Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

‘Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội’?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Không khó để nhận ra rằng có một điểm chung quan trọng nhất đã không hề hiện ra trong hai sự kiện “phản ứng nhanh” cấp tập diễn ra vào cùng ngày 3/8/2017: không có bất kỳ từ ngữ “bắt cóc” nào được nói đến trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 3/8 và trong đoạn “tự thú” kèm hình ảnh của Trịnh Xuân Thanh trên Đài truyền hình Việt Nam vào buổi tối cùng ngày.

Điểm chung quan trọng nhất

Đối diện với rất nhiều câu hỏi về tin tức nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” lẫn quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức sau những thông tin này, Bộ Ngoại giao chỉ dẫn lại “Thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công an đã được báo chí đăng tải, theo đó, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện, đầu thú”, và “Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức”.

Đến tối cùng ngày, người ta thấy Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên Truyền hình Việt Nam với gương mặt phờ phạc, hệt như khuôn mặt như thể bằng sáp của Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh lúc hiện ra ở Hà Nội vào tháng 6/2015 sau quá nhiều tin đồn về việc ông này đã “biến mất” ở Paris.

Toàn bộ lời “tự thú” của Trịnh Xuân Thanh vào tối 3/8, cùng “đơn tự thú” không được đăng nguyên văn mà chỉ trích dẫn vài đoạn ngắn, lại được ông Thanh “đọc” theo một cách mà tất cả những người đã từng là tù nhân lương tâm của chế độ đều biết rõ sở thích và sở trường “dàn dựng” của cơ quan an ninh điều tra.

Nhưng quan trọng nhất, trong toàn bộ phần “đọc” cũng như một phần bản viết tay “tự thú” của Trịnh Xuân Thanh được đưa lên truyền hình, đã không có bất kỳ từ ngữ “bắt cóc” nào, cũng không hiện ra nội dung nào mà Trịnh Xuân Thanh phủ nhận cáo buộc ông đã bị bắt cóc ở Đức.

Chỉ một ngày trước những sự kiện trên, Bộ Ngoại giao Đức đã ra bản tuyên bố phản đối chính quyền Việt Nam và cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc thô bạo, trắng trợn Trịnh Xuân Thanh ngay trên lãnh thổ Đức. Giới quan chức ngoại giao Đức còn dùng cả cụm từ “bội ước lòng tin vô cùng lớn” trong trường hợp này. Thậm chí sang ngày 3/8, có tin một bộ phận của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đã đóng cửa bộ phận lãnh sự và phòng pháp lý, còn cảnh sát Berlin đã thẳng tay trục xuất cán bộ tình báo Nguyễn Đức Thoa - được biết như “quan chức ngoại giao” của Việt Nam tại CHLB Đức - ra khỏi lãnh thổ nước này, cấm quan chức này vĩnh viễn không bao giờ được trở lại Đức và có thể cả châu Âu …

Câu hỏi cần đặt ra là vì sao “đảng và nhà nước ta” lại trở nên “nhu mì” đến thế trước phản ứng của người Đức mà đang bị giới dư luận viên của đảng gào thét là “can thiệp trắng trợn vào nội bộ Việt Nam”, “Đức muốn làm diễn biến hòa bình ở Việt Nam”?

Phải chăng vì quá “mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức” như cách nói lặp đi lặp lại không biết chán của Bộ Ngoại giao Việt Nam?

Hay còn bởi những nguyên nhân khác, trong đó có thể một nguyên nhân nào đó sâu xa hoặc quá nhạy cảm về mặt “chính trị nội bộ”?

“Đức có đủ bằng chứng”

Chỉ biết rằng, ngay khi tung ra bản tuyên bố phản đối Việt Nam vào ngày 2/8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đã nói rõ với báo giới xung quanh ông là “Đức có đủ bằng chứng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.

Hôm sau, ngày 3/8, một quan chức Đức vẫn cho báo chí biết rằng “Đức có bằng chứng”. Một trong những bằng chứng như thế có thể chính là “cán bộ ngoại giao” Nguyễn Đức Thoa có mặt ngay tại địa điểm, ngay vào thời điểm Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mà camera cảnh sát Đức đã ghi hình được.

Thậm chí phía Đức còn không e ngại khi lặp lại yêu cầu Việt Nam phải “trả ngay” Trịnh Xuân Thanh để Đức xem xét khả năng dẫn độ và thủ tục tị nạn.

Vậy khi nào các cơ quan an ninh và ngoại giao của Đức sẽ trưng ra bằng chứng về vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin?

Chưa có thời điểm cho câu trả lời. Nhưng dường như thời điểm nào và cách thức, mức độ quyết liệt như thế nào trong nội dung trả lời còn tùy thuộc vào… Bộ Công an Việt Nam.

Trong khi đó ở Việt Nam, diễn biến truyền thông nhà nước trong những ngày qua đã vạch ra một giới tuyến rất rõ: trong khi giới dư luận viên dùng nhiều lý lẽ và xảo biện để phản bác, công kích cáo buộc “Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc” của chính phủ Đức, hầu hết báo nhà nước, kể cả báo đảng, đều chỉ đưa tin bài về “Trịnh Xuân Thanh đầu thú” theo bản thông báo ngày 31/7 của Bộ Công an, hoặc tỏ ý nghi ngờ về việc làm sao Trịnh Xuân Thanh “đi không ai biết, về chẳng ai hay”.., mà hoàn toàn không phản bác cáo buộc của Bộ Ngoại giao Đức.

Ngay cả Bộ Ngoại giao của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh cũng như thể “đá” trách nhiệm cho Bộ Công an theo phương kế “hồn ai đó giữ, thân ai người đó lo” trong lúc “tang gia bối rối”.

Cái cách thể hiện của Bộ Ngoại giao Việt Nam càng phác ra bức tranh tổng quát: vào chính lúc này, hình như không một cơ quan nào muốn “dây” đến vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và cơn khủng hoảng ngoại giao Việt - Đức.

Chỉ còn lại Bộ Công an - cơ quan phải “đứng mũi chịu sào”.

“Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội”

Cùng ngày 3/8, bắt đầu xuất hiện một luồng dư luận trên mạng xã hội về “chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng Đức và châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hy vọng và trông đợi hiệp định này”. Đáng chú ý, luồng dư luận này khởi phát từ vài gương mặt facebooker khá đậm dấu ấn “phe phái nội bộ”.

Cũng vào ngày 3/8 đã xuất hiện một luồng dư luận khác về “trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội”, từ bài viết của một nhà báo thuộc Truyền hình Công an nhân dân, trong đó có những đoạn đáng chú ý:

“Để bắt được Trịnh Xuân Thanh là vấn đề không dễ và Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng thừa biết những vấn đề phức tạp sẽ xảy ra sau khi bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Nếu đúng như báo chí Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” thì cũng không có giải pháp nào tốt hơn là phải chịu trả giá về mặt đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội”.

“Thực ra “bắt cóc” hay “đầu thú” không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng’.

“Cũng có thể có một thế lực nào đó đang lo sợ hoặc không muốn chúng ta yên ổn, không muốn bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, toàn Đảng, toàn dân đoàn kết nhất trí mà lấy con bài Trịnh Xuân Thanh trong việc che chắn cho bọn tham nhũng”.

“Nếu không “đánh rắn dập đầu” thì bọn tham nhũng sẽ phản đòn và tiếp tục ngóc đầu dậy chống đối quyết liệt hơn”.

Cần lưu ý, những nội dung trên không đơn thuần là cách nhìn của một tác giả trong một bài báo, mà còn có thể chứa đựng một phần hay toàn bộ quan điểm và cách thức phòng bị của “đảng ta”. Điều này lại khá logic với một số phát ngôn và hành xử của một số quan chức “có trách nhiệm” trong thời gian gần đây về vụ Trịnh Xuân Thanh.

Nếu những nội dung trên có “cơ sở thực tiễn”, sẽ không đời nào có chuyện Việt Nam “trả” Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức ngay hiện thời, mà có trả thì ít ra cũng sau khi Thanh đã hoàn thành trách nhiệm “nhân chứng vàng” trong một phiên tòa có lẽ mang tính lịch sử trong triều đại đảng Cộng sản.

Quả là ““bắt cóc” hay “đầu thú” không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam”. Có mất EVFTA mà kinh tế bị xấu đi thì cũng “chơi luôn”.

Và nếu những nội dung trên có cơ sở, hẳn EVFTA đang trở thành một trọng tâm tranh đấu mới trong nội bộ đảng, chẳng hạn theo cách “ai phải chịu trách nhiệm làm đổ vỡ EVFTA?”, ngay vào lúc này và còn có thể kéo dài đến Hội nghị trung ương 6 - dự kiến sẽ diễn ra vào quý tư năm 2017. Đó cũng là lúc mà Tổng bí thư Trọng có thể muốn “thanh lý sạch sẽ” những đường dây của “anh Ba X”, và muốn hơn nữa là “mọi nẻo đường đều dẫn đến anh Ba”.