VOA - Sự hiện diện của hai chuyên đề “dân số” và “chăm sóc sức khỏe nhân dân” trong nghị trình Hội nghị trung ương 6 có thể cho thấy quyết tâm lẫn không khí “chống tham nhũng” tại kỳ họp kéo dài cả tuần lễ này bị pha loãng đến thế nào.
Đinh La Thăng “tạm thoát”?
Sát thời điểm khai mạc Hội nghị trung ương 6 vào ngày 4/10/2017, không có một thông tin chính thức nào về “hổ Đinh La Thăng”, trong khi nhân vật được “nhốt chung quyền lực vào lồng” cùng với ông Thăng là Nguyễn Văn Bình - Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương - còn được dẫn đầu một phái đoàn sang Cộng hòa liên bang Nga với mục đích và nội dung làm việc rất mông lung.
Thay cho những cái tên Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình, có vẻ chiến dịch nhằm tạo ra một sự đảo lộn lớn về nhân sự cấp cao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ gói gọn ở cái tên nhỏ bé: Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
Đinh La Thăng, cũng bởi thế, có thể được xem là “tạm thoát”.
Những chi tiết có thể tạo ra ấn tượng là chỉ trước Hội nghị trung ương 6 vài tuần lễ, nhân vật này đã bị một cấp nào đó bật đèn xanh để luật sư của Nguyễn Xuân Sơn - người vừa lãnh án tử hình trong vụ án Hà Văn Thắm của Ngân hàng Đại Dương - tung ra một văn bản chứng minh rõ sự chỉ đạo của Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) về yêu cầu các đơn vị thành viên mở tài khoản và giao dịch với ngân hàng Đại Dương.
Kết thúc phiên tòa xử Hà Văn Thắm, Hội đồng xét xử còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo gửi 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng Đại Dương để sau đó số tiền này hoàn toàn biến mất. Báo chí nhà nước đã ồn ào đưa tin về vụ việc này, thậm chí một số tờ báo đã bắt đầu đụng chạm đến cái tên Đinh La Thăng theo quan điểm được bật đèn xanh về “không có vùng cấm”.
“Không có Đinh La Thăng” tại Hội nghị trung ương 6 lại có thể khiến Huy Đức - một blogger và là người tung ra nhiều nhất các bài viết công kích, lên án những dấu hiệu tham nhũng của ông Thăng - rất không thỏa mãn khi cho tới giờ Đinh La Thăng vẫn chưa bị cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố.
Còn ông Nguyễn Phú Trọng đang tính toán gì với trường hợp Đinh La Thăng? Phải chăng ông Trọng muốn “để dành” Đinh La Thăng cho sau này, cho Hội nghị trung ương 7?
Hay Tổng bí thư Trọng không đủ lực để “xử” Đinh La Thăng, dù ông Trọng đã thành công khá trọn vẹn trong chiến dịch “đẩy” Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị tại Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017?
Khối đối thủ không ngang tầm
Giả thiết “không đủ lực” là có thể có cơ sở. Từ đầu năm 2017 đến nay, và đặc biệt từ sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, vị thế chính trị của Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là không còn đối thủ ngang tầm, cũng như hàng loạt vụ bắt bớ giới đại gia ngân hàng và dầu khí được đẩy mạnh hơn hẳn thời gian trước khi “Thanh về”. Tuy thế, thái độ chậm chạp truyền thống của các cơ quan thanh tra và điều tra vẫn có thể là một rào cản lớn đối với những chỉ đạo của tổng bí thư trong các vụ án đã được “quy hoạch”, dù ông Trọng đã có thâm niên đến một năm trời trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương, tính từ thời điểm tháng 10/2016. Đơn cử như vụ “MobiFone mua AVG” mà cho tới nay, bất chấp chỉ đạo của ông Trọng, bản kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ vẫn chưa được công bố.
Nhưng những đối thủ chính trị hiện thời của ông Trọng - tuy không ngang tầm nhưng lại chiếm số đông - chắc chắn đã không thể bỏ qua vụ việc biệt phủ của giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái là Phạm Sỹ Quý, khi cho tới nay cũng chưa được Thanh tra chính phủ công bố kết luận, cho dù vụ việc này gây phẫn nộ lớn trong cả nước.
Cũng còn những cái tên khác như Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh và là một trong những “tội phạm” tiếp tay cho nhà máy Formosa gây ra nạn ô nhiễm khủng khiếp đối với biển ở 4 tỉnh miền Trung, và Nguyễn Thị Kim Tiến - nhân vật có biệt danh “Kim Tiêm” mà từ năm 2014 đến nay, đặc biệt với vụ dính líu trách nhiệm để cho Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả mà đã gây oán thán lẫn phẫn nộ ghê gớm từ dư luận xã hội. Cả hai cái tên này đều chưa bị hề hấn gì. Còn trên phương diện nội bộ, hậu quả tai hại đối với Tổng bí thư Trọng là nhiều dư luận cho rằng sở dĩ những vụ việc Phạm Sỹ Quý, Võ Kim Cự, Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn còn trong vòng an toàn là do được tổng bí thư “bảo bọc”.
Có thể, sự châm chích của các đối thủ chính trị không ngang tầm về những vụ việc trên đã khiến ông Trọng chùn tay trước Đinh La Thăng.
Điều được gọi là “thành công” của ông Trọng tại Hội nghị trung ương 6 cũng bởi thế không hẳn trọn vẹn là “rửa mặt cho Hội nghị 6”.
“Rửa mặt” không trọn vẹn
Cách đây đúng 5 năm, cũng vào tháng Mười năm 2012, đã diễn ra một hội nghị trung ương cũng với số thứ tự là 6 - một rạn vỡ công khai đầu tiên trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam. Tại hội nghị đó, liên minh Nguyễn Phú Trọng- Trương Tấn Sang nhằm kỷ luật “đồng chí X” rốt cuộc đã bị đến 2/3 Ban chấp hành trung ương phủ quyết. Cũng tại hội nghị trung ương đó, lần đầu tiên ông Trọng không cầm nổi nước mắt khi đọc bài phát biểu bế mạc hội nghị. Nỗi đau quá lớn…
Năm năm sau, Nguyễn Phú Trọng phần nào hả hê, bắt đầu từ vụ cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng: cách chức như thế đã đủ đau chưa?
2017 có thể được xem là năm “thắng lợi lần 2” của Nguyễn Phú Trọng, sau “thắng lợi lần 1” tại đại hội 12 vào đầu năm 2016 khi ông Trọng đạt được kỳ tích “bất cứ ai trừ Dũng”.
Nếu Hội nghị trung ương 5 vào năm 2017 mang dấu ấn loại được Đinh La Thăng - người được đồn đoán “thân” với Nguyễn Tấn Dũng, thì Hội nghị trung ương 6 cùng năm cũng cho ra rìa một ủy viên trung ương là Nguyễn Xuân Anh - người được đồn đoán là “thân” với Trần Đại Quang - Chủ tịch nước.
Sau những “thành tích” đó, còn lại là “đổi mới chính trị” của Hội nghị trung ương 6.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Trọng không còn quá e dè khi đề cập đến cụm từ “đổi mới chính trị”, trong khi những năm trước ông chỉ thấp thoáng nói về “đổi mới”.
Nhưng lại hoàn toàn không rõ nghĩa của “đổi mới chính trị” là thế nào - tương tự cụm từ lê thê “hoàn hiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” của ông Trọng mà chẳng làm cho ai hiểu ra sao.
“Đổi mới chính trị” ở Hội nghị trung ương 6 còn xa mới mới tiếp cận được “đổi mới lần 1” của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm về trước, cho dù “đổi mới lần 1” rốt cuộc cũng chỉ “diệt ruồi”.
Trong thực tế, Hội nghị trung ương 6, ngoài những vài chuyên đề “làm màu” như dân số và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chỉ còn bàn đến việc “tinh gọn bộ máy đảng” và “tinh giản biên chế”, đặt ra mục tiêu cực kỳ khó khăn là làm sao giảm được 10% trong tổng số 2,5 triệu công chức viên chức nhà nước, kể cả phải tính toán bỏ ban 3 chỉ đạo “Ba Tây” - Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…
Nguồn cơn lớn nhất vẫn là nguy cơ rỗng ruột và cạn kiệt ngân sách. Ăn cho lắm mà làm ít hoặc chẳng làm gì thì đến núi cũng lở.
Nhưng ở Việt Nam lại là định luật bù trừ thu nhập và tài sản. Ngân sách và dân sinh cạn kiệt và khốn quẫn là thế, nhưng hàng núi tài sản vẫn dịch chuyển sang giới quan chức và chất cao ngút trời.
Cho tới nay, không có bất kỳ phản hồi nào từ chính Nguyễn Phú Trọng về căn bệnh kinh niên “chỉ phát hiện 5 trường hợp kể khai không trung thực trong số hơn một triệu công chức kê khai tài sản”. Cũng chẳng còn thấy ai nhắc đến chủ trương “kiểm tra tài sản 1000 cán bộ” của ông Trọng trong Hội nghị trung ương 6 kỳ này…
Cuối cùng là cuộc chiến nội bộ. Có thể xem Hội nghị trung ương 6 là cuộc họp mở màn chính thức cho chiến dịch “nhất thể hóa” cùng những xáo trộn chưa từng có về nhân sự đầu tỉnh và kể cả nhân sự “tứ trụ” trong ít nhất 2 năm tới.
Chiến dịch trên được hỗ trợ đắc lực bởi một quy định về “luân chuyển cán bộ” do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 7/10/2017, mà theo đó có thể được người đời hiểu như “không làm được việc thì luân chuyển”, “không chịu đi thì luân chuyển”, “không ăn cánh cũng đương nhiên bị luân chuyển”.