” so với hàng loạt bình luận của giới truyền thông “lề trái” về nhà nước Việt Nam vi luật khi tổ chức quốc tang cho cựu lãnh tụ Cuba, hoặc nói thẳng ông Castro là độc tài và tàn bạo… Thế nhưng, cứ như một kiếp nạn đã được trời định, báo chí nhà nước đã đến lúc phải “lên thớt.”

Chỉ ít lâu sau khi một phóng viên báo Tuổi Trẻ bị công an huyện Ðông Anh, Hà Nội, đấm mặt đá mông, lời trần thuật vô cùng thật lòng của một quan chức có tên là Nguyễn Minh Mẫn, quyền vụ trưởng Vụ 3, Thanh Tra Chính Phủ, “Tôi đuổi, tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi, đuổi đấy. Ðuổi nhà báo ngay, chúng tôi chả ngại gì. Ðấy! Bởi vì trong quá trình (thanh tra) báo chí nó nhiễu thì rất là nhục…” chính là một chứng quả cho thấy hiện trạng báo giới nhà nước đang tựa như “Tớ là con sâu…” như câu hạ mình sát đất của một nhân vật trong tiểu thuyết AQ chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc).

Sau ngành công an, cơ quan thanh tra được xem là có nhiều quyền sinh sát ở Việt Nam.

Ngay sau lời đe dọa đẩy đuổi trên mà đã được một clip không rõ tác giả lan truyền trên mạng xã hội và tạo nên một cơn phản ứng rộng khắp đối với ông Mẫn, nhà báo Phùng Hiệu bị đuổi thật.

Nổi bật như một vệ sĩ riêng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, “tay kiếm” Trương Minh Tuấn vẫn mải mê cùng lạnh lùng “chém” những nhà báo nhà nước vượt ra ngoài khuôn khổ định sẵn của đảng.

Ít ra, ông Trọng cũng biết sắp xếp vị trí tổ chức cho một vài người có lợi cho mình.

Từ Tháng Bảy, khi được Bộ Chính Trị đặc cách cho kiêm nhiệm chức vụ phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, quyền lực của Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn đã trở nên “nhất thể hóa” và vượt hơn nhiều so với đa số trong dàn bộ trưởng còn lại của chính phủ. Cũng từ thời điểm đó, báo chí nhà nước như lên cơn co giật trong một cuộc “chỉnh đảng” kinh động chưa từng có từ nhiều năm qua.

Những tín hiệu của chiến dịch “chỉnh đảng” trên hẳn phải được những quan chức thanh tra như ông Nguyễn Minh Mẫn nắm được và lập tức bắt nhịp. Nhiều quan chức hẳn còn đắc chí vì đã đến thời “trả thù bọn nhà báo.”

Thời của thể chế “tam quyền nhất thể” đang muốn hồi tố những tay nhà báo dám xọc xịa vào vô số vết nhơ ngập ngụa dấu hiệu tham nhũng của các cơ quan này.

“Việt Nam luôn có tự do báo chí” (?)

Nếu kết nối lời lẽ và thái độ xúc phạm báo chí của ông Nguyễn Minh Mẫn với sự việc hàng loạt báo quốc doanh bị công an đánh đập trong thời gian gần đây ở Ðắc Lắc, Hà Nội,… hẳn nhiều người nhận ra thân phận của “quyền lực thứ tư” mang đậm dấu ấn con sâu cái kiến như thế nào, trong bối cảnh mà các cơ quan quản lý chủ chốt như Bộ Thông Tin và Truyền Thông, Hội Nhà Báo Việt Nam và tất nhiên một cơ quan mang tính định hướng là Ban Tuyên Giáo Trung Ương hầu như câm lặng trước các vụ nhà báo nhà nước bị công an hành hung.

Sự nín lặng trên còn có thể được hiểu như một động tác che đỡ gián tiếp để lực lượng kiêu binh “còn đảng còn mình” thoải mái đe dọa và tấn công “quyền lực thứ tư.”

Nhưng vẫn chưa phải hết. Các cơ quan nghiệp vụ của ngành công an, đặc biệt là khối an ninh tư tưởng văn hóa thừa biết rằng những cơ quan quản lý báo chí còn a dua với ngành công an để “siết” báo chí bằng đủ loại chỉ đạo bất thành văn.

Hàng tuần và hàng tháng, Ban Tuyên Giáo Trung Ương cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông vẫn duy trì các cuộc họp “giao ban báo chí” để “nhắc nhở, lưu ý” các báo, mà về thực chất là yêu cầu các tờ báo không được đăng những vấn đề này hoặc vấn đề kia. Sau đó là các cuộc họp giao ban quản lý báo chí ở một số tỉnh thành quan trọng như Hà Nội, Sài Gòn… với vai trò của áp đặt của Ban Tuyên Giáo tỉnh/Thành Ủy và Sở Thông Tin và Truyền Thông.

Ðã từ rất lâu, những cuộc họp trên đã bất chấp cái gọi là “tự do báo chí” hiển hiện trong Hiến Pháp năm 1992 và 2013.

Cách đây mấy năm trở về trước, những cuộc họp giao ban trên được kết thúc bằng một bản thông báo khá dài của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Nhưng sau cú “scandal” rò rỉ trên mạng xã hội phát ngôn của ông Nguyễn Thế Kỷ, phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cho rằng vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam vào năm 2011 chỉ là “vô ý,” hình thức thông báo bằng văn bản đã được Ban Tuyên Giáo Trung Ương giảm thiểu. Thay vào đó là hình thức nhắn tin chỉ đạo cho các tổng biên tập báo.

Nhưng rồi cũng có một số tin chỉ đạo qua nhắn tin điện thoại bị lộ trên mạng xã hội, chẳng hạn gần đây nhất là vụ Ban Tuyên Giáo Trung Ương nhắn tin không cho các báo đưa tin về dự án Thép Cà Ná của tập đoàn Tôn Hoa Sen, gần đây cơ quan định hướng này đã chuyển sang hình thức thủ công nhất: Cho chuyên viên gọi điện thoại trực tiếp cho từng tổng biên tập để “truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung Ương.”

Việc mô tả những hình thức chỉ đạo trên đã cho thấy não trạng áp đặt báo chí là không hề thay đổi trong giới lãnh đạo Việt Nam. Thái độ cùng lời lẽ xúc phạm báo chí của quan chức thanh tra Nguyễn Minh Mẫn là hoàn toàn logic với não trạng ấy.

Tự khâu miệng và bỏ nghề

Sau cựu trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Ðinh Thế Huynh có vẻ nhu hòa và một đương kim trưởng ban Võ Văn Thưởng chưa bao giờ nói nặng báo chí, ông Trương Minh Tuấn đang trở nên nổi bật về vai trò sắt đá hơn hẳn các đời lãnh đạo tuyên giáo trung ương trước đây. Cũng có thể không quá để cho rằng nếu không có ông Tuấn, nghị quyết “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, dù có hò hét đến đâu, cũng khó mà làm cho báo giới bất trị phải lo sợ.

Khác nhiều những năm trước, tình thế đang tự chuyển hóa khác hẳn. Không khí trong báo giới nhà nước được một số nhà báo mô tả là nơm nớp lo âu, không biết khi nào đến lượt mình bị “trảm.” Một nhà báo than thở: “Tai quái là trước đây còn có thông báo tuần của Ban Tuyên Giáo Trung Ương ghi rõ không cho đăng chuyện này chuyện nọ, còn lúc này họ khôn hơn, không ra thông báo bằng văn bản nữa mà chỉ hãn hữu mới nhắn tin, còn lại gọi điện trực tiếp cho các tổng biên tập. Có những việc báo chí không biết có được đăng hay không và nếu đăng thì phải đăng như thế nào, nhưng đến khi đăng thì đám tuyên giáo lập tức kiếm chuyện.”

Tương lai của báo chí nhà nước cũng bởi thế đang trở nên mù mịt, ít ra trong ngắn hạn. Cũng có người tự an ủi: “Thôi cứ để cho Trương Minh Tuấn làm mạnh một thời gian, rồi khi ông ấy vào được Bộ Chính Trị thì chắc sẽ mềm hơn.” Nhưng nói vậy cũng như không, chẳng nhà báo nào có thể đoan chắc là sau khi trở thành trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, một người ngùn ngụt tham vọng chính trị như ông Tuấn có chịu nới tay kiếm hay không.

Khi ông cùng một lúc đã kỷ luật đến 50 tờ báo nhà nước liên quan đến vụ “truyền thông bẩn” đăng tin về nước mắm truyền thống có chứa chất arsen và làm người sản xuất Việt Nam khốn đốn, ông được dư luận đồng tình và cổ vũ. Nhưng không dừng ở đó, ông Tuấn còn muốn làm hơn thế: Vụ “chém” nhà báo Phùng Hiệu là một cách để ra oai và ra tay trấn dẹp những tư tưởng chính trị trái với ý đảng.

Giờ thì đừng có mà mơ màng đến “bất đồng quan điểm.” Thậm chí ngay cả thể hiện một chút chính kiến với một chút khí chất phản biện, không phải trên mặt báo nhà nước mà chỉ trên facebook, các nhà báo nhà nước cũng bị dập thẳng tay.

Ngày cuối năm gặp nhau, vài nhà báo quốc doanh có chút tên tuổi phản biện chép miệng: Ngán đến tận cổ rồi! Nguyên năm 2015 đã chẳng há miệng được. 2016 mới ngáp ngáp đã bị chẹn họng. Còn nhìn tới năm 2017, tất cả cứ như úp sọt. Cứ cái đà này thì có lẽ đến phải tự khâu miệng rồi bỏ nghề.