VOA - Từ đầu năm 2016 đến nay, một hiện tượng “lạ” đã xảy đến với đời sống nhàm chán qua ngày đoạn tháng của giới công chức ở Việt Nam: ban đầu lác đác lẻ tẻ, nhưng sau đó dần trở nên ồ ạt một phong trào cán bộ nhà nước xin nghỉ việc. Chỉ riêng Hậu Giang, một tỉnh được xem là trù phú của đồng bằng sông Cửu Long, đã có đến hàng trăm trường hợp như vậy, nhưng con số này vẫn chưa dừng lại.
Báo Tuổi Trẻ thống kê sơ lược: một phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã nghỉ việc về làm vườn; có cán bộ trình độ đại học nghỉ đi làm công nhân...
Trường hợp mới nhất là một quan chức trẻ - Nguyễn Như Hoàng (SN 1984) - đang giữ chức vụ Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Thông tin (Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghệ) trực thuộc Sở Công Thương Đắk Lắk, đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để về nhà.. bán gà nướng. Lý do: mức lương trưởng phòng tính cả phụ cấp của anh được hơn 4 triệu đồng, không đủ để trang trải cuộc sống.
Nguyễn Như Hoàng chia sẻ về lý do nộp đơn xin thôi việc lên mạng xã hội Facebook: “Không còn nhiệt huyết để cống hiến, để làm việc, lương quá thấp không đủ lo cho cuộc sống,vậy chiến đấu làm gì khi cả 2 yếu tố để tồn tại đều không có?".
Thân phận giới công chức dân sự là vậy. Thế còn lực lượng “còn đảng còn mình” - công an - thì thế nào?
“Cháy” phụ cấp!
Báo Thanh Niên dẫn lời Đại tá Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2017, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình.
Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác.
Vào tháng Sáu năm 2017, một mục sư Tin Lành ở Sài Gòn cho biết cơ quan công an địa phương nơi ông cư trú có chủ trương giảm đến 30% nhân sự. Không biết vô tình hay hữu ý, từ khoảng một năm qua “cơ chế” an ninh canh theo (canh gác - theo dõi) mục sư này đã lơi hẳn. Nếu trước đó luôn có vài ba công an mặc thường phục “chốt” ngay trước nhà ông hàng ngày, từ giữa năm 2016 đến nay công an đã bỏ chế độ canh theo thường xuyên mà chỉ còn “chốt chặn” vào những đợt cao điểm như hành lễ tôn giáo hoặc các dịp lễ 30/4, 2/9…
Một nhà hoạt động nhân quyền ở Đăk Lăk cũng kể một câu chuyện bi hài xen kẽ: bẵng đi một thời gian không thấy “đuôi” - một nhân viên an ninh trẻ thường theo dõi mình, bỗng một hôm anh gặp tay an ninh này trong bộ đồ cảnh sát trật tự. Cậu an ninh có vẻ ngượng nghịu thổ lộ rằng cậu ta phải “chuyển nghề” từ an ninh sang trật tự vì thu nhập của an ninh nghèo quá, lại không có thu nhập thêm, trong khi làm cảnh sát trật tự thì ít nhiều còn có “màu”.
Nhà hoạt động nhân quyền trên còn cho biết không chỉ công an viên cấp xã mà cả công an thành phố Ban Mê Thuột cũng có hiện tượng bị sa thải và nghỉ việc nhiều, tổng cộng có thể lên tới 30%.
Không biết vô tình hay hữu ý, làn sóng quan chức và công an xin nghỉ việc bắt đầu từ đầu năm 2016 lại xảy ra sau phát ngôn “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” của bộ trưởng kế hoạch đầu tư khi đó là ông Bùi Quang Vinh.
Cuối 2015 lại là thời điểm chuyển giao quyền lực giữa thủ tướng bị xem là “phá chưa từng có” và là tác giả của vô số chính sách “kiến tạo” nạn tham nhũng ở Việt Nam - Nguyễn Tấn Dũng - cho người thừa hưởng cái ghế thủ tướng nhưng cũng phải nhận lãnh trách nhiệm “đổ vỏ cho đời trước” là Nguyễn Xuân Phúc.
Sang năm 2016. Kể từ thời điểm Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bất chợt phát ra tán thán chưa từng có về “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào đầu năm 2017, từ đó đến nay nhiều người hoạt động nhân quyền đã phản ánh chuyện họ bớt hẳn bị công an canh theo. Thậm chí đã xảy ra hai động thái khá trái ngược nhau: trong khi số người hoạt động nhân quyền bị công an tống giam từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2017 lên đến con số 23, giới an ninh ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn lại không “dậu đổ bìm leo” - tức lợi dụng tình hình bắt bớ để tăng cường canh theo, sách nhiễu những người hoạt động nhân quyền chưa bị bắt - như những năm trước, mà vẫn “lặng như tờ”.
Vào những năm trước, một số người hoạt động nhân quyền cho biết mức “mật phí” dành cho an ninh theo dõi là 500.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp thành phố, 300.000 đồng/người/ngày với công an cấp quận, và 100.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp phường xã. Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay, mức “thù lao bảo vệ đảng” này đã tụt hẳn: chỉ còn 300.000 đồng/người/ngày đối với công an cấp thành phố, 100.000 đồng/người/ngày cho công an cấp quận, còn công an cấp phường xã… không có gì.
“Có thực mới vực được đạo”. “Đạo” lại là tiền. Tiền ít nên chẳng có gì lạ khi giới an ninh vô công rồi nghề chuyên canh theo người hoạt động nhân quyền bỗng “hiền” hẳn đi.
Một con số từ công an Bà Rịa - Vũng tàu đã chứng thực cho tình trạng khốn khó của công an xã: mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống chỉ còn 1,6 - 1,7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những năm trước.
Mặc dù công an, cùng với quân đội, là lực lượng có hệ số lương cứng thuộc loại cao nhất quốc gia, nhưng thu nhập của những giới này ngày cang teo tóp trong cơn bão giá cả và lạm phát ở Việt Nam. Hàng năm, trong khi Chính phủ và Tổng cục Thống kê chỉ đưa ra chỉ số lạm phát dưới 5%, mức trượt giá thực tế cao hơn rất nhiều - có thể lên tới 20-30%. Một trong những nguồn cơn chính gây ra lạm phát là in tiền.
Vào tết nguyên đán năm 2017, một số nhân viên an ninh chuyên canh theo than vãn: tết năm trước còn được 180 ngàn đồng và một cặp bánh chung, nhưng năm nay chỉ có 180 ngàn đồng mà không có bánh chưng!
Một tính toán gần đây của ông Tiến sĩ Vũ Quang Việt - cựu chuyên viên tài chính của Liên hiệp quốc - đã cho biết phần chi thường xuyên cho đội ngũ công an ở Việt Nam lên tới 12% trong tổng chi ngân sách hàng năm, tức còn cao hơn cả phần kinh phí gần 5 tỷ USD dành cho giới quân sự.
Tuy vậy, tình trạng “chỉ biết ăn không biết làm” đã luôn dẫn đến “ngồi ăn đến núi cũng lở” - ứng với không chỉ ngân sách chung mà còn với ngân sách của từng ngành chính trị, kinh tế - xã hội.
Sẽ ồ ạt “ra đi tìm đường cứu thân”
Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải “ra đi tìm đường cứu thân”, đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công chức, công an cấp quận huyện và cấp tỉnh thành có thể rơi vào tình trạng “bán thất nghiệp”, “thu không đủ chi” và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc.
Trong khi đó, lại có thêm một nguồn cơn đủ mạnh và đủ kích thích để khiến con sóng “tự nguyện nghỉ việc” sẽ ngày càng dâng trào: Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào tháng 10/2017 vừa nêu ra quyết tâm “tinh gọn bộ máy” cả khối sự nghiệp công lập lẫn các cơ quan đảng và chính quyền, mặt trận, hội đoàn từ cấp trung ương xuống các địa phương. Nếu đạt được mục tiêu trong 4 năm 2017 - 2021 giảm 10% trong tổng số 2,5 triệu công chức viên chức, sẽ có khoảng 244 ngàn người phải “ra đường”.
Tuy thế, một tương lai không mấy mong đợi dành cho giới công an trị là tìm việc sẽ không mấy dễ dàng. Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt Nam lên đến ít ra 20% - gấp hàng chục lần con số báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều cử nhân đại học còn phải chạy xe ôm hoặc làm công nhân…, những người có xuất thân công an ít chuyên môn, kỹ năng, lại là giới bị người dân và doanh nghiệp ít ưa nhất, sẽ rất khó để tìm được nhữn công việc “màu mỡ” hay có mức thù lao cao. May ra chỉ có thể đi làm bảo vệ như một số công an xã sau khi xin nghỉ công việc “bảo vệ đảng”.
Song vẫn còn một ít trường hợp thể hiện tính liêm sỉ như Nguyễn Như Hoàng - người vừa xin nghỉ việc ở Đăk Lăk. Trên facebook của mình, anh giãi bày: “Ăn bám nhà nước mà không làm được gì cho nhà nước thì nghỉ đi cho khỏe chứ cứ làm sàng sàng đi lên ngồi bật máy tính, máy lạnh cho tốn điện nhà nước thì về làm việc khác cho rồi. Không cần thiết đi làm kiểu thừa thãi đó, chán lắm!”.
Quả thực, nhiều dư luận cho rằng có đến 30% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức nhà nước thuộc loại “không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương”.
Bên cạnh những công chức chủ động nghỉ việc, nhiều người khác lại phải rời bỏ vị trí công tác trong tình trạng hoàn toàn thụ động do nằm trong diện bị giảm biên chế. Tồn tại quá lâu năm trong một môi trường vừa được bao cấp vừa quen thói hạch sách nhũng nhiễu dân và doanh nghiệp, một số công chức hoàn toàn không có cả “chiến lược” lẫn kỹ năng bươn trải ngoài đời một khi bị mất việc nhà nước.
Ngân sách năm 2017 lại càng tồi tệ hơn so với những năm trước. Với tốc độ thu ngày càng ít và chi ngày càng nhiều như hiện thời, tỷ độ hụt thu so với dự toán của năm 2017 có thể sụt xuống 11% hoặc thấp hơn, trong khi mực bội chi ngân sách có thể vọt đến 9% GDP, tức còn cao hơn cả kỷ lục 6,6% GDP vào năm 2013 dưới thời “phá chưa từng có Nguyễn Tấn Dũng”.
Từ năm 2015 đến nay, nhiều hội đoàn nhà nước, kể cả những “cánh tay nối dài của đảng” đã bị cắt giảm “bầu sữa” đến 50% hoặc hơn. Tại nhiều cơ quan nhà nước, công chức chỉ còn được phát tiền lương mà không còn phụ cấp hay tiền “khoán”.
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu trong thời gian tới sẽ hiện ra một phong trào ồ ạt công chức nghỉ việc nhà nước để “ra đi tìm đường cứu thân”.