Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Đổ vỡ Việt - Đức: Nguyễn Phú Trọng có ‘vô can’?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Đêm 22 tháng Chín năm 2017 có thể lại là một đêm dài tê tái trong cơn mất ngủ mãn tính của giới chóp bu Việt Nam, sau đêm đầu cuống cuồng vì bị người Đức phát hiện âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hai tháng trước.

Lại một đêm mất ngủ

Rốt cuộc, quan điểm “trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội” của não trạng quan chức Việt đã phải trả giá đắt, quá đắt. Người Đức còn trừng phạt hơn nhiều so với những đầu óc tưởng tượng nông cạn như chỉ đến mức trục xuất nhân viên ngoại giao: tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Động thái bất ngờ trên có thể ví như một cơn động đất chính trị ngay tại Hà Nội.

Cơn động đất này lại thình lình hiện ra chỉ vài tuần trước thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền tại Việt Nam - một kỳ họp Ban chấp hành trung ương được cho rằng mang mục tiêu “thanh trừng” đối với một số quan chức cao cấp mà ông Nguyễn Phú Trọng liệt vào dạng “chống tham nhũng thời kỳ trước”.

Trong vòng một chục năm qua, chính thể cộng sản Việt Nam luôn tự hào đã ký được đến một chục thỏa thuận đối tác chiến lược với một chục quốc gia. Đối tác chiến lược Việt - Đức là thỏa thuận đầu tiên bị hủy bỏ giữa chừng, và cho dù mới chỉ mang tính “tạm thời” nhưng ai cũng hiểu cơ sự còn có thể khốn khổ hơn nữa trong thời gian tới.

Mộng du duy ý chí

Vài tuần sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đức- Việt, đã xuất hiện những ý kiến bên lề nội bộ đảng ở Việt Nam về khả năng “xét cho cùng thì Đức cũng còn nhiều cái lợi trong quan hệ với Việt Nam. Do đó rất ít khả năng Đức sẽ làm căng với Việt Nam, mà chỉ cần Việt Nam uyển chuyển khôn khéo, tiến hành đàm phán với Đức và có thể nhân nhượng một vài vấn đề gì đó về thương mại thì câu chuyện Trịnh Xuân Thanh sẽ chìm dần theo thời gian. Đến cuối năm nay hoặc sang năm 2018 thì quan hệ giữa Việt Nam và Đức sẽ bình thường trở lại…”.

Nhưng rốt cuộc, dự báo với não trạng một chiều trên đã phá sản. Cũng như đã cơ bản phá sản những dự báo của các cơ quan ngoại giao, công an về tính hậu quả có thể nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị người Đức phát hiện và làm rùm beng. Nguyên nhân chủ yếu của dự báo sai lầm là căn bệnh thành tích trầm kha trong nội bộ đảng, cùng não trạng vào thói quen thiên về báo cáo thành tựu trong khi làm giảm bớt rủi ro và tính hậu quả. Có thể, phía Việt Nam đã đặc biệt duy ý chí để tự tin đưa ra giả thiết là nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị lôi ra ánh sáng, chính phủ Đức cùng lắm cũng chỉ gửi công hàm phản đối và việc này có thể làm chậm lại tiến trình viện trợ 260 triệu euro năm 2017 - 2018 của Đức cho Việt Nam…

Và có thể đó chính là lý do để mật vụ Việt Nam, được đôn đốc chỉ đạo từ một cấp rất cao, đã vừa quá vội vàng lại vừa tự tin đến mức còn không thèm quan tâm chuyện xóa những vết máu cùng tang vật là bình xịt hơi cay trên chiếc xe hơi được thuê từ Séc để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Dự báo sai về quá khứ lại là cơ sở của sai dự báo thời hiện tại. Dàn tham mưu của Nguyễn Phú Trọng quá tệ!

“Không có gì phải vội vàng cả”

Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức có thể tiến tới chính sách tạm cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong một tương lai không xa, nếu Hà Nội vẫn không có bất kỳ một lời xin lỗi nào về vụ mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 20167, không chịu xin lỗi và cũng chẳng chịu cam kết “sẽ không tái phạm”…

Giờ đây, có lẽ nhiều người cần nhớ lại thái độ và cách biểu cảm của người Đức vào đầu tháng 8/2017 sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố về vụ Trịnh Xuân Thanh. Sau yêu cầu “phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý”, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer đã khẳng định: “Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển."

Toàn bộ nội hàm “chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển” lại chính là nội dung của quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt.

Người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đó còn là từ ngữ “bội tín”. Cái từ thiên về bản chất dưới đáy của chính trị này lại càng khiến công luận xã hội ở Việt Nam không thể nào quên được nhân vật ủy viên trung ương đảng, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối xử với người dân Đồng Tâm ra sao - ký sống, lăn tay điềm chỉ nhưng sau đó xổ toẹt tất cả.

“Không có gì phải vội vàng cả” - cũng cần nhớ lại cụm từ này với mọi hàm ý của nó.

Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, đã có một buổi Họp báo Liên bang ngày 9/8/2017. Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang, Bà Ulrike Demmer và Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ông Schäfer đã trả lời các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ Đức - Việt, trong đó có nội dung: “Tuy nhiên, khi vụ việc như vậy xảy ra thì chắc chắn ở đâu đó còn thiếu sự tôn trọng và lưu tâm. Vì vậy, như đã nói, chúng tôi không thể để vụ việc dừng lại tại đây. Chúng tôi sẽ bình tĩnh phân tích. Không có gì phải vội vàng cả. Chúng tôi sẽ cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng rồi sau đó sẽ thông tin tới các đối tác Việt Nam của chúng tôi”.

Một số ý kiến cho rằng câu “Không có gì phải vội vàng cả” có vẻ dư thừa hoặc không rõ nghĩa. Nhưng một số ý kiến khác lại suy ngẫm về câu nói này với một ẩn ý rõ rệt nào đó.

Cuối cùng, người Đức đã hành động!

Một hành động thích đáng và không hề cho thấy “Đức cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Đức” như một lối tuyên truyền của giới dư luận viên tuyên giáo và công an Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng có “vô can”?

Tình hình giờ đây như thể bãi hoang địa sau cơn động đất phạm vi rộng. Nếu sau bản tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức vào đầu tháng 8/2017, nguy cơ tan vỡ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là lớn chưa từng có, thì nay là cả tương lai sụp đổ của Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.

Tương lai ấy lại “ăn” cả vào đời sống của hơn chín chục triệu người dân Việt - hầu như không khác ấy cảnh đám quan lại “ăn của dân không chừa thứ gì”. Giới quan chức Bộ chính trị và các ủy viên trung ương đảng no mập có thể chẳng mấy quan tâm đến số phận của EVFTA, nhưng nếu không có hiệp định này, doanh nghiệp Việt sẽ càng bế tắc đầu ra xuất khẩu, còn người sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng triệu nông dân, có thể sẽ phải chuyển bữa ăn từ cơm sang cháo.

Những cơ quan nào và những ai trong nội bộ đảng phải chịu trách nhiệm về hai cú tan vỡ và sụp đổ trên?

Hậu quả đã khủng khiếp đến mức ngang bằng với tội “phá hoại”. Phải có ít nhất một ai đó, một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Với tư cách là người đứng đầu đảng, người từng chỉ đạo “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh” và có thể là người hưởng lợi nhất trong cuộc chiến phe phái khi nắm giữ được Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Phú Trọng có “vô can” khi để xảy ra những hậu quả khủng khiếp trong quan hệ Việt - Đức?