Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Năm Mười Bảy…

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Năm Mười Bảy. Vụ “sức khỏe lãnh đạo” là lần thứ ba liên đới mật thiết đến bí ẩn cung đình giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, sau vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của cố trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” vào giữa năm 2015.

Hiện tượng thông tin hỗn tạp và ngày càng nhiễu loạn về quan chức lãnh đạo cao cấp lại phát tín hiệu báo trước một sự biến động nào đó đủ lớn trong nội bộ đảng.

“Hưng - Diệt”

Đã biệt tích những nét thuần phác nên thơ, Hà Nội giờ đây chỉ còn là nơi cư trú của chủ nghĩa tư bản dã man và một chảo lửa chính trị sẵn sàng thiêu đốt bất cứ kẻ nào sa chân.

Năm Mười Bảy… Không chỉ ông Đinh Thế Huynh - nhân vật số 2 trong đảng và có thể là quyền lực thứ 5 trong Bộ Chính trị - vắng bóng suốt từ đầu năm 2017 đến giờ, mà cả ông Trần Đại Quang - nhân vật số 2 trong Bộ Chính trị - cũng vắng mặt một cách đầy khó hiểu và khó nghĩ từ cuối tháng Bảy đến nay…

Một ít hạt sương buổi sớm còn đọng lại đang bị thay thế cấp tốc bởi những gì mà dân gian truyền tụng về quy luật “Sinh Lão Bệnh Tử” cho đời người và “Hưng - Diệt” của các triều đại bắt buộc phải đóng lại cứ mỗi khi lịch sử sang trang.

“Sức khỏe lãnh đạo” - một chủ đề đột ngột bùng phát và gây nghi ngờ lớn trong công luận trong những ngày gần đây - đã gần như chính thức hình thành một cơn “khủng hoảng lãnh đạo” trong nội bộ đảng cầm quyền, nối tiếp một cách đầy “linh cảm” từ hai cơn khủng hoảng ngay trước đó là “khủng hoảng Đồng Tâm” và “khủng hoảng Việt - Đức”.

Khủng hoảng năm Mười Bảy

Chỉ có thể so sánh năm 2017 với hai giai đoạn biến động lớn về nội trị là những năm 1985 - 1986 với cơn bão giá - lương - tiền khi lạm phát phi mã đến gần 700% khiến xã hội và đời sống người dân khốn đốn, và giai đoạn 1990 - 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ đã tạo hiệu ứng một trận sóng cồn đòi dân chủ và đa nguyên trong đời sống chính trị Việt Nam.

Nhưng khác với hai giai đoạn trên, những cơn khủng hoảng đất đai và nội bộ đảng chỉ xuất hiện trong những năm gần đây và đang hoan ca với nhau lên đỉnh cao trào.

Vào giai đoạn những năm 2005 - 2008 khi làn sóng khiếu kiện tố cáo về đất đai bùng nổ, tỷ lệ đơn thư khiếu nại tố cáo về đất đai đã chiếm đến 70% hoặc hơn trong tổng số đơn thư mà người dân gửi đến các cơ quan công quyền. Nhưng trong vài năm gần đây, tỷ lệ đó đã vọt đến 95%, quá đỗi xứng đáng để vấn đề đất đai trở thành một cuộc khủng hoảng cực lớn trong hiện tại và tương lai gần, nhất là khi “đảng và nhà nước ta” vẫn khư khư ôm giữ bản hiến pháp về “sở hữu đất đai toàn dân” mà không hề có ý định công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai cho tuyệt đại đa số dân chúng.

5 năm trước, vụ Đoàn Văn Vươn và gia đình dùng mìn và súng tự tạo chống đoàn cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã được xem là ghê gớm về mức độ phản kháng của người dân đối với chính quyền. Nhưng vào năm Mười Bảy, “khủng hoảng Đồng Tâm” đã vượt trên tất cả những hành động phản kháng trong quá khứ để trở thành một sự đối đầu, đối kháng sinh tử không chỉ giữa cá nhân với nhà cầm quyền mà là bởi một tập thể đông đảo người dân mất đất với chế độ toàn trị.

2017 cũng là năm đang biến diễn dày đặc nhất những cuộc khủng hoảng đa dạng và hơn tất cả những năm trước, cuộc khủng hoảng nào cũng như thể đóng dấu “Vong Diệt” cho đoạn cuối của một triều đại.

Điều đáng mỉa mai là không bao lâu sau khi Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam hãnh diện tổng kết về những thắng lợi trong thời kỳ “ngoại giao đa phương hóa”, hệ thống tuyên giáo và các tờ báo đảng tiếp tục tô hồng cho thành tích chưa từng có của Việt Nam trên trường quốc tế, trong khi dư chấn của trận động đất mang tên Đồng Tâm còn rung bần bật, cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đã nổ ra ở một chiều kích khó ngờ: bắt cóc.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng Đức - Việt rất có thể là căn bệnh báo cáo quá thiên về thành tích và tầm - tâm dự báo phản ứng đang chìm sâu tận đáy của các cơ quan ngoại giao, an ninh và tình báo Việt Nam. Ba tháng sau “khủng hoảng Đồng Tâm” mà nói theo tục ngữ dân gian “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, não trạng của hệ thống “thi hành công vụ” Việt Nam vẫn như đồng hóa hành động đàn áp dân chúng trong nước với bắt cóc ở nước ngoài làm một. Não trạng đó, cộng với tâm lý xu nịnh bợ đỡ đã ăn sâu vào cốt tủy từ dưới lên trên, hẳn đã khiến không thể toát ra một báo cáo nào dự báo phía Đức sẽ phản ứng mạnh sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” mà có thể kéo theo cả một hệ thống các nước châu Âu quay lưng với “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Rồi cứ như một thứ “điềm”, những cuộc khủng hoảng lại nối đuôi nhau cùng lao tới cơn “khủng hoảng lãnh đạo”.

Nhưng “khủng hoảng lãnh đạo” vẫn chỉ là một cụm từ thuần túy chính trị học. Không ít dư luận từ lâu nay đã gọi thẳng tên của nó: khủng hoảng nội bộ đảng.

Nơi chính trường bình yên trong ác mộng

Mầm mống rõ nhất của cơn “khủng hoảng nội bộ đảng” đã hiện ra từ năm 2012 với “nước mắt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rơi vào lịch sử” - như một bợ đỡ vừa ẩn dụ vừa lộ liễu của một người bị nhiều dư luận xem là “bút nô của đảng” khi đề cập lại cuộc chiến với Nguyễn Tấn Dũng.

Hai năm sau đó, lần đầu tiên xã hội Việt Nam được chứng kiến một cái chết “công khai”: Nguyễn Bá Thanh. Quá nhiều nghi ngờ của dư luận về thực chất cái chết của ông Thanh.

Nhưng Nguyễn Bá Thanh khi đó mới chỉ là ủy viên trung ương. Còn vấn đề “sức khỏe lãnh đạo” đang bị quá nhiều dư luận nghi vấn và đồn đãi về giai đoạn tận cùng của nó đã lên đến cấp ủy viên bộ chính trị. Không những thế, cả hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang còn được xem là những ứng cử viên cho chức tổng bí thư đảng vào kỳ lúc nào ông Nguyễn Phú Trọng quyết định “hạ cánh”.

Năm Mười Bảy. Vụ “sức khỏe lãnh đạo” là lần thứ ba liên đới mật thiết đến bí ẩn cung đình giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, sau vụ “tau khỏe mà, có chi mô” của cố trưởng ban nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào cuối năm 2014 và vụ “tướng chữa bệnh Phùng Quang Thanh” vào giữa năm 2015.

Hiện tượng thông tin hỗn tạp và ngày càng nhiễu loạn về quan chức lãnh đạo cao cấp lại phát tín hiệu báo trước một sự biến động nào đó đủ lớn trong nội bộ đảng.

Vào cuối năm 2014, quá trình truy tìm sự thật về căn bệnh ung thư của ông Nguyễn Bá Thanh đã dẫn đến một cuộc chạy đua dữ dằn cùng kết cuộc Hội nghị trung ương 10 về “bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm tổng bí thư” với kết quả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đầu bảng.

Giữa năm 2015, vụ Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh “mất tích tại Paris” đã mở màn cho một cuộc chiến quyền khốc khốc liệt trong đảng, kéo dài đến tận khi kết thúc Đại hội 12 của đảng cầm quyền với sự ra đi của ông Nguyễn Tấn Dũng và chiến thắng tuyệt đối của ông Nguyễn Phú Trọng.

Năm Mười Bảy…

Sẽ còn những ai nữa bất an về sức khỏe và bất định về tâm thần?

Bất chợt hồi tưởng về Yuri Andropov và Konstantin Chernenko - những nhà lãnh đạo đã quá cố trước khi Liên Xô tan rã…

Tiếp sau các cuộc khủng hoảng Đồng Tâm và ngoại giao Đức - Việt, hiện tượng “sức khỏe lãnh đạo” - đang dần tròn trịa cái cơ thiên “Sinh Lão Bệnh Tử” - có thể khiến luồng vận động chính trường Việt Nam lao đến những biến động nào?

Hay con sóng dữ nào - nơi chính trường bình yên trong ác mộng…