VOA - Chỉ mất 5 năm phát động chiến dịch “chống tham nhũng” từ năm 2012 ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã không chỉ trở thành chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, trở thành một cách thực chất chứ không phải dựa vào hơi hám của chủ nghĩa hình thức, mà còn được ghi tên mình vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội 19 với “tư tưởng Tập” - sánh ngang với “tư tưởng Mao” của hơn nửa thế kỷ trước.
Từ “chống tham nhũng” đến tập quyền
Cùng thời gian đó, “người em” Nguyễn Phú Trọng dù có thâm niên làm tổng bí thư đảng hơn Tập Cận Bình cả năm trời, cũng không ít lần rụt rè khẽ khàng phát ngôn về “chống tham nhũng”, nhưng phải đến giữa năm 2016 mới chính thức phát động chủ trương “việc cần làm ngay” - được hiểu như một cách lặp lại chiến thuật của Nguyễn Văn Linh khi ông Linh còn là tổng bí thư đảng vào năm 1986, để “việc cần làm ngay” là một trong những động tác chính trị nhằm hỗ trợ cho chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng…, lại đã chưa “làm nên cơm cháo” gì, cho dù ông Trọng đã nắm được vai trò Bí thư quân ủy trung ương từ trước và sau đại hội 12 của đảng CSVN vào đầu năm 2016 và thậm chí còn “tự cơ cấu” vào Đảng ủy công an trung ương vào cuối năm đó.
Ở Trung Quốc, mặc dù mục đích thật sự của Tập Cận Bình là hoặc chống tham nhũng, hoặc thanh trừng phe phái hay tập quyền cá nhân, hoặc cả hai hay ba mục tiêu này vẫn nằm trong diện tranh cãi của giới phân tích chính trị cho tới nay, nhưng dù gì sau 5 năm thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã đạt được kết quả kỷ luật hơn 1 triệu quan chức vi phạm.
Trong khi đó, thành tích “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng đã ấn tượng đến mức cho đến tận cuối năm 2016, các cơ quan tư pháp Việt Nam vẫn “chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong số hơn 1 triệu công chức kê khai tài sản”.
Quá khó để so sánh thành tích vừa chống tham nhũng vừa thanh lọc nội bộ của thể chế Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng chính cái hố phân cách quá lớn ấy lại rất tỷ lệ thuận với khoảng khác biệt về mức độ thực quyền của Tập Cận Bình với Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ có bản lĩnh mới làm nên hình ảnh và quyền lực
Không nên đổ lỗi cho “hoàn cảnh khách quan” khi nhắc đến hố phân cách trên.
Hoàn cảnh chủ quan của Nguyễn Phú Trọng là ông chỉ kém thua Tập Cận Bình ở chỗ chưa nắm được vai trò chủ tịch nước. Tuy nhiên, người ta nhớ rằng khi tiến hành chiến dịch chống tham nhũng và thanh trừng nội bộ mang tính đảo lộn trong 5 năm qua, Tập Cận Bình đã ít khi hiện ra với vai trò chủ tịch nước - một chức danh chỉ thường để tiếp khách quốc tế và công du đối ngoại, mà Tập đã nắm và chi phối được cả Thường vụ Bộ chính trị cùng gần hết các ủy viên bộ chính trị, kể cả một số người thuộc phe của tổng bí thư cũ là Giang Trạch Dân.
Tất nhiên ông Trọng cần đến chức danh chủ tịch nước để có thể chính danh như một nguyên thủ quốc gia, được chính thức gặp gỡ với giới chính khách quốc tế mà không phải dựa vào cuộc vận động “tăng cường quan hệ kênh đảng” như suốt từ năm 2014 đến nay.
Nhưng chỉ có bản lĩnh mới làm nên hình ảnh và quyền lực. Trong khi Tập Cận Bình không chỉ tống những viên tướng lĩnh cao cấp dát vàng trong nhà của công an và quân đội Trung Quốc vào sau chấn song nhà tù mà còn trực tiếp chỉ huy các đại chiến khu với một quyền uy tuyệt đối, Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn quá trầy trật khi chỉ mới “tiếp quản” Bộ Quốc phòng và “tiếp cận” Bộ Công an, dù đại hội 12 “loại Nguyễn Tấn Dũng” đã trôi qua từ lâu.
Đó là một ẩn số rất lớn trong cái phương trình hỗn tạp của chính trị Việt Nam: nếu không nắm được lực lượng vũ trang thì cho dù có trở thành chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng phỏng sẽ làm được gì?
Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình gần đây thậm chí còn dám dùng đến những cụm từ “trị đảng”và “trị quân” mà không lo ngại đó sẽ là một xự xúc phạm mà có thể gây nên phản ứng từ nội bộ đảng hay lực lượng vũ trang.
Còn ở Việt Nam, không thiếu dư luận trong nội bộ càm ràm “đảng một bên, công an một bên”. Một trong những minh họa có tính thuyết phục nhất cho lời càm ràm này là thật chẳng hiểu ra sao ngay sau khi nhà báo Huy Đức bất ngờ đưa tin “Trịnh Xuân Thanh đã về” vào cuối tháng Bảy năm 2017, Bộ trưởng công an Tô Lâm lại có đến hai lần khẳng định như thể thanh minh với báo giới nhà nước là ông ta “không biết gì”. Cho tới lúc này và sau hàng loạt cáo buộc của Nhà nước Đức về “mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin”, cũng chẳng biết Bộ Công an đã có vai trò gì hoặc chẳng có gì cả trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thế còn quân đội?
Dường như trong thực tế, Tổng bí thư Trọng có vẻ “thân” với cánh quân sự hơn là công an. Sau khi viên đại tướng thứ trưởng bộ quốc phòng Đỗ Bá Tỵ bất ngờ được điều sang làm phó cho nữ chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay trước đại hội 12, bộ trưởng quốc phòng mới thay cho “tướng chữa bệnh” Phùng Quang Thanh là Ngô Xuân Lịch có vẻ đã giúp cho ông Trọng được một ít công việc, có được một chút kết quả hơn là bên công an.
Trước đây, Trung Quốc có cơ cấu các quân khu và quân đoàn tương tự như Việt Nam. Nhưng kể từ lúc Tập Cận Bình chỉ đạo lập ra các đại chiến khu, quyền lực của họ Tập đã trở nên thống soái toàn diện. Tình trạng chiến tranh được quyết định bởi chính Tập, tất nhiên có tham khảo với một mức độ vừa phải đối với Quốc hội, Chính hiệp và các cơ quan khác.
Vậy chẳng lẽ Việt Nam cũng cần có “đại chiến khu”?
Vì sao Nguyễn Phú Trọng chưa một lần mặc quân phục?
Có một so sánh thú vị là sau suốt 6 năm trời từ lúc trở thành tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đã chưa từng một lần mặc quân phục để duyệt danh dự hàng quân như cách mà Tập Cận Bình đã làm, cho dù Tập cũng xuất thân từ vị thế một quan chức thư lại như Trọng.
Trong khi đó, tuy xuất thân là sĩ quan công an, vào tháng Mười năm 2017 Trần Đại Quang đã hiện ra với một bề ngoài hoàn toàn khác: chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng phát đi thông cáo báo chí về việc Tổng thống Trump sau khi dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng sẽ đến Hà Nội để có một cuộc gặp chính thức với chủ tịch nước, người ta chợt nhận ra ông Quang trong bộ quân phục rằn ri đến thăm một đơn vị bộ đội ở gần Hà Nội.
Như thể Trần Đại Quang vừa phát đi một tín hiệu dứt khoát, hoặc ít nhất cũng mong muốn như thế, về hình ảnh và quyền lực của mình.
Không hiểu vô tình hay hữu ý, khẩu khí “chống tham nhũng” của ông Nguyễn Phú Trọng lại bất ngờ dịu hẳn vào thời điểm trên. Cũng không biết có phải ngẫu nhiên hay không, Ủy ban Kiểm tra trung ương của người mới được bổ sung làm “thành viên thường trực ban bí thư” là Trần Quốc Vượng, từng được ông Trọng khen “làm việc gì ra việc nấy”, đã lắng bặt trong chiến dịch “kiểm tra tài sản 1000 quan chức” dù chỉ mới phát ngôn mà chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về phát động thực hiện.
Vậy làm sao để Trần Quốc Vượng có thể trở nên “Vương Kỳ Sơn Việt Nam”?
“Làm việc gì ra việc nấy”?
Sau công an, Ủy ban Kiểm tra trung ương chiếm vai trò then chốt trong chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng. Nhưng trong tình cảnh hiện thời khi mối quan hệ giữa bên đảng với công an ở Việt Nam chưa ngọt ngào như những gì mà Tập Cận Bình đã tập quyền ở Trung Quốc, người ta thấy vai trò nổi bật nhất trong thời gian qua chính là Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Từ năm 2015 đến nay, đã có vài lần Tổng bí thư Trọng cùng Ủy ban Kiểm tra trung ương sang Bắc Kinh để “học tập”. Khi đó, Vương Kỳ Sơn đã trở nên quá nổi tiếng ở Trung Quốc, không chỉ với vai trò được xem “thực chất là số 2 sau Tập”, mà còn bởi ông trở thành quán quân về chính khách có số lần nhiều nhất bị mưu toan ám sát.
Cứng rắn, lạnh lùng, ít nói và có lẽ không thiếu tàn nhẫn, Vương Kỳ Sơn đã thực sự trở thành thanh kiếm lẫn lá chắn bảo vệ cho Tập Cận Bình và cho chế độ độc đảng độc trị ở Trung Quốc, cho dù ông ta phải nghỉ hưu tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng cho tới giờ, Trần Quốc Vượng ở Việt Nam lại chưa có gì chứng tỏ ông có thể làm được như Vương Kỳ Sơn, hoặc chí ít cũng trở thành “học trò” của họ Vương.
Dù phong trào “chống tham nhũng” đã trôi qua hơn một năm, vẫn chẳng có tin tức nào, dù chỉ ở mức đồn đoán, cho thấy Trần Quốc Vượng có nguy cơ bị ám sát.
Kể cả sắp tới đây, nếu Ủy ban Kiểm tra trung ương được “kiêm” cả bộ máy và chức danh cao nhất của Thanh tra chính phủ trong chủ trương “nhất thể hóa” của Tổng bí thư Trọng, cũng chẳng có gì bảo đảm là Trần Quốc Vượng sẽ trở nên một nhân vật “làm việc gì ra việc nấy”, ngoài việc lãnh nhiệm cái ghế của Thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh đổ bệnh mãi không chịu khỏi.
Ba năm hay ngắn hơn?
Vai trò, vị thế và tương lai chính trị của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế khá chông chênh.
Nếu không tính đến sự kiện đại hội giữa nhiệm kỳ vào khoảng giữa năm 2018 mà ông Trọng có thể sẽ phải đối diện với một lực lượng nội bộ muốn “Trọng nghỉ”, ông chỉ còn khoảng ba năm cho một núi việc cùng ưu tư “làm sao để lại dấu ấn sử xanh”, nhất là khi gần đây chợt hiện ra vài tác giả thuộc hàng ngũ “người Bắc có lý luận” đã xướng danh Nguyễn Phú Trọng theo cách chưa từng có: “Sỹ phu Bắc Hà”, “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và cả “Minh quân”.
Ba năm là một thời gian có thể tạm đủ cho những cái đầu và cánh tay như Tập Cận Bình, nhưng lại là quá ngắn hoặc bất khả đối với những người mà từ sáu năm qua vẫn ngắn ngủn về chiều dài thành tích, dù chỉ trên phương diện tập quyền cá nhân mà chưa nói gì đến việc “lo cho dân cho nước”.