Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Vụ Bãi Tư Chính và logic của ‘tướng Lịch đi Mỹ’

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Chuyến công du Mỹ bất ngờ của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có được “lập trình” trước hay chỉ là một sự kiện mà logic “cầu viện” đương nhiên của nó phải xảy ra sau vụ Bãi Tư Chính? Chuyến đi này liệu có với tới kết quả thực chất nào?

“Cầu viện”?

Chỉ một tuần sau cuộc gặp “xã giao” nhưng hàm chứa đầy ẩn ý tại trụ sở Bộ Quốc phòng vào chiều 26/7/2017 giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, đã xuất hiện tin tức chính thức trên mặt báo đảng về việc tướng Lịch sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 7 - 10/8/2017. Dự kiến tướng Ngô Xuân Lịch sẽ hội đàm với Bộ trưởng James Mattis, hội kiến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.

Cần nhắc lại, cuộc gặp “xã giao” giữa Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Ted Osius diễn ra chỉ vài ngày sau vụ nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết trước sức ép của Trung Quốc, vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”.

Cuộc gặp trên, dù chỉ được báo đảng mô tả là “tiếp xã giao”, nhưng lại “vô tình” trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí, phía Việt Nam đã cấp tốc liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - như một hành động “cầu viện” - nhưng đã không nhận được câu trả lời.

Chỉ sau đó ít ngày, có tin một phái bộ quân sự Mỹ đã đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng lúc, một cựu quan chức ngoại giao là ông Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của Việt Nam VIDS, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với đài RFA Việt ngữ đã “xác nhận” vài thông tin mà đã được dư luận râm ran trước đó: “Rất đáng để ý, có thể nói là khúc quanh mới trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng là đợt sóng ngầm tương đối dữ dội trong địa chính trị khu vực. Năm này và trong bối cảnh này là có nhiều chuyển động trong quan hệ Việt - Mỹ mà trước đây một vài năm chúng ta không thể hình dung được. Ví dụ chuyện tập trận, chuyện hạm đội Mỹ sẽ vào Cam Ranh...”.

Cam Ranh?

Trùng với thời điểm diễn ra cuộc gặp Ngô Xuân Lịch - Osius và nhận định của ông Đinh Hoàng Thắng trên RFA Việt ngữ vào cuối tháng 7/2017, báo Quân Đội Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng, trong bài “Kiên định đường lối đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ”, đã nêu ra một nội dung đáng chú ý (đoạn gạch dưới):

“Chính sách quốc phòng của Việt Nam đã nêu rõ: Việt Nam chủ trương không cho bất cứ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định không cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần-kỹ thuật. Tuy nhiên, Việt Nam hoan nghênh tàu, thuyền quốc tế ghé đậu và sử dụng dịch vụ hậu cần-kỹ thuật tại đây. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn…”.

Nội dung (gạch dưới) trên có vẻ được công khai một cách hiếm hoi từ trước đến nay trên mặt báo đảng.

Một lần nữa kể từ năm 2012 khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Canh Ranh, cảng quân sự có thể khống chế đến 2/3 Biển Đông lại được Việt Nam đặt lên bàn ngã giá với Hoa Kỳ.

Xem ra, cùng với chuyến thăm Mỹ đã được “lập trình” của tướng Ngô Xuân Lịch, xác suất hạm đội Mỹ “thăm” cảnh Cam Ranh như dự báo của ông Đinh Hoàng Thắng là không quá thấp.

Nhân quyền

Tướng Lịch đã đi Mỹ thay cho tướng Vịnh.

Bởi vào tháng Ba năm nay, sau khi chính phủ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử bắn ý “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Mỹ”, ông Murray Hiebert - cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết sau chuyến đi Mỹ của ông Phúc sẽ diễn ra một chuyến đi Mỹ khác vào tháng 7/2017 của Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, liên quan đến hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Tuy vậy, cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ thông tin nào về chuyến đi này.

Vì sao thế?

Nhìn lại năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Khi đó, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách “đu dây” nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn “bốn tốt - mười sáu chữ vàng”.

Sau đó, quả nhiên tình thế Việt - Trung càng lúc càng bất an, Hà Nội ngày càng bị Bắc Kinh lấn ép không chỉ về giao thương xuất nhập khẩu mà còn ngay tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, các hợp đồng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ đã gặp phải phản ứng lạnh nhạt từ phía Quốc hội Mỹ - bao gồm khá nhiều nghị sĩ quan tâm đến rất nhiều vụ nhân quyền bị đàn áp nặng nề ở Việt Nam.

Một khả năng có thể xảy ra là sau vụ chính quyền Việt Nam công khai thách thức Mỹ bằng án 10 năm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cộng thêm thái độ đu dây cố hữu của Hà Nội, Washington đã không còn mặn mà để tiếp tướng Vịnh.

Cô đơn

Ngay trước chuyến “cầu viện” Mỹ của tướng Ngô Xuân Lịch, đã có thêm một bằng chứng quá sống động về tình thế quá cô đơn của Việt Nam ngay trong khu vực ASEAN.

Tại Diễn đàn an ninh khu vực 10 nước Đông Nam Á ở Manila, Philipppines vào ngày 5/8/2017, một hiện tượng hơi “lạ” là Việt Nam đã cố gắng thúc giục các nước Đông Nam Á có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Việt Nam cũng tìm cách đưa những từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố của ASEAN, chẳng hạn vận động ASEAN bày tỏ quan ngại về “việc xây dựng” ở ngoài biển, ý nói đến sự bùng nổ các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây.

Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung là bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện đã được lên kế hoạch, sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý - một điều bị Trung Quốc chống lại.

Thế nhưng theo VOA, một nhà ngoại giao tham gia cuộc họp cho biết rằng “cuộc thảo luận thật gay go” và “Việt Nam đơn thương độc mã đòi có những từ ngữ mạnh mẽ về Biển Đông” trong khi “Campuchia và Phippines không mặn mà thể hiện điều đó”. Một số nhà ngoại giao nói còn có phần chắc Việt Nam sẽ thua trong nỗ lực đòi đưa các từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố, khi mà Philippines với tư cách chủ nhà hội nghị có nhiều ảnh hưởng hơn…

Quả thật, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một chục “đối tác chiến lược” trong túi.

Hy vọng mỏng manh còn lại chỉ là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.

Gần như chắc chắn, chuyến đi Mỹ của tướng Lịch sẽ bàn về “an ninh Biển Đông”, và nếu chuyện bàn thảo tiến hành thuận lợi thì sẽ có thể tiến đến cơ chế “tập trận chung”, cùng sự có mặt của hạm đội Mỹ ở Biển Đông trong tương lai gần.

Để khi đó, biết đâu Việt Nam lại tỏ ra “dũng cảm” hơn hẳn mà tiến ra Bãi Tư Chính tiếp tục khoan dầu khí chứ không phải muối mặt “đầu hàng” trước Trung Quốc như vừa qua.

Nhưng lại chưa có gì chắc chắn là giới quân sự Hoa Kỳ sẽ “cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ”, trong khi Mỹ còn phải lo nhiều vấn đề ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Vì thế, khả năng Mỹ có can dự vào Biển Đông hay không, và nếu có thì can dự tới mức độ nào, Việt Nam với Mỹ có thể thỏa thuận như thế nào để Việt Nam có thể tăng khả năng quốc phòng của mình để chống lại những bất trắc có thể xảy ra… vẫn là những đáp án mù mờ trong chuyến đi có thể chỉ mang tính “thăm dò” của tướng Ngô Xuân Lịch.