Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Thu ngân sách 2018 sẽ thảm hại hơn 2017?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Khác hẳn với bầu không khí tuyên truyền “thu ngân sách thắng lợi” vào các năm trước, đã qua tháng Giêng năm 2018 nhưng gần như toàn bộ hệ thống báo đảng vẫn nín lặng mà không tán dương trước bản tổng kết thu ngân sách Việt Nam năm 2017, cho dù số thu được báo cáo tăng 2,3% so với dự toán đầu năm 2017.

Vì sao vào lần này đảng lại tỏ thái độ “khiêm nhường” như thế?

Vì sao Bộ Tài chính - cơ quan chuyên “kiến tạo” rất nhiều sắc thuế bổ đầu dân nhằm “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” - khi báo cáo số thu ngân sách nhà nước năm 2017 với tổng thu ước đạt trên 1,283 triệu tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng so với dự toán đầu năm 2017 là 1,212 triệu tỷ đồng, lại “quên” nêu ra thuyết minh vì sao và từ nguồn nào mà thu ngân sách 2017 “bỗng dưng” tăng vọt như thế?

Có thể tham khảo: cho đến ngày 15/12/2017, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm chỉ đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 91,1% dự toán năm 2017. Với đà thu èo uột như thế, hầu như chắc chắn chế độ bị nhiều người dân xem là “bóc lột dân ta đến tận xương tủy” sẽ không thể đạt được kết quả “thu vượt dự toán” gần 10% theo kế hoạch đề ra, thậm chí chỉ tiêu gần nhất là thu vượt dự toán 2,3% cũng hoàn toàn bị phá sản.

Hẳn đã phải phát sinh một nguồn tiền mới để bù đắp cho lỗ hổng lên đến 9% của dự toán thu ngân sách. Tiền nào?

Bán Sabeco!

Kết quả thu ngân sách trở nên khả quan bất ngờ đã lý giải một động thái xảy ra trước đó mà đã bị dư luận nghi ngờ: tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017, bất chấp tình trạng hụt thu ngân sách chưa từng có vào thời điểm đó, Quốc hội vẫn mạnh tay dự toán chi ngân sách năm 2018 lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Sang tháng 12/2017, Chính phủ bất ngờ công bố thương vụ bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, đồng thời được hệ thống tuyên giáo đảng và báo chí nhà nước đồng thanh hoan ca rằng đó là một thành tích “ngoài mong đợi”. Sau đó, Ủy ban thường vụ quốc hội đưa vụ bán Sabeco vào chương trình nghị sự của mình và lên kế hoạch “chia chác” cho các phần đầu tư phát triển và chi thường xuyên (chủ yếu chi trả lương cho công chức viên chức).

Tinh thần và hành động đầy tự tin trên của Quốc hội hẳn đã được phía chính phủ “bắn tin” trước đó từ “điệp vụ” bán vốn Sabeco được 5 tỷ USD, và do đó giúp các cơ quan này tạm thời bớt lo lắng việc tìm đâu ra tiền để chi trả lương cho đội ngũ công chức viên chức gần 3 triệu người mà trong đó có đến 30% bị dư luận xã hội xem là “không làm gì gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương”.

Như vậy, rất nhiều khả năng “điệp vụ” bán Sabeco đã khiến kết quả thu ngân sách tăng đột biến và mang lại thành tích lớn cho “chính phủ kiến tạo” của ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn cho cá nhân ông ta.

Nhưng nếu không tính đến phần bán vốn Sabeco thì kết quả thu ngân sách năm 2017 ra sao?

Phép trừ đơn giản nhất cho thấy kết quả thu nhân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017, nếu không tính đến 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco.

Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.

Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách “bán mình” tại một số tập đoàn được xem là “bò sữa” luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.

Đè dân thu thuế

Bất chấp rất nhiều phản ứng của người dân, doanh nghiệp, giới chuyên gia trong thời gian qua về âm mưu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12%, điều quái gở và cực kỳ tàn nhẫn là Bộ Tài Chính vẫn khăng khăng bảo lưu đề xuất này.

Ngay trước mưu đồ tăng thuế VAT, Bộ Tài Chính đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.

Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.

Trong khi đó, các nhóm lợi ích xăng dầu, điện lực, BOT… tiếp tục “dây máu ăn phần” bằng các chiến dịch tăng giá bất tận và mượn chính sách cùng sự “bảo kê” của giới quan chức chính phủ để “đè đầu cưỡi cổ” dân chúng.

Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.

Xã hội cùng dân chúng đang lâm vào cảnh thảm thương đọa đày - chẳng khác gì bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp: “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy.”

Phản ánh từ nhiều người dân ở các tỉnh đói nghèo ấy đều cho biết: “Túi chẳng còn gì để nộp thuế nữa. Nếu nhà nước cứ tróc nã thì dân chỉ còn cách hoặc trốn đóng hoặc phản ứng tự vệ thôi.”

Cũng khác hẳn với nhiều năm trước, năm 2017 chứng kiến không chỉ phần thu từ dân bị giảm mà thu từ khối doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước cũng giảm mạnh, cho thấy quả thực “sức dân và doanh nghiệp đã cạn”.

Rất có thể lo sợ sức phản ứng khôn lường của người dân và doanh nghiệp đối với sưu cao thuế nặng, chính phủ “kiến tạo” của ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải tính một phương án bổ sung: “bán mình”.

“Bán mình”!

Đã đến nước này, không còn cách nào khác, phải bán, bán và bán.

“Cái khó ló cái khôn” - ông bà đã dạy. Rõ là ông Phúc “ló cái khôn” khi nhận ra rằng rút tiền từ cổ phần nhà nước trong các doanh nghiệp lớn là chóng vánh và thuận lợi nhất.

Từ tháng 8/2016, Thủ tướng Phúc đã phải chỉ đạo tiếp tục bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp khủng như Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) và bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 doanh nghiệp như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Tổng công ty CP Bảo Minh, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia VN, Công ty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP viễn thông FPT…

Nhưng sau khi bán sạch những cổ phần ngon ăn và màu mỡ nhất tại các doanh nghiệp, chính quyền Việt Nam sẽ còn gì để bán?

Nhiều chuyên gia gần gũi nhà nước cũng tình thật về tình trạng cạn kiệt nguồn lực ở Việt Nam.

Đã có một giải đáp cho ẩn số trong phương trình “chính phủ sẽ bán đến khi nào?”: tại kỳ họp quốc hội tháng 10 -11 năm 2017, một quan chức trong Ủy ban ngân sách quốc hội đã tán thán rằng “Cứ bán như thế này thì đến nhiệm kỳ sau chẳng còn gì để bán nữa!”.

“Nhiệm kỳ sau” là vào khoảng năm 2021. Nhưng một số chuyên gia nhà nước đã ước tính rằng với đà bán doanh nghiệp nhà nước như hiện thời, “deadline” sẽ co ngắn lại, có thể vào năm 2019 hoặc 2020.

Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng bởi thế đang phải đối mặt với một tương lai cực kỳ nan giải: tìm đâu ra “nguồn lực” để bán vào những năm 2020 và trong vài năm sau đó, để ngân sách không bị vỡ nợ?

Thu ngân sách 2018 sẽ sụt từ 5-7%?

Hiện tượng nín lặng của các bộ ngành và báo đảng trước “thu ngân sách 2017 vượt 2,3% so với sự toán” lại rất tương đồng với một hiện tượng nín khẩu khác: đã qua tháng Giêng năm 2018, nhưng ngoài con số kiều hối khoảng 5,2 tỷ USD về Sài Gòn, Tổng cục Thống kê vẫn hoàn toàn không công bố con số kiều hối toàn quốc như thói quen phô trương thường có trước đây. Trong khi vào những năm trước, đặc biệt vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã ồn ào công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm 2015 còn chưa kết thúc.

Dù tới nay các cơ quan chính quyền Việt Nam vẫn chưa công cố con số kiều hối năm 2017, rất nhiều khả năng con số 9 tỷ USD kiều hối năm 2016 chưa phải “đáy kiều hối” mà đang khiến “đảng và nhà nước ta” thất vọng đến thế nào, đặc biệt trong bối cảnh sức sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế ngày càng thảm hại và Việt Nam hầu như bị các tổ chức tài trợ tín dụng lớn nhất hành tinh đóng cửa cho vay.

Vào giữa năm 2017, Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ đã dự đoán kiều hối về Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.

Còn kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và “bán mình”.