Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Lần thứ ba Tổng Trọng ‘gặp’ Thanh: Chuyện gì sẽ xảy ra?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Dù không muốn duy tâm, nhưng vẫn có một cái gì đó thật bất xứng giữa đường đi của Nguyễn Phú Trọng và Trịnh Xuân Thanh, kể từ khi hai con người này “hội ngộ”.

Còn nếu tham chiếu ở góc độ cung mệnh, chắc hẳn sẽ có ai đó cho rằng phải ẩn lộ một sự khắc nhau ghê gớm giữa mệnh của Nguyễn Phú Trọng và của Trịnh Xuân Thanh.

Khắc nhau đến độ chỉ mới lần đầu tiên xảy ra xung đột, giữa hai người trên đã trở thành kẻ thù không đội trời chung.

Và khắc nhau đến mức cứ mỗi lần Tổng Trọng tìm cách ra tay “siết” Trịnh Xuân Thanh thì y như rằng lại xảy ra một hậu quả từ đủ lớn đến dữ dội.

Hai lần trước…

Lần đầu tiên, tháng Sáu năm 2016. Khi đó, Tổng Trọng vẫn còn mang dư vị của thắng lợi giòn giã tại đại hội 12. Vòng hào quang trên đầu ông chói lọi đến nỗi ông đã manh nha trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai”, hòng tái hiện câu chuyện “những việc cần làm ngay” của vị cố tổng bí thư này.

Lần đầu tiên “gặp Thanh”, và cũng là lần đầu tiên ông Trọng bất ngờ khởi xướng chủ trương “việc cần làm ngay” của ông bằng “con cá” đầu tiên - Trịnh Xuân Thanh.

Nhưng lỗ hổng lớn nhất của Tổng Trọng là khi tung ra chiến dịch truy buộc Trịnh Xuân Thanh bằng vụ xe Lexus ở Hậu Giang cùng khoản lỗ hơn 3.200 tỷ đồng thời Thanh còn là tổng giám đốc ở Công ty PVC, ông Trọng đã “quên” không đóng cửa biên giới đường bộ, đường thủy và đường không. Hậu quả là không chỉ Trịnh Xuân Thanh biến mất chỉ vài tháng sau đó, mà vụ biến mất này chắc chắn đã được giúp sức bởi một thế lực đủ mạnh và đủ “biện pháp nghiệp vụ” để cho tới nay, bất chấp nhiều bức bối cùng chỉ trích của cán bộ và tướng lĩnh lão thành, vẫn chẳng có một manh mối nào về việc ai và thế lực nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào tẩu khỏi Việt Nam ngay trước mũi tổng bí thư.

Ngay cả sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” theo cáo buộc của nhà nước Đức vào tháng Tám năm 2017, từ đó đến nay vẫn không một cơ quan có trách nhiệm nào, từ Bộ Công an đến Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng, và cả Ủy ban Kiểm tra trung ương hay Ban Nội chính trung ương hé ra một chi tiết nào về lực lượng chính trị giấu mặt đã giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn.

Hơn ai hết, Tổng bí thư Trọng muốn biết lực lượng đó là những ai.

Bởi thế lực giấu mặt trên không chỉ mang ý nghĩa nhỏ bé như một hành động chọc tức và khiêu khích đối với Tổng Trọng, mà lớn lao hơn thế nhiều, có thể trở thành một loại đối trọng chính trị theo đúng nghĩa đen của từ điển chính trị học, trở thành tương lai ám ảnh đối với tương lai chính trị có thể còn kéo dài đến ít ra cuối đại hội 12 của tổng bí thư hiện tại.

Nhưng hoặc ông Trọng đã không thể biết được cho dù Trịnh Xuân Thanh đã khai sạch sẽ, hoặc có biết cũng đành “ngậm đắng nuốt cay”. Tình thế hiện thời là sau “ruồi Thanh”, Tổng Trọng vẫn phải đối mặt với một đối thủ chính trị ngầm ẩn và nguy hiểm mà có thể sẵn sàng làm ông thất bại cục bộ hoặc thậm chí hất ông khỏi ghế tổng bí thư vào một lúc nào đó.

Lần thứ hai Tổng Trọng “gặp” Trịnh Xuân Thanh, tháng Bảy năm 2017 - khoảnh khắc định mệnh. Chẳng hiểu từ đâu và do duyên cớ nào, người Đức lại phát hiện ra Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Đức không phải một cách tự do mà bị mật vụ Việt Nam cưỡng bức. Vậy là phát sinh cuộc khủng hoảng “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, kéo theo di chứng khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt cho tới nay.

Nhiều dư luận cho rằng Tổng bí thư Trọng - người đã phát lệnh “bằng mọi cách tìm bắt Trịnh Xuân Thanh về nước quy án” - là nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất trong cuộc khủng hoảng Đức- Việt.

Nhưng hậu quả của lần thứ hai này mới chấn động làm sao! Không ai ngờ là chẳng bao lâu sau tuyên bố phản đối, người Đức đã thẳng tay tạm thời đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam - một mức độ trừng phạt thuộc loại cao nhất. Chưa kể đến việc Đức trục xuất một loạt quan chức ngoại giao của Việt Nam và hủy luôn hiệp định giữa hai nước về miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công cán ở Đức.

Chưa hết, hậu quả cuộc khủng hoảng Đức - Việt có thể còn lan rộng cả châu Âu, mà bằng chứng ngay trước mắt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đang trở nên xương xẩu hơn rất nhiều so với cách đây chỉ nửa năm.

Lần thứ ba?

Còn bây giờ là lần thứ ba hai người “hội ngộ”. Những ngày cuối tháng 11/2017, Tổng Trọng phát lệnh cho Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương khẩn trương đưa vụ Trịnh Xuân Thanh ra tòa. Phiên tòa này còn được ông Trọng khẳng định là sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2018.

Thái độ của ông Trọng vẫn cho thấy một sự tự tin chừng mực. Ông vẫn có vẻ quyết tâm “tử hình” Trịnh Xuân Thanh và chẳng quan tâm lắm đến đòi hỏi của phía Đức về câu chuyện Việt Nam phải xin lỗi vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và cam kết “không tái phạm”.

Lần thứ ba… Chuyện gì, hay hậu quả nào sẽ xảy ra?

Đã đành rằng cung mệnh của hai ông Thanh và Trọng có thể khắc nhau quyết liệt, nhưng không biết ông Trọng có tin vào quy luật siêu nhiên ấy…

Từ trước tới nay, trong khi thiên hạ ồn ào về chuyện dàn ủy viên bộ chính trị đi xem bói toán tử vi như đi chợ và có cả một ngôi chùa Bái Đính đồ sộ tiền bạc cùng nghi ngút khói hương ở Ninh Bình, thì lại không có mấy đồn đoán về việc Tổng Trọng duy tâm. Có lẽ xác tín của ông Trọng vẫn là chủ nghĩa Mác - Lê…

Nhưng hai lần “hội ngộ” trước giữa ông Trọng và ông Thanh đã thành tiền lệ, để nếu lần thứ ba không được quyết định bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng của Tổng Trọng thì rất có thể sẽ ứng với cái “dớp” của hai lần trước.

Khi đó, nếu có gì xảy ra, một cái gì đó có thể cũng đủ lớn hoặc ghê gớm không kém thua hai lần “gặp nhau” trước, chắc phải là cuộc khủng hoảng mang tên “Nội bộ”, thậm chí mang tính quyết định cho số phận chính trị “ở”, “về” hay “đi đâu khác” của ông Trọng.

Và phải chăng số phận chính thể độc đảng ở Việt Nam - cái đảng đã cầm quyền quá lâu đến rệu mục này - được châm ngòi bởi vận số “Tam Thanh” - Nguyễn Bá Thanh năm 2014, Phùng Quang Thanh năm 2015, Trịnh Xuân Thanh năm 2017?