Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Việt Nam ‘treo’ TPP, Trung Quốc có cứu Hà Nội?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Tháng Chín năm 2016, kỷ niệm một năm từ lúc Bộ Công thương hồ hởi loan báo “Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương về TPP”, và tính từ năm 2010 là lúc giới lãnh đạo Việt Nam bắt đầu chiến dịch vận động để được tham gia TPP, lần đầu tiên Bộ Chính trị ngã lòng.

Trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bất thần tuyên bố Việt Nam sẽ căn cứ vào chủ trương của Ban chấp hành Trung ương Đảng và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ khi phê chuẩn hiệp định TPP.

Tuyên bố bất ngờ này hoàn toàn trái ngược với tiết lộ của chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2016 rằng Ủy ban đang tích cực chuẩn bị để Quốc hội bỏ phiếu thông qua TPP, có thể vào cuối năm nay.

Trước đó nữa, không có bất cứ dấu hiệu công khai nào cho thấy Việt Nam trì hoãn việc bỏ phiếu thông qua TPP. Cũng chẳng có dấu hiệu nào từ “Trung ương đảng” chỉ đạo cho Quốc hội phải “thận trọng” đối với tiến trình bỏ phiếu TPP.

Vậy vì sao lại có chuyện “Việt Nam không vội thông qua TPP do bầu cử ở Mỹ”?

Rõ là đã xảy ra một động tác “xét lại”, có thể trong một cuộc họp quan trọng gần đây của Bộ Chính trị, để đưa ra quyết định chỉ đạo cho Quốc hội cần trì hoãn bỏ phiếu đối với TPP.

Hụt hẫng

Vào năm 2015, hiệp định này đã suýt nữa bị lưỡng viện Hoa Kỳ bác bỏ. Sau khi chạy lòng vòng từ Hạ viện sang Thượng viện rồi quay trở lại Hạ viện, người Mỹ đã từng bước nhích tới TPP bằng việc thông qua định chế TPA (quyền đàm phán nhanh giúp cho tổng thống Mỹ có quyền quyết định những vấn đề then chốt trong đàm phán TPP với các quốc gia) với tỷ lệ phiếu thuận/nghịch suýt soát nhau đến nghẹt thở.

Trong khoảng thời gian, giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ không kém thót tim trong quá trình “chuẩn bị tích cực cho chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Cuối cùng thì mọi việc cũng tạm ổn. Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Trọng họp Bộ Chính trị để nghe thông báo về kết quả đàm phán TPP và sau đó được Washington đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia. Triển vọng TPP sáng sủa hơn lúc nào hết để “Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP”.

Đảng cũng vì lẽ đó mà đương nhiên chiếm phần. Kinh tế quyết định chính trị, không có TPP mà do đó không có đầu tư và viện trợ thì có trời mới biết chân đứng chính trị của đảng sẽ ra nông nỗi nào.

Nhưng một năm sau từ tháng 9/2015, những thông tin gần nhất lại cho thấy tình hình TPP là bất lợi cho nhiều quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 7/2016, ứng cử viên Hillary Clinton đã thẳng thừng tuyên bố không ủng hộ TPP vì ba lý do mà TPP không thỏa mãn được: tạo ra việc làm cho người Mỹ, tăng lương cho người lao động Mỹ, và thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.

Sau đó, một bi kịch khác xảy đến: thông tin quốc tế cho biết ứng cử viên Trump cũng không ủng hộ hiệp định thương mại này.

Đây là tình thế hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, vì Mỹ là quốc gia đóng vai trò quyết định trong TPP, và quá khó để tổng thống mới của Mỹ nhanh chóng thông qua hiệp định này, cho dù tổng thống hiện thời là ông Obama vẫn luôn khích lệ thông qua càng sớm càng tốt.

Công cuộc vận động để tham gia vào TPP của chính quyền Việt Nam từ năm 2010 có nguy cơ xôi hỏng bỏng không. Không chỉ Việt Nam mà cả những nước khác cũng vậy…

Có thể hình dung tâm trạng thật sự hẫng hụt của giới lãnh đạo Việt Nam khi nhìn vào gương mặt của Hillary Clinton và Donald Trump. TPP vẫn được coi là cứu cánh đối với nền kinh tế đã trôi vào năm thứ 8 suy thoái liên tiếp ở Việt Nam, là cần cẩu để trục vớt cho những gì còn sót lại từ sau triều đại bị coi là “phá chưa từng có” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và TPP cũng là một trong những mấu chốt để ổn định - ít nhất trên lý thuyết - sự tồn tại thêm ít năm của đảng cầm quyền ở Việt Nam.

Nếu TPP thất bại, sáu năm đàm phán TPP của thể chế “kinh tế Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ” sẽ trở thành công cốc. Sẽ không còn cơ hội để khoác lác về “GDP tiếp tục tăng trưởng từ 6-7%”. Thậm chí 1% cho GDP cũng còn là khó!

Và nếu TPP không được thông qua, hoặc chỉ được thông qua một phần - tương ứng với một số quốc gia, và đặc biệt tệ hại là trong số quốc gia đó lại không có Việt Nam - có thể hình dung cánh cửa còn lại để cứu vãn nền kinh tế sắp sụp đổ của Việt Nam đã tuyệt đối đóng lại.

Chờ đợi và chẳng biết phải làm gì

Còn bây giờ, tất cả đều phải chờ đợi. Giới chính khách Mỹ chờ đợi, phần lớn thế giới chờ đợi và giới lãnh đạo Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Việc Hillary Clinton hoặc đặc biệt là Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi, thậm chí là thay đổi rất lớn về chính sách đối ngoại, trong đó TPP chỉ là một phần.

Tương lai nước Mỹ đang được cảnh báo có thể rơi vào tay một người hành động tùy hứng như Donald Trump mà do đó không ai có thể đoán được là nếu trở thành tổng thống, ông Trump có quyết định thay đổi chính sách xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương có từ thời Tổng thống Obama hay không, hoặc có chấp nhận một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hay không…

Tương lai bất định của nền chính trị Mỹ cũng là tâm thế lúng túng đến mức “chẳng biết phải làm gì” của giới lãnh đạo Việt Nam - vốn quen đu dây không ngừng nghỉ nhưng không biết đến lúc nào sẽ bị té theo cách đầu chúc xuống.

Trong bối cảnh mờ mịt ấy, có thể dễ hiểu là Quốc hội và đảng rất sợ “cầm đèn chạy trước ô tô”, hồ hởi bỏ phiếu thông qua TPP nhưng sẽ bị “hố”. Cách tốt nhất và bản năng nhất là cứ chờ đợi và tiếp tục chờ đợi. Cứ để bầu cử tổng thống ở Mỹ xong xuôi rồi thăm dò từng động thái đối ngoại của họ, sau đó hẵng quyết định. Dù sao, chưa có TPP thì cũng chưa thể chết ngay được.

Theo lẽ đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam - cơ quan tham mưu không chỉ cho chính phủ mà cho cả Bộ Chính trị nước này - đang theo dõi rất sát tình hình bầu cử ở Mỹ. Khả năng Quốc hội Việt Nam thông qua sớm nhất đối với TPP sẽ chỉ có thể diễn ra vào kỳ họp đầu năm 2017, nếu tình hình có chút ánh sáng.

Còn ở Mỹ, khả năng sớm nhất thông qua TPP là ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016. Khi đó, Tổng thống Obama sẽ đưa hồ sơ TPP gần 5.500 trang ra Quốc hội Mỹ, và theo quy định của Quyền đàm phán nhanh (TPA), Quốc hội Mỹ không được sửa đổi những nội dung đã đàm phán về TPP mà chỉ bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua.

Nếu không thông qua, TPP sẽ bế tắc và Việt Nam cũng thế.

Nhưng nếu chế độ chính trị Việt Nam bế tắc, liệu Trung Quốc có muốn và có thể làm một động tác gì đó để thay thế TPP cho Việt Nam?

Trung Quốc có cứu chính thể Việt Nam?

Có nhiều lo ngại về khả năng này, đặc biệt có đồn đoán về việc Trung Quốc đã cho chính thể Hà Nội vay mượn hàng trăm tỷ đôla trong nhiều năm qua.

Tất cả chưa thể có được câu trả lời rõ ràng. Nhưng một dấu hiệu mang tính tham khảo đang diễn ra ở phía bên kia bán cầu. Ở nơi đó, đồng minh thân cận của Trung Quốc là “Venezuela xã hội chủ nghĩa tươi đẹp” đã chìm dưới cơn sóng thần lạm phát 700% nhanh đến mức có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vẻ như đang tính toán lại mối quan hệ liên minh với Venezuela - quốc gia mà nước này đã cho vay khoảng 60 tỷ đôla...

“Các cuộc họp đã đi đến nhất trí là [Trung Quốc] sẽ không đầu tư thêm vào Venezuela”, một nguồn tin quốc tế cho biết: “Có một thông điệp rõ ràng từ trên xuống: cứ để mặc họ gục ngã”. Theo nguồn tin này, các công ty Trung Quốc ở Venezuela đang chuyển nhân viên sang Colombia và Panama vì lý do an ninh, và cũng vì nhiều dự án của Trung Quốc ở nước này đã bị đình trệ.

Việt Nam cũng đang là một túi nợ của quốc tế và khả năng vỡ nợ đang lớn hơn bao giờ hết. Nếu cứ đâm đầu vào ngõ cụt ý thức hệ và tham nhũng tàn mạt, giới chính trị Việt Nam cũng rất có thể sẽ biến chế độ này thành một “thành trì xã hội chủ nghĩa Venezuela” mà đến Trung Quốc cũng không còn muốn cứu đám đồng chí tới hồi chạy loạn.