Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Kẻ nào sẽ phải chịu ‘vận đen phá chùa’?

PHẠM CHÍ DŨNG

VOA - Thế mà đã lạnh trôi hai cái tết kể từ khi chính quyền TP.HCM hùng hổ ra quân xóa sổ chùa Liên Trì của Giáo hội Phật giáo Việt NamThống Nhất…

Buổi sáng tháng Chín

“Trong nhiều tội lỗi trên thế gian này, tội phá chùa là lớn lắm, những người đi phá chùa ắt phải nhận quả báo” - vị Hòa thượng trầm ngâm suy tư hồi lâu trước khi trả lời câu hỏi của tôi.

Vị sư tu tập ấy vốn nổi tiếng về năng lực và nhãn quan nhìn vật lẫn nhìn người. Phật tử từ nhiều nơi kéo về ngôi chùa trông thẳng ra biển này để mong được Hòa thượng xem vận số của họ. Nhưng không phải ai cũng được Hòa thượng tiếp. Với nhà sư này, điều ông cần nhất là sự thành tâm của con người, dù người đó không theo Phật giáo. Ông tuyệt đối không dùng từ “xem bói”, mà chỉ nhìn người mà luận. Nhiều người được Hòa thượng luận về quá khứ của mình đã chỉ còn biết cúi đầu xác nhận.

Tôi không “xem” gì cho mình, mà chỉ thuật lại cho Hòa thượng nghe câu chuyện chính quyền TP.HCM đã ủi sập chùa Liên Trì ở quận 2 chỉ trong một buổi sáng.

Buổi sáng ấy, tháng Chín năm 2016. Một đạo quân đông tới 400 người gồm công an có sắc phục và thường phục, dân phòng cùng các hội đoàn nhà nước, được trang bị súng ống và xe đặc chủng, đã vây kín chùa Liên Trì từ tờ mờ sáng, sau đó xông vào cưỡng chế các sư sãi yếu ớt trong chùa. Cứ hai ba kẻ khiêng một thày rồi tống vào xe hơi, chở cùng tượng phật và đồ của chùa về thẳng “chùa Liên Trì mới” do chính quyền dựng lên tại một hóc bò tó ở khu vực Thạnh Mỹ Lợi cùng địa bàn quận 2. Đó là nơi mà chính quyền đã tính toán rất kỹ: vì khoảng cách đến đó quá xa nên phật tử sẽ ít lai vãng, còn các tổ chức xã hội dân sự độc lập - đã quen xem chùa Liên Trì cũ như một địa chỉ sinh hoạt thường xuyên - sẽ không còn chốn dung thân.

Ít ngày sau, Hòa thượng Thích Không Tánh - trụ trì chùa Liên Trì - rời bệnh viện nơi ông phải điều trị bệnh huyết áp cao do vụ phá chùa, để về nhìn lại ngôi chùa của mình. Ở đó, ông chỉ còn thấy một mảnh đất đã bị san phẳng mà không còn bất kỳ dấu tích gì của ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã tồn tại hơn sáu chục năm giữa lòng Sài Gòn. Thày Không Tánh chỉ còn biết ôm mặt khóc tức tưởi. Nỗi phẫn uất của thày - một tù nhân ương tâm đã trầm mình đến hai chục năm trong nhà tù cộng sản - đã trở nên vô bờ bến…

Vụ phá chùa Liên Trì xảy ra dưới thời Đinh La Thăng.

Quả báo tội phá chùa

Năm 2016, Đinh La Thăng xông xênh “tiến về Sài Gòn” với khẩu hiệu “Vì dân và hành động”.

Nhưng trong lúc chỉ “hành động” một cách vặt vãnh, đưa đẩy chuyện làm đường hẻm và hứa hẹn bao tiêu sữa cho nông dân, tìm cách lấy lòng giới cán bộ lão thành, có công cách mạng, trí thức và cả những người dân thường, Đinh La Thăng lại tuyệt đối không nhân nhượng với giới hoạt động nhân quyền ở Sài Gòn trong suốt thời gian ông ta nhậm chức bí thư thành ủy.

Thậm chí thời Đinh La Thăng còn qua mặt và vượt hẳn cả bí thư thành ủy cũ là Lê Thanh Hải cùng đương kim bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về “thành tích” ném mắm tôm, đánh đấm và bắt bớ nhân quyền vào các lễ tưởng niệm 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh để bảo vệ Trường Sa năm 1974, ngày 17/2/2016 tưởng niệm 6 vạn quân nhân và người dân Việt Nam đã hy sinh trong Chiến tranh vệ quốc 1979 chống Trung Quốc xâm lược, đàn áp dã man đến đổ máu số đông người biểu tình vì môi trường vào ngày 8/5/2016…

Cũng trong năm 2016, Đinh La Thăng đã lập “thành tích vô thần” chưa từng có khi quan chức này đã hạ lệnh cho công an ủi sập chùa Liên Trì.

Về sau này, nhiều người nghiệm rằng vận đen của Đinh La Thăng không hẳn khởi sự từ những vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nơi ông ta là chủ tịch hội đồng thành viên trước năm 2011, mà thật ra đã bắt nguồn sâu xa từ vụ phá chùa chiền ấy.

Gần cuối năm 2017, tôi bàng hoàng nhớ lại lời Hòa thượng của ngôi chùa sát biển “Đã là quả báo thì không có cách nào tránh được. Ông Thăng ra lệnh phá chùa thì ông ấy sẽ phải chịu quả báo khắc nghiệt lắm. Lâu thì vài năm, sớm thì một năm nữa, ông Thăng sẽ bị ai đó phá lại và ông ấy sẽ phải chịu cảnh mất tự do”.

Lời tiên tri của Hòa thượng nói ra vào cuối năm 2016. Thú thật là khi đó, tôi đã không thể tin được lời Hòa thượng.

“Bị mất tự do” - hiểu theo nghĩa thông thường nhất - nghĩa là bị sa vào vòng lao lý, để nhẹ nhất cũng bị quản thúc tại gia. Làm thế nào mà Đinh La Thăng lại bị mất tự do theo cách ấy? Chính thể độc đảng ở Việt Nam cho tới khi đó lại chưa từng có tiền lệ về bắt giam ủy viên bộ chính trị. Càng khó hình dung hơn việc Đinh La Thăng bị tống giam rồi bị đưa ra tòa xét xử…

Nhưng đến tháng 4/2017, lời tiên tri của Hòa thượng bắt đầu ứng nghiệm. Đinh La Thăng bất ngờ “ngã ngựa” bởi một bản báo cáo từ chính các đồng chí không đồng lòng của ông - Ủy ban Kiểm tra trung ương - về những sai phạm “rất nghiêm trọng” vào thời ông Thăng là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nhưng đến lúc đó, tôi vẫn chỉ nghĩ là Đinh La Thăng sẽ mất ghế ủy viên bộ chính trị, mất cả ghế ủy viên trung ương, và nói chung có thể “bị cách mọi chức vụ trong đảng và chính quyền”, nhưng quá khó để hình dung ra chuyện Thăng sẽ bị bắt.

Bảy tháng rưỡi sau việc Đinh La Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị, lời tiên tri của Hòa thượng đã thêm một lần ứng nghiệm: đầu tháng 12/2017, Đinh La Thăng chính thức bị khởi tố và bị tống giam. Và chỉ một tháng rưỡi sau đó, ông ta đã phải nhận bản án lên đến 13 năm tù giam chỉ với một tội danh đầu tiên. Chưa kể một vụ khác - “800 tỷ” - mà Thăng sẽ bị đưa ra xét xử sau tết nguyên đán 2018.

Đinh La Thăng đã chính thức “bị mất tự do”.

Còn những kẻ nào phải chịu quả báo?

Vào những ngày tết nguyên đán 2018, tôi ghé chùa Giác Hoa ở Sài Gòn để thăm thày Không Tánh. Từ khi không còn chốn dung thân, thày Không Tánh đành phải tá túc nơi đây.

Và tôi những muốn quay lại ngôi chùa lồng lộng gió biển để hỏi Hòa thượng về luật nhân quả.

Giờ đây, tôi đã có thể hình dung rằng vụ phá chùa Liên Trì không chỉ “đen” cho Đinh La Thăng, mà cả một số quan chức cấp dưới của Thăng ở Sài Gòn, cùng những bàn tay đen đúa bí mật của giới quan chức cao cấp và nhóm lợi ích đã đẩy đuổi dã man người dân khỏi khu đất vàng Thủ Thiêm và “ăn đất” tàn mạt đến thế nào, cũng sẽ dần bị “báo ứng”.

Những quan chức nào khác đã a tòng với Đinh La Thăng phá chùa Liên Trì?

Xếp đầu danh sách khiếu nại tố cáo của người dân Thủ Thiêm ở quận 2 luôn là Tất Thành Cang - cựu chủ tịch quận 2, được xem là “đệ tử ruột” của cựu bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải và là phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM từ thời Đinh La Thăng cho đến giờ.

Và một lô một lốc quan chức chính quyền và Công an TP.HCM, Công an quận 2 mà đã “dây máu ăn phần” trong vụ thẳng tay phá chùa Liên Trì?

Cái “vận đen phá chùa” ấy, không sớm thì muộn, cũng sẽ báo ứng với từng thủ phạm một.

Chỉ còn một cách để được tha thứ và hóa giải cái vận đen đó: chính những thủ phạm ấy phải phục hồi nguyên trạng chùa Liên Trì như một sự hối lỗi trước tâm linh và lịch sử.